Maung Maung Thein, Thứ trưởng Bộ Tài chính, đồng thời là Chủ tịch của Uỷ ban Chứng khoán Myanmar (SEC) đã nhận định, đây là một ngày mang dấu ấn lịch sử của việc phát triển thị trường vốn tại Myanmar.
Sàn Giao dịch chứng khoán Yangon (YSX) là sàn chứng khoán đầu tiên của Myanmar, được thành lập vào tháng 12/2015 nhưng tới nay mới có phiên giao dịch đầu tiên, với 6 công ty niêm yết, 2 công ty bảo hiểm và 1 ngân hàng thanh toán. Theo một thỏa thuận được ký vào tháng 12/2014, YSX được thành lập dưới sự góp vốn của Ngân hàng Kinh tế Myanmar (MEB – thuộc sở hữu Nhà nước Mynamar), Sàn chứng khoán Tokyo (TSX) và Tập đoàn Chứng khoán Daiwa (Nhật Bản).
Trong ngày giao dịch đầu tiên, nhiều người đã đổ tới trụ sở YSX, chỉ để mua cổ phiếu duy nhất được giao dịch trong ngày của First Myanmar Investment Co (FMI), tập đoàn nằm dưới sự kiểm soát của doanh nhân Serge Pun, hoạt động trong lĩnh vực hàng không và công nghiệp y tế. Cổ phiếu của FMI đã nhận được 37.000 lệnh đặt mua, nhiều hơn so với 22.000 lệnh đặt bán, với giá 26.000 kyat (21,5 USD) mỗi cổ phiếu.
First Myanmar, Myanmar Citizens Bank và Myanmar Thilawa SEZ là 3 trong số 6 công ty đầu tiên được chấp thuận niêm yết.
Việc mở cửa giao dịch TTCK là bước tiến mới nhất tại Myanmar khi chính phủ dân chủ được hình thành, sau chiến thắng lịch sử vào tháng 11/2015 của Đảng Liên đoàn quốc gia vì dân chủ (NLD) do bà Aung San Suu Kyi lãnh đạo, đồng thời là một phần của những thay đổi quan trọng về chính trị và kinh tế, chấm dứt sự cô lập của Myanmar trong hơn 5 thập kỷ qua.
“Việc TTCK Myanmar được hình thành là một bước tiến quan trọng, bởi TTCK là một thành phần sống còn của nền kinh tế phát triển. Tuy nhiên, liệu thị trường này có thể thành công hay không còn phụ thuộc vào chính quyền mới có sẵn lòng dành sự ưu tiên cho nó hay không?”, Karine Hirn, đồng sáng lập East Capital Asset Management (Hong Kong), quỹ đầu tư tập trung vào các thị trường cận biên và mới nổi cho biết.
Theo nhiều chuyên gia, không khí hào hứng ban đầu là tín hiệu tốt cho sự tăng trưởng của TTCK Myanmar, tuy nhiên, sẽ không dễ dàng chuyển chút hào hứng này thành nguồn năng lượng giúp TTCK phát triển ổn định.
“Việc mở cửa sàn YSX không phải là một bước nhảy lớn, nó chỉ là bước đi nhỏ về đúng hướng”, Adam Jarczyk, trưởng nhóm phân tích tại Frontier Strategy Group cho biết.
Chặng hành trình của TTCK Myanmar bắt đầu từ đầu những năm 1990, khi những nhân sự cấp cao từ Daiwa Institute of Research Holdings, nhà môi giới lớn thứ hai Nhật Bản, tiến hành gặp gỡ với chính quyền quân đội khi đó tại Yangon. Mục tiêu ban đầu của họ là thiết lập sàn giao dịch chứng khoán vào năm 2000. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng tài chính khu vực diễn ra ngay sau đó đã làm “trật bánh” tham vọng này, và cho tới tận năm 2011, sau khi chính phủ bắt đầu mở cửa hơn nền kinh tế Myanmar, kế hoạch về TTCK mới được hồi sinh.
Theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), để nền kinh tế Myanmar có thể trỗi dậy từ tình cảnh bị cô lập, quốc gia này cần 80 tỷ USD, các kế hoạch vận tải và công nghệ cho tới năm 2030 để hiện đại hóa nền kinh tế. Tuy nhiên, quốc gia này đang là điểm đến khá thu hút đối với dòng tiền đầu tư trực tiếp nước ngoài. Kể từ khi các lệnh cấm vận của phương tây được gỡ bỏ năm 2013, đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Myanmar đã đạt mức kỷ lục 8 tỷ USD trong năm tài chính 2014-2015, khi hàng loạt các tập đoàn đa quốc gia như Coca-Cola, Telenor, Colgate Palmolive và Mitsubishi đánh cược vào thị trường tiêu thụ tăng trưởng nhanh tại quốc gia này.
Thị trường tiêu dùng cùng tầng lớp trung lưu Myanmar được kỳ vọng sẽ tăng trưởng gấp đôi, từ mức 5,3 triệu USD năm 2012 lên 10,3 triệu USD năm 2020, theo Boston Consulting Group.
Theo ước tính của ADB, nền kinh tế Myanmar đã tăng trưởng khoảng 8,3% trong năm ngoái và sẽ tăng trưởng ở mức tương tự trong năm nay.
Hiện tại, YSX mới mở cửa cho các nhà đầu tư và hãng đầu tư nội địa, tuy nhiên, nhà đầu tư nước ngoài sẽ được phép giao dịch tại TTCK Myanmar khi chính chủ mới chính thức bước vào nhiệm kỳ mới trong tuần tới, tờ Myanmart Times đưa tin, trích lời chủ tịch Uỷ ban chứng khoán (SEC) Maung.
“Có rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài tập trung chú ý vào Myanmar ngay lúc này, nhưng họ vẫn có chút nản lòng bởi khả năng đầu tư vào cổ phiếu Myanmar, ngoại trừ một số cổ phiếu đã được niêm yết tại thị trường nào khác. Cuối cùng, những thách thức này đã chấm dứt”, Thomas Hugger, CEO Asia Frontier Capital Ltd (Hong Kong) cho biết.