Rủi ro là rất lớn khi Phố Wall gần như đang đồng thuận trong việc đánh giá thấp quỹ đạo của lạm phát. Vốn hoá thị trường chứng khoán toàn cầu đã bị thổi bay 18.000 tỷ USD trong năm ngoái, trong khi thị trường trái phiếu Kho bạc Mỹ đã trải qua năm tồi tệ nhất trong lịch sử. Chưa hết, thông qua các giao dịch hoán đổi lạm phát, một lần nữa thị trường kỳ vọng rằng lạm phát sẽ tương đối ổn định và giảm xuống mục tiêu 2% của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) trong vòng một năm, trong khi thị trường tiền tệ đang đặt cược rằng ngân hàng trung ương sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất.
Theo Frederic Leroux, người đứng đầu nhóm tài sản chéo của nhà quản lý tài sản Carmignac, điều đó có thể tạo ra thị trường cho một xu hướng khốc liệt khác, vì tình trạng thiếu nhân công có thể sẽ tăng cao hơn dẫn tới lạm phát cao hơn dự kiến.
“Lạm phát sẽ duy trì. Sau cuộc khủng hoảng, các ngân hàng trung ương nghĩ rằng họ có thể quyết định mức lãi suất. Trong hai năm qua, họ nhận ra rằng họ không làm như vậy nhưng lạm phát thì có”, ông cho biết.
Ông nói thêm rằng, một trong những định giá sai lớn nhất trên thị trường hiện nay là kỳ vọng lạm phát sẽ giảm xuống 2,5% vào năm 2023, trước khi nói thêm rằng thế giới đang bước vào một chu kỳ kinh tế vĩ mô có thể so sánh với giai đoạn 1966-1980, thời điểm mà Mỹ đối diện với lạm phát hai con số.
“Chúng ta phải sống trong một môi trường rất khác so với trước đây”. Theo quan điểm của ông, vàng, chứng khoán Nhật Bản và các công ty ổn định, đáng tin cậy sẽ quay trở lại khi lợi suất thực tế âm vẫn tồn tại và các ngân hàng trung ương sẽ không muốn gây ra quá nhiều tổn thất.
Các quan chức Fed mới đây đã nhắc lại lập trường diều hâu với những bình luận nhằm xua tan hy vọng về một sự đảo ngược sắp xảy ra trong đường lối chính sách. Nhà kinh tế trưởng Philip Lane của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) trong tuần qua đã lặp lại quan điểm đó, và cho biết rằng, áp lực giá cả sẽ vẫn tăng ngay cả khi chi phí năng lượng giảm bớt.
Các nhà phân tích tại Viện Đầu tư của BlackRock cũng nhận định lạm phát cao vẫn tiếp diễn, với rất ít hy vọng rằng suy thoái kinh tế sẽ thúc đẩy Fed cắt giảm lãi suất. Thay vào đó, họ kỳ vọng Fed sẽ giảm dần các đợt tăng lãi suất quá mức thành các đợt tăng lãi suất nhỏ hơn khi tác động của suy thoái kinh tế trở nên rõ ràng, ngay cả khi lạm phát vẫn cao hơn mục tiêu 2% của ngân hàng trung ương.
“Các ngân hàng trung ương khó có thể giải cứu bằng cách cắt giảm lãi suất nhanh chóng trong thời kỳ suy thoái mà họ đã thiết kế để giảm lạm phát xuống các mục tiêu chính sách. Nếu bất cứ điều gì xảy ra, lãi suất chính sách có thể duy trì ở mức cao hơn trong thời gian dài hơn thị trường mong đợi”, nhóm các nhà phân tích của của BlackRock cho biết.
Jurrien Timmer, Giám đốc vĩ mô toàn cầu của Fidelity Investments cho biết, lạm phát vẫn là rủi ro chính đối với thị trường vì Fed đã nhiều lần nói rõ rằng họ muốn thấy các biện pháp giảm xuống mục tiêu 2%, chứ không chỉ là sự chậm lại trong tốc độ tăng trưởng giá cả.
Tất nhiên không phải tất cả các nhà quản lý tài sản đều đồng ý với quan điểm này. Công ty quản lý tài sản Robeco của Hà Lan cho rằng năm 2023 sẽ là mức cao nhất đối với lãi suất, đồng đô la và cả lạm phát. Điều này chủ yếu là do kỳ vọng về một cuộc suy thoái và các nhà hoạch định chính sách không có khả năng thiết kế một cuộc hạ cánh mềm, điều mà họ cho rằng sẽ dẫn đến việc cắt giảm lãi suất.
Nhưng ông Frederic Leroux cho biết, việc thị trường tập trung vào chính sách xoay trục tiềm năng của Fed là “một sự kiện thứ yếu”, vì sẽ có lúc các nhà đầu tư nhận ra rằng lạm phát khó khăn hơn họ nghĩ.
“Đến một lúc nào đó, thị trường sẽ phải hiểu rằng sắp có thêm nhiều đợt tăng lãi suất nữa”, ông cho biết.