Khi nào ACB chuyển sàn là mối quan tâm của nhiều nhà đầu tư. ACB là cổ phiếu ngân hàng có vốn hóa hàng đầu trên HNX, dự kiến sau khi chuyển sàn 6 tháng sẽ đủ điều kiện để được đưa vào các bộ chỉ số của HOSE (VN30, VNDiamond, VNFinSelect, VNFinLead), điều này sẽ hỗ trợ cho giá cổ phiếu. Đó là chưa kể ACB được giới phân tích nhận định sẽ tiếp tục tăng trưởng trong giai đoạn khó khăn tạm thời vì đại dịch Covid-19.
Ước tính, ACB sẽ có 3 khoản thu nhập đột biến trong năm 2020, bao gồm: khoản phí trả trước cho hợp đồng bảo hiểm độc quyền với một công ty bảo hiểm nhân thọ, dự kiến được thực hiện trong quý IV; nguồn thu kéo dài trong giai đoạn 2020 - 2021 là từ hoạt động thoái vốn khỏi ACBS; và khoản thu từ nợ xấu đã xử lý, khoảng 806 tỷ đồng.
Các cổ phiếu ngân hàng có kế hoạch chuyển sàn khác như LPB, VIB cũng được nhà đầu tư quan tâm.
VIB đã nộp hồ sơ lên HOSE, giới đầu tư kỳ vọng Ngân hàng sẽ hoàn thành các thủ tục trong quý IV. Chất xúc tác tăng tính hấp dẫn ở VIB là ngân hàng này hở “room” ngoại khoảng 7,5%, có thể sẽ thu hút thêm nhà đầu tư nước ngoài sau khi chuyển sàn.
Cổ phiếu LPB có thanh khoản đột biến trong những phiên gần đây và thị giá tăng gần 18% từ ngày 10/9 đến nay, đến từ kỳ vọng của nhà đầu tư về cổ tức, chuyển sàn, nới room ngoại, nhất là khả năng thoái vốn tại STB cho một cổ đông mới.
Một nhóm nhà đầu tư thường tổ chức những buổi gặp mặt để trao đổi thông tin, chia sẻ cơ hội đầu tư nhìn nhận, các cổ phiếu ngân hàng “đổ bộ” lên HOSE là yếu tố tích cực, sẽ thu hút các quỹ ngoại, các nhà đầu tư lớn giải ngân. Bản thân các ngân hàng đều có chất xúc tác và câu chuyện riêng hỗ trợ giá cổ phiếu, qua đó tạo “sóng”, dẫn dắt thị trường.
Đáng chú ý, Công ty cổ phần Bệnh viện quốc tế Thái Nguyên đã nộp hồ sơ niêm yết trên HOSE với mã chứng khoán TNH, nhiều khả năng đây sẽ là bệnh viện đầu tiên niêm yết (hiện tại, sàn chứng khoán tập trung có Bệnh viện Tim Tâm Đức, nhưng đăng ký giao dịch trên UPCoM).
Điểm nhấn được các nhà đầu tư đánh giá ở TNH chính là một trong những bệnh viện ngoài công lập đầu tiên được thông tuyến bảo hiểm y tế; đầu tư mở rộng công suất phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh với Bệnh viện quốc tế Thái Nguyên giai đoạn 2 (tổng mức đầu tư 450 tỷ đồng) và Bệnh viện đa khoa Yên Bình (tổng mức đầu tư hơn 270 tỷ đồng) đi vào hoạt động.
Tính tới cuối năm 2019, TNH có vốn điều lệ 415 tỷ đồng, tổng tài sản gần 900 tỷ đồng. Công ty dự kiến chuyển đổi Bệnh viện quốc tế Thái Nguyên 1 thành bệnh viện chuyên khoa sản - nhi; đầu tư xây dựng một bệnh viện mới chuyên khoa mắt; xây dựng một bệnh viện đa khoa quy mô 700 - 1.000 giường ở phía Tây Hà Nội.
Ông Phạm Ngọc Dương, phụ trách quan hệ cổ đông TNH cho biết, kế hoạch niêm yết đã có từ 3 năm trước.
Hiện tại, vốn điều lệ của Công ty vẫn là 415 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu lớn hơn nhiều vốn điều lệ, tổng tài sản trên ngàn tỷ đồng.
Theo đó, niêm yết sẽ thể hiện được giá trị thực của Công ty, đồng thời là bệnh viện đầu tiên lên niêm yết, gia tăng tính minh bạch, hiệu quả hoạt động.
TNH kỳ vọng sẽ có được niềm tin của nhà đầu tư để trong quá trình phát triển cần đến nguồn lực vốn của cổ đông thì Công ty huy động vốn thuận lợi hơn. Trước mắt, các kế hoạch đầu tư của doanh nghiệp đã cơ bản thu xếp được nguồn vốn.
Trong lĩnh vực bất động sản, nguồn tin của phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán cho biết, một doanh nghiệp đang thực hiện phân phối cổ phiếu ra nhà đầu tư cá nhân, từng bước chuẩn bị cho việc niêm yết trên HOSE.
Đây là doanh nghiệp có xuất thân từ môi giới và đang mở rộng sang phát triển bất động sản khi đã tích lũy được một quy mô đất sạch nhất định. Không ít nhà đầu tư đã đăng ký mua cổ phiếu trong đợt phân phối này.