Thị trường chứng khoán còn rất nhiều việc phải nỗ lực

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) 15 năm hoạt động, HNX đã có những bước phát triển quan trọng, đóng góp cho sự phát triển của TTCK Việt Nam. Tuy nhiên, bức tranh chung còn rất nhiều việc phải nỗ lực. TSKH. Nguyễn Thành Long, Chủ tịch HĐQT Sở GDCK Hà Nội (HNX) chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán. 
Thị trường chứng khoán còn rất nhiều việc phải nỗ lực

Sau 15 năm hoạt động, HNX có đóng góp như thế nào vào hành trình 20 năm phát triển của TTCK Việt Nam?

Trung tâm Giao dịch chứng khoán Hà Nội, tiền thân của HNX được chính thức khai trương vào năm 2005, với hoạt động đầu tiên là tổ chức các phiên đấu giá cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.

Một thời gian ngắn sau đó, thị trường giao dịch thứ cấp cổ phiếu bắt đầu đi vào hoạt động với 6 doanh nghiệp đầu tiên.

Thị trường chứng khoán còn rất nhiều việc phải nỗ lực ảnh 1

TSKH. Nguyễn Thành Long.

Trải qua 15 năm hoạt động, HNX đã có những bước phát triển quan trọng, đóng góp tích cực cho sự phát triển của TTCK Việt Nam nói riêng, góp phần tích cực vào việc huy động vốn cho nền kinh tế nói chung.

HNX đã tổ chức và vận hành đồng bộ cả 3 mảng của TTCK, bao gồm thị trường cổ phiếu, thị trường trái phiếu và thị trường phái sinh. Thị trường cổ phiếu tại HNX bao gồm 2 phân mảng: Thị trường cổ phiếu niêm yết và thị trường đăng ký giao dịch UPCoM của các doanh nghiệp chưa niêm yết.

Thị trường niêm yết có sự phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn 5 năm đầu khai trương, thu hút số doanh nghiệp mới năm sau tăng gấp đôi, gấp ba năm trước.

Với định hướng cơ cấu lại thị trường theo hướng cổ phiếu sẽ được giao dịch tập trung tại Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE), vài năm trở lại đây, số lượng doanh nghiệp đăng ký niêm yết trên HNX giảm dần và chỉ ở mức 10 doanh nghiệp mới mỗi năm.

Trong bối cảnh đó, nhận thức được vị trí và vai trò của mình, 4 năm trở lại đây, HNX tập trung đẩy mạnh phát triển thị trường UPCoM. Thị trường này ra đời với sứ mệnh thu hẹp thị trường tự do, mở rộng thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Tuy nhiên, cho tới năm 2015, thị trường UPCoM vẫn chưa thực sự phát triển.

Thị trường chứng khoán còn rất nhiều việc phải nỗ lực ảnh 2

Quy mô thị trường UPCoM từ năm 2015 đến nay.

Cùng với Thông tư 180/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn về đăng ký giao dịch chứng khoán trên hệ thống giao dịch cho chứng khoán chưa niêm yết, HNX đã phân tích và tham mưu cho Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) báo cáo Bộ ban hành Thông tư 115/2016/TT-BTC sửa đổi Thông tư 196/2011/TT-BTC hướng dẫn bán cổ phần lần đầu và quản lý, sử dụng tiền thu từ cổ phần hóa của các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thực hiện chuyển đổi thành công ty cổ phần.

Kể từ đó, UPCoM có sự phát triển vượt bậc. Chỉ trong vòng 4 năm, số lượng doanh nghiệp đăng ký giao dịch trên UPCoM đã tăng từ 256 công ty cuối năm 2015 lên hơn 900 doanh nghiệp tại thời điểm cuối tháng 6/2020, nâng tổng số công ty niêm yết và đăng ký giao dịch trên cả hai mảng thị trường đạt gần 1.300 công ty. Vốn hóa của thị trường UPCoM tăng 26 lần, từ hơn 54.000 tỷ đồng cuối năm 2015, lên hơn 1 triệu tỷ đồng tại ngày 30/6/2020.

Các thị trường cổ phiếu HNX trong 15 năm qua đã giúp các doanh nghiệp huy động hơn 250.000 tỷ đồng vốn cho sản xuất - kinh doanh thông qua hoạt động phát hành cổ phiếu trên sàn.

Thị trường chứng khoán còn rất nhiều việc phải nỗ lực ảnh 3

Tỷ trọng giá trị vốn hóa của HOSE, HNX và UPCoM giai đoạn 2015-2019.

Trên thị trường sơ cấp, hoạt động đấu giá cũng góp phần tích cực trong việc thúc đẩy cổ phần hóa, tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước. Trong 15 năm qua, đã có hơn 530 doanh nghiệp nhà nước đấu giá qua HNX, thu về cho Nhà nước hơn 70.000 tỷ đồng.

Thị trường trái phiếu chính phủ phát triển nhanh và bền vững, trở thành kênh huy động vốn quan trọng cho ngân sách nhà nước, với hơn 180.000 tỷ đồng huy động mỗi năm, lãi suất huy động giảm đáng kể và kỳ hạn bình quân ngày càng tăng, giúp tiết kiệm cho ngân sách nhà nước hàng nghìn tỷ đồng tiền trả lãi, đồng thời hỗ trợ tích cực trong điều tiết kinh tế vĩ mô.

Thị trường thứ cấp không ngừng tăng về quy mô và độ sâu, tiệm cận các nước có thị trường trái phiếu chính phủ phát triển trong khu vực và trên thế giới.

Thị trường trái phiếu chính phủ Việt Nam được Ngân hàng Phát triểu châu Á (ADB) đánh giá có mức tăng cao nhất trong các nền kinh tế mới nổi tại khu vực Ðông Á, với tốc độ tăng trưởng bình quân 27%/năm trong thập kỷ vừa qua.

Ðể thúc đẩy sự phát triển của thị trường thứ cấp, năm 2016, HNX đã triển khai nâng cấp hệ thống giao dịch mới, đồng thời tham mưu cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước báo cáo Bộ Tài chính ban hành Thông tư 10/2017/TT-BTC sửa đổi Thông tư 234/2012/TT-BTC chính hướng dẫn quản lý giao dịch trái phiếu chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh và trái phiếu chính quyền địa phương, bổ sung thêm các sản phẩm và cơ chế giao dịch mới.

Nhờ vậy, chỉ trong 3 năm (2017-2020), thanh khoản trên thị trường này tăng gần 3 lần, từ bình quân 3.600 tỷ đồng/phiên năm 2015 lên 10.000 tỷ đồng/phiên trong 6 tháng đầu năm 2020.

HNX đang xây dựng hạ tầng công nghệ để vận hành chuyên trang thông tin về trái phiếu doanh nghiệp và hiện là đầu mối tiếp nhận nội dung công bố thông tin trái phiếu doanh nghiệp, tiến tới triển khai tổ chức thị trường thứ cấp cho trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ theo các chuẩn mực và thông lệ tiên tiến quốc tế.

TTCK phái sinh là mảnh ghép mới nhất, góp phần hoàn thiện cơ cấu thị trường của HNX, cũng như hoàn thiện cấu trúc hoạt động TTCK Việt Nam theo thông lệ quốc tế.

TTCK phái sinh có sự tăng trưởng rất tốt, vượt các kỳ vọng đặt ra. Các sản phẩm phái sinh trên 2 sản phẩm cơ sở là chỉ số cổ phiếu VN30 và trái phiếu chính phủ kỳ hạn 5 năm đã được nhà đầu tư tích cực đón nhận.

Tuy mới đi vào hoạt động gần 3 năm, nhưng thanh khoản thị trường nhanh chóng đạt mức hơn 165.000 hợp đồng/phiên trong 6 tháng đầu năm 2020, trong đó phiên giao dịch kỷ lục có khối lượng giao dịch đạt hơn 300.000 hợp đồng, con số mà nhiều thị trường phát triển trước đó phải mất hàng chục năm mới đạt được.

TTCK phái sinh đã thể hiện vai trò là công cụ phòng ngừa rủi ro cho nhà đầu tư trên thị trường cơ sở, giữ chân dòng vốn ở lại thị trường mỗi khi biến động mạnh.

HNX đã vượt qua những thách thức nào để đạt được những bước tiến trên?

Nếu như ở giai đoạn đầu, nhiệm vụ của chúng tôi là phát triển theo chiều rộng, nghiên cứu và mở rộng các phân mảng mới, đưa TTCK đến gần hơn với các doanh nghiệp và công chúng đầu tư, thì ở giai đoạn sau, chúng tôi còn có thêm 2 nhiệm vụ chính trị quan trọng khác:

Thứ nhất, tạo kênh dẫn vốn ổn định, hiệu quả với chi phí thấp để Chính phủ cân đối ngân sách, phục vụ cho phát triển kinh tế; thứ hai, tổ chức triển khai thực chất việc gắn cổ phần hóa với niêm yết và đăng ký giao dịch, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, thúc đẩy tiến trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước.

Mặc dù trong mỗi giai đoạn khác nhau với mỗi nhiệm vụ cụ thể đều đặt ra cho chúng tôi những thử thách khác nhau, nhưng ở HNX, chúng tôi luôn nỗ lực không ngừng, cùng nhau chia sẻ và hỗ trợ nhau để đạt được mục tiêu chung đã đề ra.

Chúng tôi không ngại khai phá những lĩnh vực mới dù biết là sẽ gặp khó khăn và mạnh dạn đầu tư nghiên cứu, phát triển sản phẩm mới, thị trường mới để đáp ứng nhu cầu thị trường ngày càng đa dạng và góp phần đưa TTCK Việt Nam tiệm cận với quốc tế.

Chúng tôi còn phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp công nghệ của Việt Nam tự xây dựng và phát triển các hệ thống giao dịch của riêng mình như hệ thống giao dịch cổ phiếu, hệ thống giao dịch trái phiếu... hiện đại và tiệm cận với các chuẩn mực quốc tế, từ đó làm chủ công nghệ, không bị động trước những rủi ro hệ thống, đồng thời luôn chủ động trong phát triển sản phẩm, cơ chế giao dịch, đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Sắp tới, HNX sẽ tập trung vào những định hướng phát triển lớn nào để tiếp tục có đóng góp quan trọng cho TTCK trên bước đường phát triển mới sau chặng đường 20 năm?

Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục phát triển thị trường cổ phiếu nhằm đưa thị trường này trở thành kênh dẫn vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế.

Cùng với việc thúc đẩy các giải pháp tăng thanh khoản thị trường cổ phiếu, chúng tôi đang nghiên cứu thiết lập thị trường vốn cổ phần dành cho các doanh nghiệp khởi nghiệp (start-up), các doanh nghiệp vừa và nhỏ nhằm thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế tư nhân.

Ðặc biệt, chúng tôi sẽ tập trung hoàn thiện tổ chức thị trường trái phiếu, bao gồm cả thị trường trái phiếu chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp, tăng cường thanh khoản cho thị trường giao dịch thứ cấp để hỗ trợ cho hoạt động phát hành trên thị trường sơ cấp.

Với thị trường phái sinh, nơi có tiềm năng phát triển mạnh trong tương lai, chúng tôi đang nghiên cứu để đa dạng hóa các sản phẩm để không chỉ tiếp tục phát triển các sản phẩm phái sinh dựa trên chỉ số, mà còn phát triển cả các sản phẩm phái sinh dựa trên các cổ phiếu đơn lẻ.

Chúng tôi cũng nỗ lực tìm các giải pháp thúc đẩy đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư, phát triển hệ thống nhà đầu tư tổ chức.

Chúng tôi nhìn thấy tiềm năng phát triển thị trường phái sinh hàng hóa và sẽ nghiên cứu triển khai tổ chức thị trường phái sinh trên hàng hóa, mà trước mắt tập trung vào các sản phẩm nông nghiệp thế mạnh của Việt Nam như cà phê, hạt tiêu, hạt điều… và các nguyên vật liệu như gas, dầu, khí tự nhiên… 

Hữu Hòe

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,284.09 -6.09 -0.47% 232,038 tỷ
HNX 242.58 -1.33 -0.55% 1,769 tỷ
UPCOM 91.57 0.09 0.09% 657 tỷ