Thị trường chứng khoán: “Con gấu” chùn chân

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Biến động giật cục của thị trường gần đây khiến nhiều nhà đầu tư cảm thấy bất an, nhưng chỉ số đã có một số dấu hiệu cho thấy đang ở vùng đáy ngắn hạn.
VN-Index đã xuất hiện một số dấu hiệu tạo đáy quanh mức 1.200 điểm, có thể kích hoạt dòng tiền. VN-Index đã xuất hiện một số dấu hiệu tạo đáy quanh mức 1.200 điểm, có thể kích hoạt dòng tiền.

Dấu hiệu vùng đáy

Theo phân tích kỹ thuật, thị trường “con gấu” (giá giảm) đã xuất hiện, tức thị trường có xu hướng giảm giá, khi khoảng 80% số mã cổ phiếu mất giá mạnh. Nhìn lại lịch sử, thị trường chứng khoán trải qua nhiều giai đoạn biến động, trong đó có các đợt điều chỉnh lớn vào năm 2011, giữa năm 2014, giữa năm 2018 và gần đây nhất là đầu năm 2020.

Thống kê của SGI Capital cho thấy, trong 10 năm qua có 3 lần thị trường bị bán tháo, đưa định giá P/E của VN-Index về dưới 12 lần. Sau đó, chỉ số tăng từ 35 - 80% trong vòng 12 tháng và đều vượt qua vùng đỉnh cũ. Dấu hiệu nhận biết thị trường tạo đáy là chỉ số có mức giảm trên 20% từ vùng đỉnh, thanh khoản giảm khoảng một nửa, định giá P/E lùi về mức thấp...

Diễn biến chỉ số VN-Index và giá trị vốn hóa sàn HOSE.

Diễn biến chỉ số VN-Index và giá trị vốn hóa sàn HOSE.

Đối với thị trường hiện tại, ông Nguyễn Anh Khoa, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Agribank (AGR) nhận xét, VN-Index đã xuất hiện một số dấu hiệu tạo đáy. Bên cạnh đó, 1.200 điểm là vùng hỗ trợ tâm lý, có thể kích hoạt dòng tiền bắt đáy.

Chính vì vậy, ở lần điều chỉnh này, chỉ số nhiều khả năng sẽ không giảm sâu thêm, mà có những phiên tăng giảm đan xen để hình thành vùng đáy. Xét trong dài hạn, thị trường chứng khoán Việt Nam còn nhiều tiềm năng tăng trưởng, có thể tạo lập đỉnh mới.

Thực tế, thị trường tuần qua có lực phục hồi tốt từ vùng hỗ trợ 1.150 - 1.200 điểm. Đây là vùng đệm quan trọng và nhịp hồi này được một số công ty chứng khoán dự báo có thể kéo dài 1 - 2 tuần. Sau đó, tùy vào việc cập nhật bối cảnh trong nước và quốc tế mà thị trường sẽ có hướng vận động tiếp theo.

Trong khi đó, theo ông Bùi Văn Huy, Giám đốc Môi giới, Công ty Chứng khoán TP.HCM, thị trường chưa có cơ sở chắc chắn về việc đã tạo đáy, kết thúc sóng giảm và từ đó đi lên. Ông Huy cho biết, thông thường, để thị trường sớm tạo đáy và đi lên ngay (đáy hình chữ V) cần có sự thay đổi lớn về mặt vĩ mô, chẳng hạn chính sách nới lỏng tiền tệ, tài khóa, chính sách hỗ trợ thị trường…

Hiện tại, thị trường chứng khoán đang ở vùng trũng thông tin, bối cảnh thế giới và trong nước chưa có yếu tố hỗ trợ mạnh. Vì thế, chỉ số có nguy cơ tiếp tục giảm. Một trường hợp thị trường tạo đáy khác là chỉ số đi ngang kéo dài ở vùng thấp trong biên độ hẹp, với thanh khoản thấp, rồi mới bật tăng, tức chỉ số tạo đáy hình chữ U.

“Thị trường chưa có dấu hiệu rõ ràng về một trong hai cách tạo đáy dài hạn trên. Áp lực bán vẫn còn nên thị trường dự kiến tiếp tục biến động mạnh. Theo đó, nhịp hồi là cơ hội để nhà đầu tư cơ cấu lại danh mục và thực hiện lướt sóng với tỷ trọng nhỏ hàng T+, muốn tham gia quyết liệt hơn thì cần có sự xác nhận tạo đáy của thị trường”, ông Huy nói.

Định giá đã về mức hấp dẫn

Môi giới một công ty chứng khoán nhận xét, yếu tố liên thị trường đang ở thời điểm nhạy cảm, mỗi loại tài sản đều chuẩn bị cho một sự sự dịch chuyển quan trọng. Chứng khoán thế giới nhìn chung giảm mạnh và diễn biến các thị trường khác khiến nhiều nhà đầu tư có cảm giác bất an.

Chẳng hạn, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tiệm cận vùng đỉnh năm 2018, thị trường hàng hóa đã về sát vùng đỉnh năm 2008, chỉ số USD lập đỉnh mới, thị trường tiền số có những đợt lao dốc... Theo đó, thị trường chứng khoán vẫn đối mặt với rủi ro, ít nhất là trong ngắn hạn.

Tuy nhiên, không ít ý kiến cho rằng, thị trường chứng khoán vận động xoay quanh các yếu tố cơ bản về vĩ mô và hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp. Hiện tại, VN-Index đã có mức giảm hơn 20% so với đầu tháng 4/2022. Trong khi đó, mức tăng trưởng lợi nhuận các doanh nghiệp năm 2022 và 2023 được dự báo đạt trên 20%.

Do vậy, các nhà đầu tư ngắn hạn không chịu áp lực về vay ký quỹ (margin) không nên bán tháo cổ phiếu của doanh nghiệp có nền tảng cơ bản tốt, vì đây là những mã có rủi ro thấp nhất trong giai đoạn này.

Nhà đầu tư trung và dài hạn có thể giải ngân, nhưng nên giải ngân từng phần, không gấp gáp và dự phòng nguồn tài chính cho kịch bản xấu hơn.

Xét chỉ số định giá P/E, thị trường chứng khoán Việt Nam đang có mức định giá thấp trong vòng nhiều năm cũng như so với mặt bằng chung các thị trường trong khu vực.

Về dài hạn, thị trường có triển vọng sáng, nên các cổ phiếu đầu ngành, các mã trong VN30, có kết quả kinh doanh tăng trưởng, tình hình tài chính lành mạnh... là nhóm cổ phiếu được nhiều công ty chứng khoán khuyến nghị nhà đầu tư nên giữ lại danh mục.

Tất nhiên, mức định giá phải hấp dẫn với biên độ rộng, giá mua ở vùng thấp để việc nắm giữ cả trong ngắn hạn và trung - dài hạn không quá rủi ro. Những ngành nghề đáng quan tâm là bảo hiểm, cảng biển, hóa chất, dầu khí, tiện ích, điện nước...

Ông Nguyễn Mạnh Tuấn, một nhà đầu tư có nhiều năm bám sàn chia sẻ, trong những tháng đầu năm 2022, dòng tiền giao dịch có tỷ lệ margin cao nên khi thị trường đảo chiều, áp lực bán ra rất lớn.

Không ít cổ phiếu tốt, chất lượng cũng chịu áp lực trong những phiên thị trường sụt giảm, do nhà đầu tư phải bán để đảm bảo tỷ lệ margin theo quy định.

Ở thời điểm hiện tại, P/E thị trường đã giảm về mức hấp dẫn, dù khó có thể khẳng định chỉ số đã tạo đáy hay chưa, nhưng giá nhiều cổ phiếu đã rơi về mức rẻ.

“Ở thời điểm hiện tại, thay vì quan tâm đến tổng quan chung của thị trường, nhà đầu tư nên nhìn vào từng cơ hội cụ thể đối với từng nhóm cổ phiếu. Bất động sản cũng thuộc nhóm đáng quan tâm đầu tư, dù đang chịu áp lực từ động thái siết tín dụng. Triển vọng ngành này cần nhìn xa cả thập kỷ, chứ không chỉ trong một vài năm. Nhà đầu tư nên quan tâm đến doanh nghiệp đang sở hữu quỹ đất lớn ở các vùng ven, lân cận các thành phố lớn”, ông Tuấn nói.

Ông Trần Đức Anh, Giám đốc Chiến lược và vĩ mô, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam

Trong ngắn hạn, thị trường chịu tác động bởi nhiều yếu tố bất định cả trong nước và nước ngoài (tình hình dịch Covid-19 ở Trung Quốc, xung đột Nga - Ukraine, Fed tăng lãi suất...). Vì vậy, việc xác định đáy ngắn hạn của thị trường là không khả thi. Tuy nhiên, hiếm khi nào diễn biến kinh tế trong nước và thị trường chứng khoán lại có sự đối nghịch như hiện nay, khi kinh tế được dự báo phục hồi mạnh, nhưng thị trường chứng khoán lao dốc.

Với triển vọng vĩ mô trong nước tích cực, lạm phát và tỷ giá ổn định, hoạt động sản xuất - kinh doanh các doanh nghiệp niêm yết được dự báo tăng trưởng mạnh trong một vài năm tới, tôi cho rằng, vùng giá hiện tại rất hẫp dẫn để đầu tư trung và dài hạn.

Tôi có cùng quan điểm với các đánh giá rằng, những thông tin tác động tiêu cực đến thị trường chung ở thời điểm hiện tại hầu như không có tác động trực tiếp rõ ràng, có thể nhìn thấy được ở nhóm cổ phiếu tăng trưởng, vốn hoá lớn. Theo đó, trong khi định giá cổ phiếu không thay đổi bởi các thông tin bên lề, việc nhóm cổ phiếu này giảm giá mạnh sẽ có cơ hội bật tăng cao.

Chúng tôi đặc biệt chú ý tới nhóm cổ phiếu bán lẻ, công nghệ thông tin, khi kết quả kinh doanh quý I/2022 ghi nhận sự tăng trưởng mạnh và kỳ vọng tốc độ tăng trưởng cao sẽ được duy trì trong nhiều năm tới là bệ đỡ quan trọng hỗ trợ mặt bằng giá cổ phiếu.

Hoàng Anh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,284.09 -6.09 -0.47% 232,038 tỷ
HNX 242.58 -1.33 -0.55% 1,769 tỷ
UPCOM 91.57 0.09 0.09% 657 tỷ