Thị trường chứng khoán có nền tảng phát triển vững mạnh hơn

(ĐTCK) Năm 2015 là năm ghi dấu mốc quan trọng của quá trình phát triển TTCK Việt Nam khi thị trường tròn 15 năm hoạt động. Với 2 DN niêm yết (REE và SAM), 6 CTCK (BVSC, BSC, SSI, ACBS, MBS và Đệ Nhất) và vài trăm nhà đầu tư, thị trường lớn lên qua từng năm và ở tuổi 15 đã thu hút hàng triệu nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia, với quy mô vốn hóa đạt trên 50 tỷ USD, tương đương 32% GDP Việt Nam 2014.
Chủ tịch UBCK Vũ Bằng phát biểu tại Diễn đàn Đầu tư Việt Nam do Báo Đầu tư cùng đối tác tổ chức tháng 6/2014, thời điểm TTCK bị ảnh hưởng tâm lý rất lớn bởi “sự kiện biển Đông” Chủ tịch UBCK Vũ Bằng phát biểu tại Diễn đàn Đầu tư Việt Nam do Báo Đầu tư cùng đối tác tổ chức tháng 6/2014, thời điểm TTCK bị ảnh hưởng tâm lý rất lớn bởi “sự kiện biển Đông”

Có được kết quả như vậy trước hết từ sự chỉ đạo và quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong việc xây dựng TTCK phục vụ cho sự nghiệp phát triển nền kinh tế đất nước, cùng sự nỗ lực chung của toàn ngành chứng khoán, một ngành kinh doanh còn non trẻ nhưng rất nhạy cảm và đòi hỏi liên tục đổi mới. 15 năm qua, TTCK đã trải qua mọi cung bậc thăng trầm cùng nền kinh tế, có những giai đoạn thị trường suy giảm mạnh do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, hay những biến cố kinh tế, chính trị khó lường từ bên kia bên giới. Tuy vậy, TTCK đã luôn vận hành an toàn, hiệu quả, với sự nỗ lực của toàn ngành và các cơ quan liên quan.

Điều chúng tôi thực sự hạnh phúc là trong nhiều đánh giá của Chính phủ cũng như của các đại biểu Quốc hội gần đây đã ghi nhận vai trò của TTCK như một kênh dẫn vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế. Cùng với đó, thị trường đã trở thành kênh đầu tư hấp dẫn, thu hút dòng tiền nhàn rỗi từ công chúng đến với các DN, đến hoạt động sản xuất - kinh doanh. Năm 2014, lượng vốn huy động qua TTCK từ cổ phiếu và quá trình cổ phần hóa khoảng 40.000 tỷ đồng; lượng vốn huy động từ trái phiếu Chính phủ đạt 241.000 tỷ đồng. Tính chung 15 năm hoạt động của TTCK Việt Nam (tính đến cuối năm 2014), lượng vốn huy động trên TTCK bằng các công cụ cổ phiếu, trái phiếu đạt khoảng 1,5 triệu tỷ đồng.

Sự phát triển của TTCK đã góp phần không nhỏ tạo dựng văn hóa kinh doanh minh bạch, tạo hành lang pháp lý buộc các DN đại chúng phải công khai thông tin, từ đây, tạo động lực cho khối các DN khác hướng tới sự minh bạch. Cùng với đó, TTCK đã giúp rất nhiều DN huy động được dòng vốn lớn, vươn lên trở thành các DN tầm cỡ của Việt Nam. Sự sôi động của TTCK cũng đã kích thích nhà đầu tư quan tâm đến các đợt chào bán cổ phần của DNNN, hỗ trợ hiệu quả quá trình tái cấu trúc DNNN, tái cấu trúc nền kinh tế để tăng sức cạnh tranh trên trường quốc tế.

Năm 2014, dù chịu ảnh hưởng không nhỏ từ những căng thẳng trên biển Đông và biến cố giá dầu rơi ngoài dự báo (xuống mức dưới 40 USD/thùng), nhưng với sự khởi sắc của nền kinh tế, chỉ số chứng khoán 2 sàn vẫn tăng trưởng khá. VN-Index tại sàn TP. HCM tăng 8,1%, HNX-Index tại sàn Hà Nội tăng 22,3%, là những điểm sáng trong bức tranh chung của ngành. Sang năm 2015, nền kinh tế thế giới được dự báo tăng trưởng khoảng 3,8%, trong nước, Quốc hội đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,2%, cao hơn mức 5,98% của năm 2014. Cùng với đó là quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ trong việc hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế 5 năm, 2011 - 2015 và tiếp tục cải cách nền kinh tế, đặc biệt là việc tái cấu trúc DNNN, tôi tin rằng, TTCK sẽ có nền tảng để phát triển vững mạnh hơn.

Thị trường chứng khoán có nền tảng phát triển vững mạnh hơn ảnh 1

Lễ ký thỏa thuận hợp tác giữa HNX và SCIC nhằm mục tiêu thúc đẩy quản trị công ty của các DN có vốn Nhà nước 

Một trong những công việc mới của năm 2015 là ngành chứng khoán sẽ tập trung xây dựng nền tảng cho TTCK phái sinh, phát triển thêm sản phẩm mới để tăng sức hấp dẫn các dòng vốn. Cùng với đó, trong mục tiêu thu hút các dòng vốn lớn, chúng tôi sẽ nỗ lực tối đa để mở rộng các quan hệ đối ngoại, tiến tới mục tiêu nâng hạng thị trường.

Việc nâng hạng TTCK là một mục tiêu lớn, không chỉ phụ thuộc vào nỗ lực của ngành chứng khoán, mà còn nhiều điều kiện mà nền kinh tế phải đáp ứng như mức độ mở cửa đầu tư với nhà đầu tư nước ngoài, mức độ dễ dàng để dòng vốn ngoại vào ra, tính ổn định của thể chế kinh tế... Đó là một quá trình không thể nóng vội, nhưng tôi tin rằng, khi chúng ta có mục tiêu, có sự nỗ lực, TTCK Việt Nam sẽ sớm được đánh giá đúng và có vị trí cao hơn trên trường quốc tế.

TS. Vũ Bằng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục