Thị trường chứng khoán: Chiến lược nào cho tháng 10

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường chứng khoán tháng 10 được nhận định sẽ có diễn biến tích cực hơn, bởi không ít nhóm ngành dự kiến tiếp tục có kết quả kinh doanh khả quan.
Hiệu quả đầu tư lướt sóng ngắn hạn thời gian qua rất thấp, nhưng vẫn hấp dẫn nhà đầu tư. Hiệu quả đầu tư lướt sóng ngắn hạn thời gian qua rất thấp, nhưng vẫn hấp dẫn nhà đầu tư.

Chờ đợi cơ hội

Xu hướng giằng co đi ngang (về mặt chỉ số VN-Index) của thị trường chứng khoán được hình thành cách đây 1 tháng, với biên độ giữa vùng hỗ trợ 1.330 điểm và kháng cự 1.360 điểm. Biên độ dao động đó bị phá vỡ trong tuần qua, khi chỉ số đóng cửa phiên cuối tuần đạt 1.372,73 điểm.

Bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán VNDIRECT nhận định, thị trường sẽ dần có chuyển động tích cực hơn. Quý IV hàng năm là thời điểm các nhà đầu tư tổ chức, nhà đầu tư lớn bắt đầu xây dựng danh mục đầu tư cho năm mới. Vì vậy, bất kỳ sự điều chỉnh nào của thị trường cũng sẽ tạo ra cơ hội để nhà đầu tư lựa chọn cổ phiếu.

Tâm lý nhà đầu tư tích cực hơn khi thị trường chứng khoán tuần qua bật tăng, bứt phá khỏi trạng thái đi ngang 1 tháng trước đó.

Nhiều ý kiến cho rằng, các thông tin kinh tế vĩ mô quý III kém khả quan và khả năng kết quả kinh doanh suy giảm của doanh nghiệp đã được thị trường nhìn nhận và dự báo từ trước, nên không có tác động nhiều tới thị trường.

Trong khi đó, định giá của thị trường chứng khoán (P/E forward 2021) vẫn hấp dẫn, cụ thể là P/E của VN-Index đang ở mức 16,3 lần, tương đương mức P/E bình quân 3 năm gần nhất và thấp hơn 15% so với mức đỉnh tháng 6/2021, thấp hơn 25% so với mức đỉnh năm 2018.

Ngoài ra, thị trường chứng khoán thường phản ánh triển vọng vĩ mô, kết quả kinh doanh trước 1 - 2 quý, do đó, nhà đầu tư nên hướng đến tầm nhìn trung hạn, thay vì quá chú tâm đến những sự kiện ở thời điểm hiện tại.

Số lượng các ca nhiễm Covid-19 mới giảm rõ rệt, các thành phố lớn đang nới lỏng các biện pháp giãn cách, tâm lý nhà đầu tư được cải thiện, nên nguy cơ điều chỉnh mạnh của thị trường trong tháng 10 ít có khả năng xảy ra.

Mặc dù vậy, thị trường đang trong trạng thái chờ đợi thông tin về kết quả kinh doanh quý III, cũng như sự đồng bộ trong các chính sách mở cửa nền kinh tế trong bối cảnh “thích ứng, an toàn, kiểm soát dịch bệnh”. Do đó, nhà đầu tư vẫn cần thận trọng, có thể tạm thời đứng ngoài quan sát, chờ cơ hội giải ngân rõ rệt hơn.

Ông Võ Văn Cường, Giám đốc Đầu tư, Công ty Chứng khoán Everest (EVS) cho biết, dòng tiền có sự phân hoá mạnh trong tháng 9 khi chảy nhiều hơn vào nhóm cổ phiếu vốn hoá nhỏ và vừa, chiếm tỷ trọng 55%, trong khi nhóm vốn hoá lớn từ chỗ chiếm tỷ trọng 55% giảm còn 45%. Tuy nhiên, dòng tiền có thể sẽ sớm quay trở lại nhóm vốn hóa lớn.

EVS ước tính, lợi nhuận quý III/2021 của nhóm cổ phiếu vốn hoá lớn nhất thuộc Top 50 (chiếm 89% vốn hóa toàn thị trường) chỉ giảm khoảng 3,3% so với cùng kỳ năm ngoái, dù nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Đầu tư công được thúc đẩy và có thêm gói hỗ trợ kinh tế sẽ là 2 yếu tố trợ lực cho thị trường chứng khoán trong quý cuối năm 2021. Tính đến hết tháng 9/2021, giá trị giải ngân chưa đạt 50% kế hoạch. Chính phủ yêu cầu đẩy nhanh việc giải ngân đầu tư công trong 3 tháng cuối năm, đạt ít nhất 95% kế hoạch năm 2021 là 461.000 tỷ đồng, nhằm hỗ trợ kinh tế phục hồi.

Tích lũy cổ phiếu

Thị trường được nhìn nhận đã phản ánh hầu hết các thông tin tiêu cực trong tháng 9 và cần thời gian đầu tháng 10 để nhà đầu tư đánh giá lại triển vọng phục hồi kinh tế trong quý IV, cũng như cân nhắc phân bổ, tích luỹ cổ phiếu nhằm đón đầu cơ hội.

Ông Võ Văn Cường nhận định, những cổ phiếu đơn lẻ thuộc các nhóm ngành sau có khả năng tiếp tục thu hút dòng tiền và nhà đầu tư có thể cân nhắc tích luỹ thêm hoặc mua mới trong quý cuối năm, đặc biệt trong tháng 10.

Một là nhóm ngành nguyên vật liệu, bao gồm HPG, PTB, HT1…, bởi các doanh nghiệp này dự kiến duy trì được mức tăng lợi nhuận sau thuế vượt trội trong quý III, trong khi có yếu tố hỗ trợ là đầu tư công và xuất khẩu được đẩy mạnh.

Hai là nhóm ngành bất động sản khu công nghiệp như VHM, BCM…, với lượng tiền mặt dồi dào, quỹ đất mở rộng, kết quả kinh doanh khả quan, được hưởng lợi từ dòng vốn FDI gia tăng. Ba là nhóm ngành hàng tiêu dùng, kết quả kinh doanh quý III của PNJ hay VHC có thể bị ảnh hưởng tiêu cực bởi giãn cách xã hội, nhưng dự kiến sẽ phục hồi mạnh trong quý IV, nhất là giai đoạn giáp Tết nhờ tính mùa vụ (mùa sắm Tết, Noel).

Trong khi đó, nhà đầu tư Nguyễn Hoàng Linh cho rằng, trong ngắn hạn, nhóm cổ phiếu năng lượng bao gồm dầu khí và điện sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm của dòng tiền trong bối cảnh giá dầu đang thiết lập đỉnh cao mới, cũng như nhu cầu tiêu thụ điện sẽ bật tăng khi hoạt động sản xuất tái khởi động. Nhìn xa hơn, năm 2022, các nhóm ngành như vận tải, công nghệ, du lịch, hàng tiêu dùng, nhà hàng, khách sạn, năng lượng... sẽ phục hồi mạnh.

“Hiệu quả lướt sóng ngắn hạn thời gian qua rất thấp. Dòng tiền ngắn có dấu hiệu suy yếu, tiềm ẩn nhiều rủi ro nếu nhà đầu tư đặt nặng các mục tiêu ngắn hạn. Do đó, tôi tập trung vào danh mục đầu tư trung hạn, lựa chọn các cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt, đồng thời đặt ra mục tiêu về giá để mua tích lũy, đón đầu cơ hội”, ông Linh chia sẻ.

Ông Khiếu Trọng Huy, Phụ trách Chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC)

Xu hướng chung của thị trường chứng khoán tháng 10, theo đánh giá của BVSC, sẽ theo hướng đi ngang với sự luân phiên tăng điểm của các nhóm cổ phiếu. Với bối cảnh triển vọng lợi nhuận các doanh nghiệp quý III kém khả quan, động lực để thị trường bứt phá khỏi vùng giá hiện tại, thiết lập ngay xu thế tăng mới là rất khó.

Tuy nhiên, rủi ro giảm sâu của thị trường cũng không lớn.

Thứ nhất là các nhóm cổ phiếu thành phần của rổ VN30 đa phần đều đang có sự vận động tích cực so với thị trường chung. Các cổ phiếu ngân hàng vẫn chịu áp lực bán ngắn hạn do ảnh hưởng bởi thông tin nợ xấu và lợi nhuận quý III có khả năng suy giảm, nhưng chúng tôi cho rằng, áp lực này sẽ sớm kết thúc khi các cổ phiếu đều đang ở rất gần các vùng hỗ trợ mạnh trung hạn.

Thứ hai, mức định giá P/E của thị trường trở về mức hấp dẫn khi chỉ tương đương với mức P/E ở vùng điểm thấp giai đoạn tháng 2/2021. Do đó, thị trường nhiều khả năng sẽ dần dần đi lên, dù đan xen các phiên rung lắc, điều chỉnh để phản ứng với triển vọng kết quả kinh doanh quý III không tích cực.

Theo tôi, dòng tiền sẽ có cái nhìn xa hơn, phản ánh kỳ vọng tương lai dựa trên những thông tin, chính sách mới xuất hiện. Do vậy, những thông tin như giá nguyên vật liệu đầu vào tăng, các gói kích thích kinh tế, đầu tư công được đẩy mạnh sẽ dẫn dòng tiền tới các nhóm cổ phiếu liên quan. Thông tin nào tạo được kỳ vọng cho nhà đầu tư, thông tin đó sẽ có giá trị dẫn dắt dòng tiền.

Xét về cơ hội, tôi nhận thấy các nhóm ngành như thép, cảng biển, hàng tiêu dùng thiết yếu, chứng khoán, hóa chất, phân bón… có kết quả kinh doanh vẫn tốt, nên có thể xem xét đầu tư. Năm 2022, khi nhiều chính sách kích thích kinh tế được ban hành như mở rộng đầu tư công, nới lỏng chính sách tiền tệ, thị trường có thể sẽ chứng kiến sự trở lại của nhóm cổ phiếu ngân hàng và bất động sản.

Hoàng Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,174.85 -18.16 -1.55% 237,024 tỷ
HNX 220.8 -5.4 -2.45% 2,598 tỷ
UPCOM 87.16 -0.99 -1.14% 740 tỷ