Thị trường cho rằng Fed sẽ giữ lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Các nhà đầu tư trái phiếu đã cân nhắc lại về lộ trình lãi suất của Mỹ trong thời gian tới và giảm đặt cược vào một loạt các đợt cắt giảm lãi suất sau khi chỉ số lạm phát cao và dữ liệu kinh tế mạnh mẽ được công bố.
Thị trường cho rằng Fed sẽ giữ lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn

Cách đây hơn hai tuần, các nhà giao dịch trên thị trường tương lai trái phiếu Kho bạc đã kỳ vọng vào khả năng lãi suất có thể giảm xuống 4,2% vào cuối năm nay, từ mức 5% - 5,25% hiện tại, tương ứng với khoảng 3 lần cắt giảm lãi suất. Nhưng hiện nay, con số dự kiến đó đã giảm xuống mức tối đa có thể là 2 lần giảm lãi suất và đưa lãi suất xuống 4,7%.

Sự thay đổi này của các nhà đầu tư đã phù hợp hơn với thông điệp nhất quán từ Cục Dự trữ Liên bang (Fed) rằng họ không có kế hoạch cắt giảm lãi suất trong khi lạm phát vẫn cao hơn nhiều so với mục tiêu. Nhưng Fed cũng nhấn mạnh tình trạng không chắc chắn cao về hướng đi tiếp theo của thị trường.

Dario Perkins, nhà phân tích tại TS Lombard cho biết: “Nếu bạn cảm thấy bối rối về triển vọng vĩ mô, điều quan trọng là phải nhận ra rằng bạn không phải là người duy nhất. Một cuộc suy thoái sẽ giải quyết được nhiều căng thẳng trong số này và mang lại một số điều rõ ràng cho triển vọng. Nhưng tôi sẽ không ngạc nhiên nếu sự nhầm lẫn tiếp tục kéo dài thêm một thời gian nữa, với môi trường vĩ mô toàn cầu tiếp tục gây thất vọng cho cả phe bò và phe gấu”.

Kỳ vọng lãi suất tháng 12/2023 của Fed dựa trên hợp đồng tương lai

Kỳ vọng lãi suất tháng 12/2023 của Fed dựa trên hợp đồng tương lai

Kể từ sự sụp đổ của Silicon Valley Bank và các ngân hàng khu vực khác của Mỹ trong năm nay, thị trường tài chính đã dự đoán một cuộc khủng hoảng tín dụng sẽ dẫn đến suy thoái kinh tế ở Mỹ và có thể khiến Fed phải cắt giảm lãi suất.

Trong khi đó, tốc độ tăng giá tiêu dùng của Mỹ đang chậm lại khi đạt tốc độ tăng hàng năm là 4,9% vào tháng 4. Một số nhà đầu tư đã xem điều này cộng với với sự thất bại của ngân hàng khu vực là dấu hiệu cho thấy Fed sẽ bắt đầu đảo ngược tốc độ tăng lãi suất mạnh mẽ trong lịch sử mà họ đã thực hiện trong 14 tháng qua.

Nhưng bản thân Fed chưa bao giờ đồng tình với quan điểm đó, và trong những tuần gần đây, ngày càng có nhiều nhà hoạch định chính sách nhắc nhở các nhà đầu tư rằng cuộc chiến với lạm phát còn lâu mới kết thúc. Thị trường việc làm của Mỹ cũng vẫn mạnh mẽ với tỷ lệ thất nghiệp dao động ở mức thấp nhất trong 54 năm. Các nhà kinh tế cho biết, sự gia tăng nhanh chóng các đơn trợ cấp thất nghiệp hàng tuần vào đầu tháng 5 cuối cùng hóa ra phần lớn là kết quả của gian lận. Thị trường trái phiếu bị cuốn vào những dòng chảy chéo này.

Chủ tịch Fed Jerome Powell cuối tuần qua cho biết, cuộc khủng hoảng tín dụng dự kiến xảy ra sau sự sụp đổ của các ngân hàng khu vực có thể hạn chế mức độ Fed cần tăng lãi suất.

Kristina Hooper, giám đốc chiến lược thị trường toàn cầu tại Invesco cho biết: “Chúng ta thấy Fed ngừng tăng lãi suất càng sớm thì chúng ta càng thấy ít thiệt hại kinh tế hơn, vì vậy chúng ta càng ít phải cắt giảm lãi suất hơn”.

Sự điều chỉnh này trong quan điểm về việc cắt giảm lãi suất có thể quan trọng đối với các nhà quản lý tài sản vì họ đã đổ tiền vào trái phiếu ngắn hạn với kỳ vọng rằng lãi suất sẽ giảm. Lợi suất trái phiếu Kho bạc ngắn hạn thay đổi theo kỳ vọng lạm phát, do đó việc tăng lợi suất có thể gây tốn kém.

Kavi Gupta, người đứng đầu bộ phận giao dịch lãi suất của Mỹ tại Bank of America cho biết: “Từ đây, tôi cho rằng mức độ không chắc chắn vẫn còn cao và các nhà đầu tư sẽ vẫn cực kỳ thận trọng trước những rủi ro phía trước và nhiều biến động”.

Các nhà phân tích tại BlackRock cho rằng các nhà đầu tư đang quay trở lại thói quen giả định rằng căng thẳng thị trường hoặc sự chao đảo kinh tế sẽ thúc đẩy Fed và các ngân hàng trung ương khác giảm lãi suất.

“Hầu hết các thị trường phát triển đang vật lộn với một vấn đề chung. Lạm phát cơ bản đang tỏ ra cứng đầu hơn dự kiến và vẫn cao hơn nhiều so với mục tiêu 2% của các ngân hàng trung ương”, các nhà phân tích tại BlackRock cho biết.

“Chúng tôi cho rằng điều đó có nghĩa là các ngân hàng trung ương không thể sớm hủy bỏ bất kỳ đợt tăng lãi suất nào để kiểm soát lạm phát, ngay cả khi thị trường tài chính cho rằng Fed sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất trước cuối năm nay. Chúng tôi nhìn thấy suy thoái kinh tế phía trước. Nhưng không giống như trước đây khi các ngân hàng trung ương sẽ cắt giảm lãi suất để kích thích nền kinh tế đang gặp khó khăn, chúng tôi cho rằng vấn đề lạm phát chưa được giải quyết khiến điều đó khó xảy ra lần này”, các nhà phân tích tại BlackRock cho biết.

Hạc Hiên
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục