Một quan chức Fed ủng hộ không tiếp tục tăng lãi suất

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ông Neel Kashkari, Chủ tịch Fed khu vực Minneapolis cho biết, có thể sẽ ủng hộ theo phương án giữ nguyên lãi suất tại cuộc họp chính sách sắp tới vào tháng 6. 
Một quan chức Fed ủng hộ không tiếp tục tăng lãi suất

Ông Neel Kashkari cho biết: "Tôi sẵn sàng cân nhắc ý tưởng là từ giờ Fed có thể hành động chậm rãi hơn đôi chút".

Từ tháng 3/2022, Fed nhanh chóng tăng lãi suất 10 lần với tổng mức tăng thêm 5%, lên mức 5 - 5,25% để kìm hãm tình hình lạm phát. Đây là mức cao nhất trong 16 năm qua.

Giới chức Fed đã phát tín hiệu rằng quyết định lãi suất trong cuộc họp diễn ra vào ngày 13-14/6 có thể sẽ rất sát sao. Một số quan chức cho rằng, lạm phát và hoạt động kinh tế chưa giảm tốc đủ để ngân hàng trung ương giữ nguyên mức lãi suất.

Đến nay khả năng nâng lãi suất tại cuộc họp vào tháng 6/2023 vẫn chưa quá rõ ràng. Một số thành viên của Fed nhận định, lạm phát và hoạt động kinh tế chưa hạ nhiệt đủ để tạm ngưng tăng lãi suất. Song một số thành viên khác nói rằng, họ có thể giữ nguyên lãi suất để đánh giá tác động từ các đợt tăng lãi suất và sự bất ổn của ngành ngân hàng. Chủ tịch Fed Jerome Powell cũng cho biết, có thể sẽ ủng hộ giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp tới.

Ông Kashkari cho biết: "Tôi sẽ phản đối bất kỳ tuyên bố nào nói rằng chúng tôi đã xong nhiệm vụ. Nếu Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) quyết định bỏ qua việc tăng lãi suất trong cuộc họp tới thì đó là vì các thành viên muốn có thêm thông tin. Tôi có thể giải thích vì sao đó lại là hành động hợp lý. Giữ nguyên lãi suất trong một cuộc họp khác hoàn toàn với tuyên bố rằng Chúng tôi nghĩ rằng mình đã xong nhiệm vụ".

Vị quan chức này đang xem xét tác động có độ trễ của các đợt tăng lãi suất và nguy cơ thắt chặt tín dụng sau cuộc khủng hoảng ngành ngân hàng do sự sụp đổ của 3 ngân hàng khu vực gần đây.

"Mặc dù lạm phát không giảm nhanh như dự báo của các quan chức, nhưng rõ ràng là chúng đang giảm, ít nhất là mọi thứ không trở nên tệ hơn. Nhưng bạn sẽ đề cập tới bất ổn trong lĩnh vực ngân hàng và tự hỏi liệu căng thẳng đã qua hay chưa? Liệu căng thẳng có gia tăng trong thời gian tới? Đó là lý do để chúng tôi hành động chậm lại đôi chút trong thời gian tới", ông Kashkari cho biết.

Trước đại dịch Covid, Kashkari là một trong những thành viên có quan điểm thường xuyên ủng hộ đường lối nới lỏng chính sách.

Nhưng từ năm ngoái, ông lại trở thành một trong những thành viên mang quan điểm diều hâu nhất, liên tục ủng hộ việc thắt chặt chính sách tiền tệ. Ông là một trong những thành viên có quyền bỏ phiếu về chính sách tiền tệ trong năm 2023.

Kashkari cho biết, ông cũng đồng cảm với các ý kiến ủng hộ tăng lãi suất vì lạm phát đã duy trì ở mức cao hơn, trong thời gian dài hơn những gì các quan chức dự kiến. Việc không kéo lạm phát về 2% sẽ mang lại hậu quả lớn hơn so với việc cố gắng kéo giảm lạm phát về mức mục tiêu 2%. "Do đó, tôi thà thắt chặt chính sách tiền tệ nhiều hơn mức cần thiết đôi chút còn hơn là hối hận vì đã không đủ cứng rắn".

Vị quan chức này nói rằng ông không thấy dấu hiệu thắt chặt tín dụng ở Minneapolis. Tuy nhiên, với kinh nghiệm làm quan chức cấp cao của Bộ Tài chính trong giai đoạn khủng hoảng tài chính năm 2008, ông nhận định căng thẳng ngân hàng chưa hoàn toàn qua đi và mọi thứ có thể trở nên căng thẳng hơn và gây tác động đáng kể tới hoạt động kinh tế.

Danh mục chứng khoán có thu nhập cố định của các ngân hàng đang bị mất giá trong bối cảnh lãi suất tăng mạnh. Ngoài ra, việc đường cong lợi suất bị đảo ngược trong đó lợi suất ngắn hạn cao hơn lợi suất dài hạn cũng làm giảm khả năng sinh lời của các ngân hàng ở các hoạt động cho vay.

Ông cho rằng căng thẳng trong ngành ngân hàng sẽ phụ thuộc một phần vào triển vọng của lạm phát. Nếu lạm phát hạ nhiệt nhanh chóng, Fed có thể sẽ sớm hạ lãi suất vào đầu năm tới góp phần làm giảm áp lực cho các ngân hàng.

Di Di
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục