Thị trường cần thêm động lực

(ĐTCK) VN-Index đóng cửa tuần qua không có nhiều điểm đáng chú ý, tính trong giai đoạn gần đây chỉ số đã có 6 lần chinh phục vùng 1.300 điểm và gặp áp lực bán rất mạnh, liên tục chinh phục và thất bại.

Cơ hội vượt lên vùng cản 1.300 điểm suy yếu khá nhiều, hiện tại chỉ số vẫn vận động trong biên độ 1.200-1.300 điểm.

Diến biến tích cực hơn ở chỗ tuần qua thị trường đã ngừng giảm kèm theo nước ngoài quay trở lại mua ròng, nhưng diễn biến tiêu cực lại nằm ở chỗ dòng tiền trong nước thờ ơ. Thanh khoản trong tuần ghi nhận những phiên có giá trị khớp lệnh thấp nhất trong vài tháng trở lại đây, chỉ xoay quanh mức 10.000 tỷ đồng trên HOSE. Dữ liệu từ các công ty thống kê thị trường cũng cho thấy, tiền gửi của nhà đầu tư trên các tài khoản chứng khoán tiếp tục có xu hướng suy giảm.

Mặc thị trường bất động sản giao dịch sôi động ở phân khúc đất nền và căn hộ, nhóm cổ phiếu bất động sản, vốn được kỳ vọng chuyển động tích cực để dẫn sóng mới, vẫn im lìm. Nhiều cổ phiếu ghi nhận mức giảm sâu đến rất sâu 30-40% từ đỉnh, cá biệt có cổ phiếu giảm 50% từ đỉnh.

Trong khi thị trường thứ cấp giao dịch ảm đạm như vậy, việc các deal cho vay vẫn nhộn nhịp tại các công ty chứng khoán lại đặt ra những vấn đề đáng suy ngẫm. Một thị trường vay nợ còn những vùng xám có khả năng khó kiểm soát nếu không được nhìn nhận đúng mức và có những công cụ đo đếm để ra được bức tranh toàn cảnh, có thể tiềm ẩn rủi ro khó lường.

Đây cũng là chủ đề được chuyên mục Tiêu điểm của Đầu tư Chứng khoán tuần này tập trung phản ánh với mong muốn hướng tới sự phát triển bền vững của thị trường chứng khoán.

Dưới con mắt của các nhà đầu tư nước ngoài, khi họ có điều kiện nhìn bức tranh rộng hơn ở thị trường vốn khu vực và toàn cầu, cũng có những ý kiến đáng suy ngẫm. Chẳng hạn, Chủ tịch Dragon Capital, ông Dominic Scriven nhận thấy cấu trúc của thị trường vốn của Việt Nam vẫn khá cũ. Lĩnh vực lớn nhất là ngân hàng, thứ hai là bất động sản, tiếp là tiêu dùng, năng lượng…, trong khi nhóm công nghệ và thương mại điện tử ít được chú ý.

Thị trường kém sôi động, nhiều quy định chặt chẽ khiến các doanh nghiệp Việt Nam khó tận dụng được thị trường vốn hiệu quả. Bởi thế, có công ty đói vốn nhưng không tìm kiếm trên thị trường vốn, có công ty muốn tìm đối tác chiến lược nhưng không thể niêm yết vì vướng mắc ở một số vấn đề kỹ thuật.

Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, ông Park Won Sang, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam - người có kết nối với cả các nhà đầu tư ngoại và thị trường nội địa - cũng cho rằng, doanh nghiệp có 2 kênh chính để đáp ứng nhu cầu vốn: một là qua ngân hàng, hai là qua kênh chứng khoán, phát hành cổ phiếu hoặc trái phiếu. Theo quan sát của vị này, chính sách của Việt Nam đang hỗ trợ nhiều hơn kênh huy động vốn qua ngân hàng, chứ không phải huy động vốn qua kênh chứng khoán, nên việc tăng trưởng huy động vốn qua kênh chứng khoán không thể theo kịp với tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế.

Để khơi thông thị trường, nút thắt lớn nhất hiện nay vẫn là chính sách, bởi hiện vẫn chưa có nhiều chính sách tạo động lực lớn cho các nhà đầu tư gián tiếp. Ông Dominic lấy ví dụ, các định chế lớn như các công ty bảo hiểm nhân thọ có nguồn vốn rất lớn, nhưng không thực sự được phép đầu tư đa dạng ngoài trái phiếu chính phủ. Hay cơ quan Bảo hiểm Xã hội cũng không có nhiều công cụ đầu tư ngoài trái phiếu chính phủ (có giai đoạn lãi suất 5 năm là 1,8%/năm, trong khi các công ty trả lãi suất vay 8-10%/năm).

Những chính sách mới như giao dịch trong ngày (day-trading), tạo thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài nộp, rút tiền đầu tư chứng khoán hay cách đánh thuế thu nhập chứng khoán với các nhà đầu tư cá nhân trên thị trường chứng khoán… vẫn dừng lại ở việc bàn thảo hoặc nêu vấn đề, chứ chưa chốt được một lộ trình thực thi như kỳ vọng của cả nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Người quan sát

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục