Thị trường cần nguồn “năng lượng” mới

(ĐTCK-online)Không khí ảm đạm trong suốt phần lớn thời gian giao dịch ngày 20/8 được đẩy lùi khi kết thúc phiên giao dịch, Chỉ số VN-Index đã tăng 2,09 điểm, lên 890,02 điểm. Tổng giá trị giao dịch cũng được cải thiện đáng kể trong phiên giao dịch đầu tuần và điều này lại làm dấy lên hy vọng trong các nhà đầu tư.
Thị trường cần nguồn “năng lượng” mới

Suốt từ đầu tháng 8 đến nay, kể từ khi thị trường tiếp cận ngưỡng 900 điểm, tâm lý các nhà đầu tư liên tục thay đổi, từ hoang mang chuyển sang hy vọng, hy vọng không được bao lâu lại trở nên bi quan... Tuy nhiên, sau nhiều phen luyện thần kinh qua những đợt thăng trầm của thị trường vừa qua, giới đầu tư chứng khoán có vẻ cũng đã bình tĩnh hơn và họ đang sẵn sàng chờ đợi. Trong thời gian qua, phần lớn các nhà đầu tư chuyển sang giai đoạn quan sát hơn là hành động và điều này làm cho sự sôi động của thị trường giảm sút đáng kể, cho dù lượng nhà đầu tư đến theo dõi giao dịch tại các sàn chứng khoán vẫn rất đông.

Qua diễn biến trên thị trường chứng khoán trong mấy tháng qua, các nhà đầu tư đều hiểu rằng, chứng khoán giờ đây không còn là một giấc mộng ngọt ngào nữa, mà thực sự là một cuộc chơi cân não. Sự lựa chọn các cổ phiếu tốt đang ngày càng trở nên khó khăn hơn. Mặc dù trong bối cảnh thị trường đi xuống, một số nhà đầu tư vẫn tìm kiếm được những cơ hội để tạo ra được lợi nhuận, nhưng các cơ hội này thực sự quá ít ỏi và việc “nhắm” được địa chỉ tốt cũng không hề đơn giản. Trong khi đó, “cơn lốc” giảm giá kể từ đầu tháng 8 trở lại đây đang trở nên mạnh mẽ hơn nhiều so với đợt sụt giảm kéo dài trong vòng 2 tháng trước đó. Chính “cơn lốc” quá mạnh mẽ này đã khiến cả những cổ phiếu “cứng đầu” nhất cũng phải “đổ dốc” theo trào lưu của thị trường.

Nhìn trở lại diễn biến của Chỉ số VN-Index trong vòng khoảng 3 tháng nay, cho dù thị trường có những giai đoạn điều chỉnh đi lên, nhưng xu hướng cho đến phiên giao dịch gần đây nhất vẫn là đi xuống. Theo từng giai đoạn kéo dài trong khoảng 3 - 4 tuần, thị trường luôn tạo ra các “đáy” mới, mà đáy sau luôn thấp hơn đáy trước và điều này sẽ dẫn đến phán đoán trong giới phân tích rằng, chiều hướng của thị trường vẫn đang đà đi xuống. Mặc dù thị trường cũng có những lúc “bật lên”, nhưng phần lớn thời điểm bật lên đó đều xuất phát từ kết quả của vài phiên giao dịch thị trường bị “rơi tự do” trước đó. Trong khi đó, sự “bật lên” của thị trường hầu như không có nhiều sức mạnh tác động thêm, chẳng hạn như sự gia tăng mạnh của sức cầu, sự tác động của chính sách, đòn bẩy từ các thông tin tốt đẹp đem lại... Chính vì vậy, “sức bật” của thị trường thường rất yếu và “hết lực” chỉ sau một, hai phiên sau đó.

Với những diễn biến của thị trường trong bối cảnh hiện nay, cho dù phiên giao dịch đầu tuần diễn ra khá lạc quan, nhưng các nhà đầu tư vẫn không khỏi lo lắng khi tính đến một ngưỡng hỗ trợ mới là 850 điểm. Mặc dù vậy, sau nhiều phen “thử lửa” với thị trường, thì ngay cả trong trường hợp ngưỡng 850 bị phá vỡ, cũng chưa thể làm cho giới đầu tư tan tác, bởi phần lớn nhà đầu tư đều tin rằng, giá chứng khoán nếu rớt xuống tới mức 850 điểm thì sẽ là một mức giá rẻ bèo và điều này chắn sẽ tạo ra một sức cầu mới cho thị trường.

Tuy nhiên, để thị trường thực sự giành lại được sức sống, thì chắc chắn cần có một “sức bật” mới đến từ các nguồn năng lượng từ bên ngoài, đặc biệt là một tác động từ chính sách nhằm hỗ trợ thị trường.

Chí Tín
Chí Tín

Tin cùng chuyên mục