Thứ Năm (26/8), chứng khoán Mỹ đột ngột giảm mạnh sau một vụ nổ bom bên ngoài sân bay thủ đô Kabul của Afghanistan khiến tâm lý nhà đầu tư hoang mang. Lầu Năm Góc xác nhận 12 quân nhân Mỹ đã thiệt mạng và 15 người bị thương.
“Tiếng nổ bất ngờ này ở Kabul chắc chắn không phải là tin tức đáng hoan nghênh, nhưng tôi cho rằng thị trường có thể xem xét điều đó và họ thực sự muốn xem Fed phải nói gì vào ngày mai”, Thomas Hayes, chuyên gia trưởng tại Great Hill Capital New York cho biết.
Mọi ánh mắt trên thị trường đổ dồn hội nghị chuyên đề kinh tế Jackson Hole diễn ra vào thứ Sáu (27/8). Chủ tịch Fed Jerome Powell dự kiến có bài phát biểu vào ngày 27/8 trong khuôn khổ hội nghị.
Trong các cuộc phỏng vấn riêng vào thứ Năm, Chủ tịch Fed St. Louis James Bullard, Chủ tịch Fed Kansas Esther George và Chủ tịch Fed Dallas Robert Kaplan cùng đồng tình hạ thấp tác động của biến thể delta gây Covid-19 và thúc giục ngân hàng trung ương bắt đầu cắt giảm chính sách mua trái phiếu hàng tháng mà họ cảm thấy đã trở nên kém hiệu quả.
Sau những tuyên bố trên của các quan chức Fed, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm đã tăng lên mức 1,375% trong phiên đêm sáng, mức cao nhất kể từ đầu tháng, trước khi giảm xuống 1,344% vào phiên chiều.
Mặt khác, dữ liệu kinh tế trái chiều khiến tâm lý bất ổn trên thị trường càng thêm sâu sắc. Như thường lệ, Bộ Lao động Mỹ hôm thứ Năm cho biết, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần kết thúc vào ngày 21/8 tại nước này là 353.000 đơn, tăng nhẹ so với mức 349.000 đơn tuần trước đó và cao hơn so với dự báo từ các chuyên gia kinh tế.
Trong khi đó, Bộ Thương mại Mỹ công bố dữ liệu hôm thứ Năm cho biết, tăng trưởng kinh tế nước này đạt 6,6% trong quý II, điều chỉnh tăng nhẹ từ 6,5% trong báo cáo trước đó, nhưng thấp hơn một chút so với dự báo 6,7% từ Dow Jones.
Bộ ba chỉ số chỉ số chính trên phố Wall đồng loạt giảm điểm. Trong phiên giao dịch ngoài giờ, S&P Futures, Dow Futures và Nasdaq Futures cũng đột ngột lao dốc.
Kết thúc phiên 26/8, chỉ số Dow Jones giảm 192,38 điểm (-0,5%), xuống 35.213,12 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 26,19 điểm (-0,58%), xuống 4.470,00 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 96,05 điểm (-0,64%), xuống 14.945,81 điểm.
Chứng châu Âu kết đỏ lửa trong phiên giao dịch ngày thứ Năm trong bối cảnh các ca nhiễm Covid-19 gia tăng còn các nhà đầu tư băn khoăn về chính sách tiền tệ của Mỹ trước hội nghị Jackson Hole.
Một cuộc khảo sát cho thấy tâm trạng của người tiêu dùng Đức trở nên u ám hơn trước khi bước vào tháng 9 do lạm phát tăng nhanh và các ca nhiễm Covid-19 gia tăng khiến họ do dự hơn trong việc mua hàng.
Kết thúc phiên 26/8, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 25,14 điểm (-0,35%), xuống 7.124,98 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 67,04 điểm (-0,42%), xuống 15.793,62 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 10,45 điểm (-0,16%), xuống 6.666,03 điểm.
Chứng khoán châu Á cũng lặng sóng trong phiên giao dịch ngày hôm qua. Chứng khoán Nhật Bản nhích nhẹ nhờ sức bật ở nhóm cổ phiếu vận tải và động thái tích cực đêm trước đó của phố Wall, nhưng giới đầu tư vẫn tránh đặt cược lớn trước hội nghị chuyên đề thường niên Jackson Hole của Fed.
Chứng khoán Trung Quốc giảm khi cổ phiếu công nghệ bị chốt lời mạnh, trong khi sự suy thoái trên thị trường bất động sản cũng làm tăng thêm lo ngại về sức khỏe nền kinh tế.
Chứng khoán Hồng Kông cũng giảm khi chịu áp lực bán tháo ở nhóm cổ phiếu công nghệ bị chốt lời sau đợt phục hồi gần đây.
Chứng khoán Hàn Quốc giảm sau khi ngân hàng trung ương nước này chính thức công bố tăng lãi suất từ mức thấp kỷ lục hiện nay.
Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BOK) hôm nay thông báo tăng lãi suất lần đầu tiên sau gần ba năm, trở thành ngân hàng trung ương lớn đầu tiên ở châu Á chuyển hướng khỏi các biện pháp nới lỏng tiền tệ do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 gây ra.
Kết thúc phiên 26/8, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 17,49 điểm (+0,06%), lên 27.742,29 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 38,72 điểm (-1,09%), xuống 3.501,66 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 278,26 điểm (-1,08%), xuống 25.415,69 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul giảm 18,28 điểm (-0,58%), xuống 3.128,53 điểm.
Giá vàng bất ngờ tăng nhẹ trong phiên giao dịch đêm qua trong bối cảnh thị trường chứng khoán bất ổn, bất chấp đồng USD và lợi suất trái phiếu đều mạnh lên.
Kết thúc phiên 26/8, giá vàng giao ngay tăng 2,10 USD (+0,11%), lên 1.792,6 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 10 tăng 4,10 USD (+0,23%), lên 1.793,00 USD/ounce.
Giá dầu quay đầu giảm vào thứ Năm, mở ra một đợt lo ngại mới do các tình hình lây lan Covid-19 tiếp tục gia tăng và Mexico khôi phục một phần sản lượng sau vụ hỏa hoạn làm gián đoạn nguồn cung.
Kết thúc phiên 26/8, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ WTI giảm 0,94 USD (-1,4%), xuống 67,42 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 1,18USD (-1,6%), xuống 71,07 USD/thùng.