Động lực mạnh mẽ, giới đầu tư tiếp tục gom hàng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Phố Wall kéo dài đà tăng sang phiên giao dịch ngày thứ Ba (24/8) khi thị trường tiếp tục được hỗ trợ bởi việc vắc-xin Covid-19 của Pfizer được phê duyệt đầy đủ.
Động lực mạnh mẽ, giới đầu tư tiếp tục gom hàng

Việc Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) hôm 23/8 phê duyệt đầy đủ cho vắc xin Covid-19 do Pfizer và BioNTech cùng phát triển tiếp tục thúc đẩy tâm lý lạc quan về đà phục hồi kinh tế của giới đầu tư.

Việc cấp phép đầy đủ cho vắc-xin Pfizer được kỳ vọng sẽ thuyết phục được nhiều người Mỹ đi tiêm chủng hơn nữa. Nhiều người đã nói không với vắc xin với lý do FDA chưa cấp phép đầy đủ và lo ngại các phản ứng phụ vốn rất hiếm xảy ra.

Mặt khác, các dữ liệu kinh tế gần đây cho thấy đà phục hồi sau cuộc suy thoái kinh tế đột ngột nhất trong lịch sử nước Mỹ đang đi đúng hướng, song không mạnh mẽ đến mức có thể khiến Fed thắt chặt chính sách tiền tệ nới lỏng đang áp dụng.

Chủ tịch Fed Jerome Powell sẽ gặp các nhà lãnh đạo ngân hàng thế giới khác khi Hội nghị chuyên đề Jackson Hole được triệu tập vào cuối tuần này và những bình luận ông sẽ được phân tích kỹ lưỡng để tìm ra bất kỳ tín hiệu nào liên quan đến việc điều chỉnh chính sách.

Tuy nhiên, việc sự kiện sẽ diễn ra trực tuyến do sự lan rộng của đại dịch Covid-19 làm giảm kỳ vọng sẽ có một thông báo lớn được đưa ra.

Đáng chú ý, trong phiên đêm qua, nhóm cổ phiếu các công ty đến từ Trung Quốc dẫn đầu đà tăng của Nasdaq Composite khi nhà đầu tư rõ ràng hơn về triển vọng pháp lý của Trung Quốc và dòng tiền bắt đáy nhập cuộc. Cổ phiếu Pinduoduo bứt phá 22,2%, còn cổ phiếu JD.com tăng 14,4%, cổ phiếu Tencent Music Entertainment tăng 12,7% và cổ phiếu Baidu tăng 8,6%.

Cả ba chỉ số chứng khoán chính của Mỹ đều tăng điểm trong phiên đêm qua, với S&P 500 và Nasdaq Composite tiếp tục đóng cửa ở mức cao kỷ lục. Trong phiên giao dịch ngoài giờ, S&P Futures, Dow Futures, Nasdaq Futures trong xu hướng đi ngang.

Kết thúc phiên 24/8, chỉ số Dow Jones tăng 30,55 điểm (+0,09%), lên 35.366,26 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 6,7 điểm (+0,15%), lên 4.486,23 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 77,15 điểm (+0,52%), lên 15,019,80 điểm.

Chứng khoán châu Âu không mấy sôi động trong phiên ngày thứ Ba khi các nhà đầu tư hạn chế giao dịch lớn trước thềm hội nghị chuyên đề Jackson Hole, ngay cả khi dữ liệu cho thấy sự phục hồi kinh tế mạnh hơn dự kiến ​​ở Đức.

Trong khi đó, nhóm cổ phiếu các lĩnh vực liên quan đến hàng hóa tiếp tục vượt xa thị trường chung nhờ giá dầu và kim loại tăng bởi kỳ vọng về sự phục hồi từ nhà nhập khẩu lớn Trung Quốc.

Kết thúc phiên 24/8, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 16,76 điểm (+0,24%), lên 7.125,78 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 53,06 điểm (+0,33%), lên 15.905,85 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 18,79 điểm (-0,18,79%), xuống 6.664,31 điểm.

Chứng khoán châu Á tiếp tục được phủ xanh trong phiên giao dịch ngày hôm qua. Chứng khoán Nhật Bản tiếp tục hồi phục, nhận ảnh hưởng tích cực từ phiên đêm trước đó trên Phố Wall.

Chứng khoán Trung Quốc tăng điểm, dẫn đầu bởi cổ phiếu tài nguyên và rượu, cùng việc ngân hàng trung ương cam kết ổn định nguồn cung tín dụng, tăng cường hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ.

Chứng khoán Hồng Kông hồi phục từ mức thấp nhất gần 10 tháng vào tuần trước, nhờ đà tăng của nhóm cổ phiếu công nghệ và chăm sóc sức khỏe.

Chứng khoán Hàn Quốc có phiên tăng mạnh nhất trong hơn 3 tháng, được thúc đẩy bởi nhóm cổ phiếu công nghệ và sự tích cực trên phố Wall.

Kết thúc phiên 24/8, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 237,86 điểm (+0,87%), lên 27.732,10 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 37,34 điểm (+1,07%), lên 3.514,47 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 618,33 điểm (+2,46%), lên 25.727,92 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul tăng 48,09 điểm (+1,56%), lên 3.138,30 điểm.

Sau phiên tăng vọt, giá vàng quay đầu giảm trong phiên ngày thứ Ba trong bối cảnh dòng tiền dồn vào thị trường chứng khoán. Trong phiên giao dịch kéo dài từ đêm 23 đến rạng sáng 24/8, một số quỹ đầu tư vàng đã bán 11 tấn vàng, trong đó quỹ đầu tư lớn nhất thế giới SPDR Gold Shares bán gần 5 tấn.

Kết thúc phiên 24/8, giá vàng giao ngay giảm 2,50 USD (-0,14%), xuống 1.803,00 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 10 tăng 2,30 USD (+0,13%), lên 1.806,30 USD/ounce.

Giá dầu nối dài đà tăng mạnh mẽ trong phiên ngày thứ Ba sau khi Mexico buộc phải ngừng sản xuất do hỏa hoạn trên một giàn khoan dầu. Đồng thời, thị trường được hỗ trợ bởi việc vắc-xin Pfizer được cấp phép đầy đủ.

Dữ liệu từ Viện Dầu mỏ Mỹ hôm thứ Ba cho biết, tuần trước tồn kho dầu thô nước này giảm 1,6 triệu thùng, trong khi dự trữ xăng giảm 1 triệu thùng.

Bộ Năng lượng Mỹ hôm thứ Hai thông báo họ sẽ bán 20 triệu thùng dầu thô từ các kho dự trữ dầu mở chiến lược theo quy định, việc giao hàng sẽ diễn ra từ ngày 1/10 đến ngày 15/12.

Trong khi đó, sản lượng dầu thô của các nhà máy lọc dầu Ấn Độ trong tháng 7 tăng lên mức cao nhất trong 3 tháng do nhu cầu nhiên liệu phục hồi và giá cả tăng.

Kết thúc phiên 24/8, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ WTI tăng 1,90 USD (+2,9%), lên 67,54 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 72,30 USD (+3,4%), lên 71,05 USD/thùng.

Quỳnh Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục