Thị trường bất động sản Trung Quốc tồi tệ hơn dự kiến

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Những dấu hiệu mới xuất hiện hôm thứ Tư (5/7) cho thấy, Trung Quốc đang phải đối mặt với nhiều thách thức hơn trong cuộc khủng hoảng nợ của lĩnh vực bất động sản.
Thị trường bất động sản Trung Quốc tồi tệ hơn dự kiến

Nhà phát triển bất động sản Shimao Group Holdings Ltd. đã không tìm được người mua cho dự án 1,8 tỷ USD trong một cuộc đấu giá bắt buộc, ngay cả khi đã giảm giá mạnh.

Đây là những dấu hiệu mới nhất cho thấy cuộc khủng hoảng bất động sản kéo dài hai năm qua của Trung Quốc có thể sẽ vẫn là một trong những lực cản lớn nhất đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Sự phục hồi ngắn ngủi sau khi quốc gia dỡ bỏ các hạn chế của Covid đã nhanh chóng mờ nhạt, với việc doanh số bán nhà tiếp tục giảm và đầu tư bất động sản trở nên tồi tệ làm tổn thương các thị trường từ quặng sắt đến trái phiếu lãi suất cao.

Anitza Nip, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu thu nhập cố định tại châu Á của Union Bancaire Privee cho biết: “Các nhà đầu tư thất vọng với sự phục hồi chậm chạp của thị trường nhà ở. Con đường phục hồi dường như còn dài hơn những gì thị trường đã dự đoán ban đầu vào đầu năm nay”.

Nhà phát triển bất động sản China Vanke Co. cho biết, thị trường nhà ở đang “tồi tệ hơn dự kiến”. Goldman Sachs gần đây đã tăng tỷ lệ vỡ nợ dự kiến đối với trái phiếu bất động sản bằng đồng đô la có lãi suất cao của Trung Quốc.

Theo kết quả được đăng trên trang đấu giá trực tuyến JD.com, không có người mua nào đấu giá danh mục đầu tư đất đai của Shimao ở Thâm Quyến, mặc dù tài sản được chào bán với giá thấp hơn 20% so với giá trị thẩm định.

Công ty bất động sản thương mại của Shimao đã mua khu đất – có diện tích tương đương 34 sân bóng đá – vào năm 2017 với giá 24 tỷ nhân dân tệ (3,3 tỷ USD), một kỷ lục ở Thâm Quyến vào thời điểm đó.

Kế hoạch ban đầu của Shimao là xây dựng một khu phức hợp mang tính bước ngoặt với tòa nhà chọc trời cao 500m, nhưng dự án đã gặp rắc rối vào năm ngoái sau khi công ty bỏ lỡ một số khoản thanh toán cho các sản phẩm ủy thác lợi suất cao được sử dụng để tài trợ cho việc xây dựng.

Mặt khác, trái phiếu của Sino-Ocean tiếp tục sụt giảm vào thứ Tư (5/7), xuống chỉ bằng một nửa so với mức đầu tuần do mối lo ngại rằng ngay cả các nhà phát triển bất động sản của Trung Quốc được nhà nước hậu thuẫn cũng không tránh khỏi tình trạng siết chặt thanh khoản chưa từng có của ngành.

Tình trạng sụt giảm nhà ở mới của Trung Quốc đã thúc đẩy kỳ vọng chính phủ sẽ ban hành nhiều biện pháp kích thích hơn. Thêm vào những khó khăn của nền kinh tế, các số liệu vào thứ Tư (5/7) cũng cho thấy lĩnh vực dịch vụ của Trung Quốc đã chậm lại trong tháng 6.

Hoạt động kinh doanh tổng thể của Trung Quốc đã chậm lại đáng kể trong tháng 6 so với tháng trước, trong đó chỉ số PMI tổng hợp giảm xuống 52,5 trong tháng 6 từ 55,6 trong tháng 5.

Một loạt dữ liệu kinh tế yếu kém từ Trung Quốc đã đặt ra câu hỏi liệu nền kinh tế lớn nhất châu Á có phục hồi mạnh mẽ như thị trường đang mong đợi hay không. Hoạt động sản xuất của Trung Quốc đã bị thu hẹp trong cả ba tháng trong quý hai, làm dấy lên lo ngại về mức tăng trưởng GDP suy yếu trong giai đoạn này.

Các biện pháp kích thích từ chính phủ Trung Quốc cho đến nay vẫn có tác động hạn chế đến hoạt động kinh doanh, gây áp lực lên các nhà phát triển bất động sản phải đối mặt với nợ nần chồng chất.

“Hiện tại, các nhà đầu tư không chỉ lo ngại về rủi ro tín dụng đối với các công ty riêng lẻ mà còn về toàn bộ lĩnh vực do quá trình tái cơ cấu vẫn còn chậm”, nhà phân tích Anitza Nip cho biết.

Hạc Hiên
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục