Thị trường bất động sản sẽ sớm bước vào chu kỳ phát triển mới

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Với chủ trương hợp nhất, tinh gọn bộ máy và hành lang pháp lý ngày càng thông thoáng, minh bạch, cùng tiềm năng dân số đông, trong trung hạn và dài hạn, thị trường bất động sản sẽ sớm bước vào chu kỳ phát triển mới đầy tiềm năng.
Thị trường bất động sản sẽ sớm bước vào chu kỳ phát triển mới

Đó là nhận định của các chuyên gia tại Tọa đàm "Bất động sản năm 2025: Tìm kiếm cơ hội trong thách thức” do Báo Dân Việt tổ chức ngày 11/2.

Chia sẻ tại tọa đàm, ông Vương Duy Dũng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, khởi đầu năm 2025, toàn ngành kinh tế nói chung, thị trường bất động sản nói riêng vẫn đang gặp không ít khó khăn do ảnh hưởng của tình hình chính trị, kinh tế toàn cầu. Tuy vậy, với quan điểm trong “nguy” có “cơ,” thị trường này cũng đang có những cơ hội phát triển lớn.

Cụ thể, những hàng lang luật mới (như Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đất đai) được triển khai, qua đó đã tháo gỡ rất nhiều vướng mắc liên quan đến việc đầu tư dự án bất động sản. Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng xây dựng các thông tư hướng dẫn, được tổ chức triển khai, tập huấn đến tất cả địa phương trên cả nước.

“Các văn bản luật cơ bản đã đầy đủ và được ban hành để ủy ban nhân dân các tỉnh triển khai; cùng với đó là việc phân cấp, phân quyền cũng được thực hiện triệt để... Trong đó, cơ bản triển khai các dự án bất động sản là của ủy ban nhân dân các tỉnh, ví dụ như dự án cấp 1, dự án dưới 300 ha đều được phân cấp đến ủy ban nhân dân cấp tỉnh,” ông Dũng nhấn mạnh.

Đặc biệt, với việc các bộ, ban, ngành, địa phương đang khẩn trương tổ chức sắp xếp lại bộ máy với tinh thần hiệu lực, hiệu năng, hiệu quả, thị trường bất động sản trong năm 2025 dự báo cũng sẽ có nhiều cơ hội phát triển mới.

Đồng quan điểm, ông Lê Văn Bình - Phó Vụ trưởng Vụ Đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cũng cho rằng, hiện nay, thị trường bất động sản đang dần đi vào ổn định, do nhiều nguyên nhân khác nhau (do điều phối, quản lý của Chính phủ, các chính sách mới).

Tuy nhiên, ông Bình cho rằng, khi thiết lập khung giá mới, thị trường lại bắt đầu chững lại. Những thách thức của doanh nghiệp bất động sản là về giá và tìm kiếm khách hàng, tìm kiếm cơ hội phân phối các phân khúc về bất động sản nhà ở, bất động sản công nghiệp, bất động sản người thu nhập thấp.

Dẫn lại câu chuyện “cơn sốt” bất động sản do thiếu nguồn cung trong thời gian qua (bắt đầu từ cuối 2022 và kéo dài đến nay), ông Bình cho biết, nếu để giá “tự do” tăng cao như hiện này, người lao động sẽ rất khó để tìm được nhà ở.

“Bây giờ người lao động đi tìm giá nhà tầm 50 triệu đồng/m2 rất khó, rất hiếm. Cả nhà chung cư cũ, tập thể cũ, giá cũng đã tăng lên gấp 1,5 - 2 lần so với trước đây, giá lên ‘kinh khủng’.

Nhưng sắp tới, các sản phẩm bất động sản được tung ra thị trường nhiều hơn, cùng với chính sách mới được ban hành, thị trường bất động sản sẽ ổn định giá hơn. Từ đó, người lao động có thể tiếp cận mua nhà,” ông Bình nhận định.

Tuy vậy, Phó Vụ trưởng Vụ Đất đai Lê Văn Bình lưu ý thêm, các luật liên quan đến bất động sản (đặc biệt như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Bất động sản) mới có hiệu lực trong 6 tháng, nên việc đánh giá tác động của chính sách tới thị trường vẫn còn quá sớm vì cần phải có thời gian để luật “thẩm thấu” vào thị trường.

“Với các sản phẩm bất động sản có sẵn trên thị trường, đây là sản phẩm có cách đây vài năm, thậm chí 10 năm hoặc lâu hơn. Do đó, nếu nhanh hơn thì cũng phải 2 - 4 năm nữa mới có sản phẩm theo chính sách mới. Tuy nhiên, việc chính sách mới ra đời cũng sẽ có những tác động tâm lý rất lớn tới khách hàng,” ông Bình nói.

Nhận định về thị trường năm 2025, ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) nhấn mạnh, dưới góc độ các doanh nghiệp có 2 kịch bản cho thị trường bất động sản có thể xảy ra trong thời gian tới.

Đầu tiên là kịch bản tích cực, khi tinh gọn bộ máy sẽ thúc đẩy thị trường bất động sản. Điều này giúp giảm thiểu thời gian, chi phí, chính sách pháp lý khiến thị trường bất động sản sẵn sàng bước vào chu kỳ mới, thăng hoa và phát triển tốt.

Ở kịch bản tiêu cực, khi những cơ quan, cá nhân sau hợp nhất không được phân công nhiệm vụ cụ thể, không chủ động trong công việc khiến cả bộ máy "dậm chân tại chỗ", không ai dám ký, dám làm khiến thủ tục đầu tư bất động sản tiếp tục bị trì hoãn, kéo cả thị trường bất động sản đi lùi, thậm chí là "đóng băng".

Bên cạnh đó, ông Đính lưu ý, các doanh nghiệp, nhà đầu tư bất động sản trên thị trường hiện nay đang sử dụng hơn 50% nguồn vốn tín dụng. Vì vậy, nhà nước, các ngân hàng cần phải đưa ra những chính sách tích cực hỗ trợ, hạn chế những chính sách thắt chặt hay kiểm soát tín dụng quá đà.

"Nếu sử dụng chính sách không phù hợp sẽ dễ dàng bóp nghẹt những doanh nghiệp. Hiện nay, hàng triệu tỷ đồng tín dụng đã chảy vào thị trường bất động sản nhưng nhiều doanh nghiệp, nhiều dự án vẫn đói vốn và chưa thể tiếp cận được dòng vốn này.

Chúng ta đang cần thêm nhiều kênh dẫn vốn nữa như: trái phiếu, tín phiếu… hay cần thêm nhiều quỹ đầu tư, quỹ phát triển… Những quỹ này trên thực tế đã được đưa ra bàn bạc cách đây đến 10 năm, thậm chí đã được thí điểm nhưng do các quy định pháp luật vẫn là rào cản nên đề xuất này khó được triển khai. Tin vui trong thời gian tới, Chính phủ có thể sẽ tạo ra nhiều quỹ hỗ trợ cho doanh nghiệp để doanh nghiệp tiếp cận vốn dễ dàng hơn. Từ đó thúc đẩy nguồn cung nhà ở được tung ra thị trường nhiều hơn", ông Đính nói.

Dự báo về thị trường sắp tới, theo ông Đính, về giá bán sẽ có xu hướng điều chỉnh hợp lý hơn so với mức tăng quá mức so với năm 2024. Tuy nhiên, mức giảm sâu sẽ khó xảy ra vì một số vấn đề như giá đất, bảng giá đất, chi phí đang có dấu hiệu tạo áp lực đầu vào cho giá thành cho sản phẩm bất động sản.

Về giao dịch, với sự cải thiện nguồn cung, các phân khúc bất động sản dự báo sẽ ổn định hơn, giúp lượng giao dịch gia tăng so với năm 2024. Thị trường sẽ hoạt động tích cực hơn, dù chưa thể quay lại đà tăng trưởng mạnh mẽ như giai đoạn 2018 - 2019.

Trang Ninh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục