Thị trường bất động sản khấp khởi chờ “vốn mồi”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Các gói tín dụng 110.000 tỷ đồng và 120.000 tỷ đồng cho vay phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đề xuất mới đây được xem là nguồn “vốn mồi” để sớm vực dậy thị trường bất động sản.
Thị trường cần kích hoạt các “ngòi nổ” cho dòng tiền mới gia nhập. Ảnh: Dũng Minh Thị trường cần kích hoạt các “ngòi nổ” cho dòng tiền mới gia nhập. Ảnh: Dũng Minh

Liều “doping” tâm lý

Theo các thành viên thị trường, pháp lý dự án và dòng tiền là 2 nút thắt lớn nhất của thị trường bất động sản ở thời điểm hiện tại. Trong khi hành lang pháp lý đang được rốt ráo hoàn thiện, thì những ngày đầu năm 2023, các “tin tốt” về dòng vốn cũng mang tới nhiều hơn niềm tin cho thị trường sau thời gian dài ngóng đợi.

Cụ thể, Bộ Xây dựng đề xuất gói tín dụng 110.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và gói vay thương mại 120.000 tỷ đồng từ 4 ngân hàng thương mại cũng dành cho phân khúc này. Nếu đề xuất trở thành hiện thực và sớm được triển khai, nhiều người dân sẽ có cơ hội tiếp cận nhà giá rẻ và quan trọng hơn là sẽ kích thích nhu cầu giao dịch của thị trường vốn trầm lắng suốt thời gian qua.

Theo ông Nguyễn Quốc Anh, Phó tổng giám đốc Batdongsan.com.vn, bối cảnh thị trường bất động sản hiện tại tương tự như thời điểm khó khăn năm 2013, nên cần một liều “doping” để hồi phục trở lại.

“Vào năm 2013, khi ngành bất động sản khủng hoảng, giao dịch đình trệ, Quốc hội đã thông qua Luật Đất đai sửa đổi, đồng thời gói kích thích kinh tế 30.000 tỷ đồng được tung ra với lãi suất 5-6%/năm dành cho phân khúc nhà ở xã hội. Những chính sách này đã ‘tái tạo’ lại thói quen giao dịch, qua đó thúc đẩy thị trường bật mạnh trở lại”, ông Quốc Anh nói, đồng thời nhấn mạnh, thị trường cần những chính sách cụ thể, tác động trực tiếp tới người mua - bán bất động sản như các gói hỗ trợ tín dụng quy mô lớn 100.000-120.000 tỷ đồng, tăng trưởng tín dụng duy trì ở mức 15-16% hoặc cao hơn...

Trong một diễn biến khác, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, năm 2023, tín dụng được định hướng tăng trưởng 14-15%, tương đương năm trước (đạt 14,17%) và Ngân hàng Nhà nước không có room kiểm soát riêng tín dụng bất động sản.

Theo bà Hồng, 4 ngân hàng có vốn nhà nước chi phối đã thống nhất sẵn sàng vào cuộc với gói tín dụng 120.000 tỷ đồng dành cho xây dựng dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Lãi suất cho vay người xây dựng và người mua nhà sẽ thấp hơn 1,5-2%/năm lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng trên thị trường trong từng thời kỳ.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng giám đốc Vietcombank cho biết, tính đến ngày 31/12/2022, dư nợ tín dụng lĩnh vực bất động sản tại Ngân hàng tăng 17,46% so với thời điểm cuối năm 2021 và chiếm 20% tổng dư nợ nên Vietcombank không hạn chế cấp tín dụng cho lĩnh vực này.

Theo ông Tùng, Vietcombank ưu tiên cấp vốn đối với các phân khúc bất động sản khu công nghiệp, khu chế xuất… nhằm góp phần đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương và toàn quốc, thể hiện ở số liệu trong năm 2022, dư nợ của phân khúc này đã tăng hơn 4 lần so với năm 2021.

“Vietcombank định hướng cấp tín dụng có chọn lọc, tập trung vào các doanh nghiệp uy tín, có kinh nghiệm, năng lực tài chính, khả năng tổ chức triển khai tốt các dự án và sẽ xem xét điều chỉnh kịp thời khi thị trường khởi sắc hơn”, ông Tùng nói và cho biết thêm, đối với khách hàng cá nhân, Vietcombank định hướng cho vay khách hàng có thu nhập ổn định và mua để ở; duy trì tài trợ đối với dự án đầu tư thuộc phân khúc bất động sản đất ở, nhà ở đã đáp ứng đầy đủ các thủ tục pháp lý và có giá bán phù hợp với số đông.

Nhiều dự án đang chờ được “hồi sinh”. Ảnh: Dũng Minh

Nhiều dự án đang chờ được “hồi sinh”. Ảnh: Dũng Minh

Chờ kích hoạt

Theo ông Nguyễn Phúc Long, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Thăng Long, hiện tại, phần lớn dự án nhà ở mới trên thị trường đều đang trong giai đoạn đầu hoàn thiện pháp lý, xin đất hoặc làm hạ tầng, chưa thể đưa sản phẩm ra thị trường. Trong khi đó, những dự án hiện hữu không bán được hàng, doanh nghiệp không có nguồn thu, cộng thêm huy động vốn khó khiến thanh khoản và dòng tiền còn gặp khó khăn thời gian tới.

“Việc thị trường phục hồi hay không, phục hồi ở mức độ nào phụ thuộc nhiều vào các chính sách của Nhà nước. Vì thế, thị trường sẽ cần nhiều thời gian và mức độ hồi phục diễn ra từ từ, chứ không bùng nổ ngay”, ông Long nói.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Ngọc, Giám đốc Công ty cổ phần RB Land cho rằng, dù đã xuất hiện nhiều hơn các thông tin về tín dụng, gói hỗ trợ để bơm tiền…, nhưng tác động tới thị trường bất động sản là chưa nhiều.

Ông Ngọc cho biết, các gói tín dụng chủ yếu phục vụ phát triển sản phẩm nhà giá rẻ như nhà công nhân, nhà ở xã hội, nhưng số dự án nhóm này có thể triển khai ngay rất ít, trong khi động lực chính giúp thị trường sôi động lại đến từ các sản phẩm đầu cơ, sản phẩm giá trị cao.

“Chưa kể, các vấn đề liên quan như điều kiện giải ngân, đối tượng giải ngân… đều chưa có hướng dẫn cụ thể. Thậm chí, kể cả khi có dòng vốn bơm vào, nhưng thị trường có hàng để giải ngân hay không vẫn là câu hỏi ngỏ”, ông Ngọc nói và cho biết thêm, dù các ngân hàng đều cho biết không hạn chế tín dụng bất động sản, nhưng thực tế là người dân, doanh nghiệp rất khó tiếp cận nguồn vốn này. Đặc biệt, mặt bằng lãi suất hiện neo ở mức quá cao, khoảng 15-16%/năm, đây là một trong những rào cản khiến con đường hồi phục của thị trường địa ốc còn gập ghềnh.

“Tôi vẫn cho rằng, tiền chưa thể bơm ngay ra thị trường và chỉ khi lãi suất giảm xuống khoảng 11-12%/năm cùng các điều kiện vĩ mô khác thuận lợi thì thị trường mới có thể hồi phục. Điều này có thể đến trong cuối năm 2023 hoặc đầu năm 2024”, ông Ngọc nhấn mạnh.

Ở góc độ là nhà đầu tư cá nhân, anh Nghiêm Xuân Tú (Hà Nội) cho biết, dù xác định rõ thị trường bất động sản sẽ cần cả năm 2023 hoặc lâu hơn để lấy lại cảm hứng, nhưng các thông tin về tín dụng, động thái rốt ráo tháo gỡ khó khăn cho thị trường của Chính phủ và các bộ, ngành liên quan đã và đang mang đến nhiều hơn sự lạc quan.

“Tôi hy vọng tất cả các đề xuất về tài chính, các kế hoạch về sửa đổi hành lang pháp lý lĩnh vực địa ốc sẽ sớm được thông qua để thực sự là liều ‘dopping’ cho nhà đầu tư, cho thị trường. Giai đoạn hiện tại, tôi biết nhiều người đang tăng cường dõi theo các diễn biến vĩ mô để có kế hoạch ứng xử phù hợp”, nhà đầu tư này nói.

Thành Nguyễn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục