Tại Hội nghị tín dụng đối với bất động sản và phát triển nhà ở xã hội do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) phối hợp với Bộ Xây dựng tổ chức sáng 13/11, ông Hoàng Hải cho biết, so với quý II/2023, số lượng dự án đang triển khai xây dựng quý III/2023 đã tăng lên 123,64%. Nguyên nhân cơ bản là do có nhiều dự án đã được tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về pháp lý, nên số lượng dự án được cấp phép đầu tư, được triển khai xây dựng tăng lên trong quý III/2023.
Tuy nhiên, so với quý II/2023, số lượng dự án bất động sản đang triển khai xây dựng trong qúy III/2023 giảm xuống còn 87,53%. Nguyên nhân cơ bản là do nhiều dự án quy mô nhỏ đã được chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện dự án để tránh việc chậm bàn giao nhà và gia tăng nguồn thu từ nghĩa vụ tài chính còn phải đóng theo hợp đồng mua bán của khách hàng.
Cũng theo ông Hoàng Hải, các địa phương tập trung thu hút đầu tư, đẩy nhanh tiến độ phát triển nhà ở xã hội (NƠXH). Đã có nhiều hơn các dự án NƠXH được bắt đầu nhận và đánh giá hồ sơ. Nguồn cung nhà ở xã hội trong tương lai nhiều địa phương dự báo sẽ “được cải thiện rõ rệt hơn” trong năm 2024.
Lũy kế giai đoạn 2021- 2025, trên địa bàn cả nước đã có 465 dự án nhà ở xã hội dành cho đối tượng thu nhập thấp và công nhân khu công nghiệp với quy mô 412.845 căn đã hoàn thành và đang được triển khai đầu tư xây dựng. Đã hoàn thành 46 dự án; khởi công xây dựng 110 dự án; có 309 dự án với quy mô 292.422 căn được chấp thuận chủ trương đầu tư trong 10 tháng đầu năm 2023, số lượng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân KCN đã được khởi công là 10 dự án với tổng số khoảng 19.853 căn.
Toàn cảnh Hội nghị |
“Mặc dù tổng cầu được cải thiện nhờ kết quả của các cơ chế chính sách đang thẩm thấu dần, kinh tế bớt khó khăn, động thái giảm lãi suất..., tuy nhiên, lực cầu vẫn chỉ bằng 30% so với giai đoạn trước khi thị trường gặp khó khăn”, ông Hoàng Hải nói.
Cũng theo ông Hoàng Hải, khoảng 50% là nhu cầu về nhà ở nhưng gặp khó khăn về tài chính không thể chuyển thành cầu thật, phục vụ nhu cầu để ở. 20% là nhu cầu đầu tư bất động sản mua đi, bán lại, tăng khoảng 10% so với quý trước do được kích thích nhờ tình hình kinh tế có dấu hiệu hồi phục, lãi suất giảm thúc đẩy một phần dòng tiền quay trở lại thị trường. 30% cầu đầu tư để khai thác cho thuê. Đây là sự lựa chọn ưu tiên của nhiều khách hàng, nhà đầu tư. Đặc biệt, các sản phẩm căn hộ, nhà ở riêng lẻ có thể cho thuê tạo dòng tiền ổn định tại đô thị lớn hay tại các địa phương có tiềm năng cao về phát triển du lịch như Quảng Ninh, Đà Nẵng, Lào Cai, Phú Quốc...
Quý III/2023 ghi nhận gần 6.000 giao dịch, gấp 1,5 lần so với quý II, hơn 2 lần so với quý I/2023. Tuy nhiên, vẫn chỉ bằng khoảng 10% so với thời điểm trước dịch Covid-19. Tính chung 9 tháng năm 2023, lượng giao dịch chỉ bằng khoảng 50% so với cùng kỳ năm trước. Lượng giao dịch phục hồi nhờ sự “hấp thụ” dần của hàng loạt các động thái hỗ trợ quyết liệt của Chính phủ và một phần dòng tiền quay trở lại do lãi suất giảm. Trong đó, gần 90% lượng giao dịch là căn hộ chung cư từ các dự án được phát triển bởi các chủ đầu tư uy tín, ở các đại đô thị đã đi vào hoạt động tại các thành phố lớn.
Ông Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) phát biểu tại Hội nghị. |
"Mức độ quan tâm chung cư đã có dấu hiệu phục hồi, nhu cầu tìm mua chung cư tăng 1% và tìm thuê tăng 6% so với quý trước. Trong đó, các căn hộ có giá từ 2 - 4 tỷ đồng được tìm kiếm nhiều nhất; tại các thành phố lớn hiện đã có dấu hiệu hấp thụ tốt, tập trung ở phân khúc chung cư, nhà ở giá dưới 10 tỷ đồng tại khu vực lõi trung tâm. Nhu cầu tìm kiếm, sự quan tâm của các nhà đầu tư tới các sản phẩm đối với nhà ở riêng lẻ, đất nền trong dự án bất động sản đã tăng so với 02 Quý đầu năm 2023, tuy nhiên tình hình giao dịch nhìn chung chưa có nhiều cải thiện", ông Hoàng Hải chia sẻ.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến quý III/2023, vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 20,21 tỷ USD, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm trước. Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư gần 1,94 tỷ USD, chiếm hơn 9,6% tổng vốn đầu tư đăng ký, bằng 55% so với cùng kỳ.
Ông Hoàng Hải nhận định, thực trạng sức khỏe của các doanh nghiệp bất động sản đã có dấu hiệu được cải thiện, tuy nhiên chưa phải hoàn toàn và vẫn đang rất khó khăn. Điều này được thể hiện bởi, số lượng doanh nghiệp bất động sản quay trở lại hoạt động, tuyển dụng ghi nhận tăng ở một số địa phương có thị trường bất động sản phục hồi tốt. Tính đến cuối tháng 8, có 1.721 doanh nghiệp bất động sản quay trở lại hoạt động, tăng 102% so với cùng kỳ năm 2022.
"9 tháng năm 2023, số lượng doanh nghiệp thành lập mới trong lĩnh vực bất động sản gấp 3,5 lần số lượng doanh nghiệp bất động sản giải thể với 3.394 doanh nghiệp nhưng vẫn giảm tới 52,4% so với cùng kỳ năm 2022. Riêng với các sàn giao dịch bất động sản, 20% sàn tiếp tục đối diện nguy cơ giải thể, phá sản; 40% sàn đang phải nỗ lực chống đỡ để duy trì, chỉ còn hoạt động với một vài nhân sự nòng cốt, phải cố gắng cầm cự, “sống bằng niềm tin” thị trường BĐS sẽ khôi phục vào cuối năm 2023", ông Hoàng Hải nói.