Sống chung với dịch
Ngoái nhìn lại năm 2020 với quá nhiều biến động khôn lường, bà Nguyễn Thị Thu Hương, Tổng giám đốc Đại Phúc Land thổ lộ, năm qua, điều mà bà hài lòng nhất là doanh nghiệp của mình vẫn duy trì được tiến độ đầu tư, phát triển dự án như kế hoạch. Với Vạn Phúc City, đây là dự án đã hiện hữu và mỗi năm đều phải đầu tư phát triển theo phân kỳ định sẵn. Cũng bởi là dự án quy mô lớn nên tính dự phòng được coi trọng và điều đó đã khiến cho doanh nghiệp của bà Hương vẫn đi đúng lộ trình.
“Điều này giúp chúng tôi đáp ứng được kỳ vọng và củng cố niềm tin của khách hàng. Riêng nhịp độ kinh doanh, do tác động khách quan và phải điều chỉnh theo chiều hướng giảm đôi chút, nhưng Công ty vẫn hoàn thành các mục tiêu cơ bản”, bà Hương chia sẻ.
Cú sốc lớn nhất năm 2020 là với bất động sản du lịch, nhiều lúc thị trường bị tê liệt. Nhưng dù gì thì cũng cần khẳng định là thị trường đã tới đáy và đang tốt lên. Ngành du lịch nói chung, bất động sản du lịch nghỉ dưỡng nói riêng cần xác định trông chờ vào khách nội địa, điều này cũng mở ra cơ hội mới cho các địa phương. Năm 2020 cũng cho thấy một điều, nhiều nhà đầu tư vào thị trường là người có nghề, có tầm nhìn dài hạn, không phải làm phong trào như trước.
Đưa ra góc nhìn về thị trường năm nay, bà Hương cho rằng, do đầu tư bất động sản thường là chu kỳ dài hơi nên các doanh nghiệp lớn vẫn đủ sức nhìn về dài hạn. Vị đại diện của Đại Phúc Land cho rằng, năm 2021 vẫn còn chịu dư chấn dịch bệnh, thị trường có thể hồi phục một phần so với năm trước, nhưng các doanh nghiệp nên chuẩn bị tâm thế “sống chung với dịch” và không nên đặt mục tiêu phát triển quá mạnh trong năm này. Thay vào đó, năm 2021 nên là năm thực hiện các điều chỉnh để thích ứng, chờ đợi cho khả năng đến năm 2022 có thể thị trường trong và ngoài nước phát triển mạnh mẽ hơn.
Riêng với Đại Phúc Land, bà Hương cho biết, năm 2021 sẽ là giai đoạn quan trọng để hoàn thiện 100% các hạng mục của dự án, nhất là các tiện ích như tuyến công viên ven sông, các hạng mục vui chơi giải trí, thương mại, dịch vụ. Trong đó, công viên nhạc nước 5 triệu USD sẽ là một công trình điểm nhấn được hoàn thiện vào năm nay để phục vụ người dân và thu hút du khách.
Cũng chung tâm thế có sự chuẩn bị thận trọng trên tinh thần ứng biến linh hoạt với những biến động từ năm 2020, bà Thu Hương đến từ Hải Phát Invest cũng cho rằng, trong cơn bão Covid-19 thì các doanh nghiệp bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng chịu nhiều tổn thương nặng nề. Đến thời điểm “năm cùng, tháng tận”, vẫn có không ít doanh nghiệp, cá nhân phải rao bán dự án, nhất là các dự án khách sạn cỡ trung, nhưng đây cũng là thời điểm “shopping” để lựa hàng tốt của các nhà đầu tư có tiềm lực.
Phân khúc nghỉ dưỡng: Chờ thời!
Đại diện một doanh nghiệp than thở với phóng viên, sau hai đợt Covid-19 liên tiếp, “chúng tôi đã ‘tiêu xài’ hết những gì tích lũy của mấy năm qua, cuối 2020, đầu 2021 là giai đoạn… giáp hạt”.
Mặc dù vẫn duy trì các hoạt động đầu tư phát triển, nhưng khi được hỏi về dự cảm thị trường năm 2021, bà Hoàng Thị Thu Lài, Phó tổng giám đốc La Luna Holdings cũng đưa ra cái nhìn thận trọng.
“Sang năm 2021, thị trường sẽ phụ thuộc nhiều vào diễn biến dịch bệnh trong và ngoài nước, nhất là với các doanh nghiệp hoạt động trong phân khúc bất động sản du lịch thì lại càng phụ thuộc nhiều vào việc phổ biến vắc xin trên thế giới”, bà Lài nói và phân tích, bối cảnh kinh tế trong nước, độ mở cửa nền kinh tế trong tình hình chung toàn cầu…, tất cả những điều này sẽ chi phối các quyết định đầu tư, đến việc có mở rộng các hoạt động đầu tư, phát triển dự án hay không.
Trường hợp dịch bệnh chưa được khống chế trên thế giới, nhất là tại các quốc gia đối tác lớn của Việt Nam dẫn đến nền kinh tế các nước này bị ảnh hưởng mạnh thì Việt Nam khó có thể “tốt một mình” và hoạt động đầu tư của từng doanh nghiệp sẽ bị co hẹp lại.
Riêng với doanh nghiệp của bà Lài, hiện Laluna đang triển khai 4 dự án về du lịch nghỉ dưỡng, trong đó có 2 dự án đang đi vào giai đoạn cuối, 2 dự án dang hoàn thiện thiết kế để thi công. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại, bà Lài cho biết doanh nghiệp bà đang phải chờ tình hình kinh tế và diễn biến dịch bệnh xem có đẩy mạnh đầu tư không. Riêng với việc tìm kiếm các dự án mới, dù gặp không ít khó khăn nhưng doanh nghiệp vẫn phải tìm kiếm cơ hội để có sản phẩm gối đầu, trong đó, các địa phương có quỹ đất tốt đang được ưu tiên hướng tới.
Vừa làm vừa nghe ngóng tình hình đang là tâm thế chung của các doanh nghiệp. Chia sẻ cùng phóng viên, ông Đào Duy Hưởng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Bất động sản Bamboo Việt Nam (Bamboo Land) cho biết, do tác động từ Covid-19, kế hoạch năm 2020 của Bamboo Land chỉ hoàn thành khoảng 80%. Tuy nhiên, điều này vẫn khiến ông Hưởng khá hài lòng và chủ động đưa ra kế hoạch năm mới theo hướng tiếp tục đẩy mạnh các phân khúc có thế mạnh.
Hiện Bamboo Land đang tập trung nhiều vào mảng phân phối các dự án biệt thự, liền kề có vị trí tốt, pháp lý đảm bảo với thanh khoản tốt.
“Năm 2021 sẽ mở rộng thêm bảng hàng ở phân khúc chung cư, đất nền”, ông Hưởng tiết lộ.
Các dự án được Bamboo Land lựa chọn phân phối hiện tập trung nhiều ở khu vực phía Tây Hà Nội. Lý do cho sự lựa chọn này là bởi khu vực trên có hạ tầng tốt, cùng với các tín hiệu tích cực từ đầu tư công, Hoài Đức đang phấn đấu lên quận vào năm 2022… Ngoài ra, Bamboo Land tiếp tục lên kế hoạch bổ sung nhân sự từ những tháng cuối năm 2020 để có thể đáp ứng nhu cầu phân phối dự án tăng mạnh trong năm 2021.
Đưa ra cái nhìn vừa đủ cẩn trọng nhưng cũng lạc quan về thị trường năm mới, ông Hưởng nhận định, thị trường 2021 vẫn tiềm ẩn không ít điều khó lường, nhưng rất có thể đến hết quý II/2021 thị trường sẽ sôi động lên.
“Đang có một lượng lớn nguồn vốn rẻ, lãi suất thấp do các nhà đầu tư chốt lời vào thời điểm cuối năm từ nhiều kênh đầu tư khác, cộng với hiệu ứng giải ngân đầu tư công lớn, nên rất có thể dòng tiền sẽ đổ mạnh sang bất động sản và chứng khoán”, ông Hưởng nhận định.
Năm 2020, thị trường bất động sản tiếp tục tăng trưởng, chưa có dấu hiệu bất thường, cực đoan lớn
Đây là nhận định được Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà đưa ra trong hội nghị tổng kết ngành xây dựng mới đây.
Theo báo cáo từ người đứng đầu Bộ Xây dựng, có hai chi tiết đáng quan tâm là diện tích bình quân nhà ở toàn quốc ước năm 2020 đạt 24 m2 sàn/người (chưa đạt mục tiêu của kế hoạch đề ra là 25 m2 sàn/người). Trong đó, về phát triển nhà ở xã hội đạt 5,21 triệu m2, bằng khoảng 41,7 % so với mục tiêu đề ra đến năm 2020 là 12,5 triệu m2.
Riêng với các chỉ tiêu về nhà ở 2021 - 2025, Bộ Xây dựng cho biết, diện tích nhà ở bình quân toàn quốc đạt khoảng 26 - 27 m2 sàn/người. Trong đó, diện tích nhà ở bình quân đầu người khu vực đô thị đạt khoảng 26 m2/người; khu vực nông thôn đạt khoảng 25 m2/người; tỷ lệ dân số sống trong nhà ở đơn sơ chỉ 1%.