Thị trường bảo hiểm: Tín hiệu từ… “đôi chân”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Khi lướt nhanh trên một đôi chân yếu, hệ lụy tất yếu của toàn ngành bảo hiểm nhân thọ là doanh thu ảo, niềm tin lung lay... Ngành này đang đi chậm rãi, chắc chắn lại trên một đôi chân dần được củng cố sức bền.
 Mức độ thâm nhập bảo hiểm hiện đạt khoảng 2,7% GDP, mục tiêu đến năm 2025 của Chính phủ là 3,5% GDP Mức độ thâm nhập bảo hiểm hiện đạt khoảng 2,7% GDP, mục tiêu đến năm 2025 của Chính phủ là 3,5% GDP

Từ lướt nhanh trên đôi chân yếu…

Với một loạt “lùm xùm”, nhiều ý kiến cho rằng, chưa năm nào, tranh chấp, điều tiếng về thị trường bảo hiểm nhân thọ lại nổi cộm như năm 2023.

Hiện chưa có số liệu thống kê chính thức về việc có bao nhiêu vụ tranh chấp giữa nhà bảo hiểm với khách hàng trong năm 2023, nhưng điều khó có thể phủ nhận là khi lướt nhanh trên một đôi chân yếu, hệ luỵ doanh thu ảo, niềm tin lung lay và tranh chấp đương nhiên xảy ra. Khi bị “bêu tên” trên các phương tiện truyền thông, các thương hiệu bảo hiểm, nhất là thương hiệu vướng vào tranh chấp, đều bị ảnh hưởng.

Nguyên tổng giám đốc một công ty bảo hiểm có thời gian gắn bó với thị trường gần 30 năm nhận xét, ông chưa bao giờ thấy thị trường nhiều eo xèo như năm 2023, niềm tin khách hàng xuống thấp, hoạt động bán hàng rất khó khăn... Thị trường bảo hiểm có đôi chân yếu bởi nhiều công ty bảo hiểm nhân thọ có tuổi đời còn trẻ, nhưng chủ yếu lựa chọn con đường đi nhanh, thậm chí sẵn sàng đi ẩu, lơ là quản trị rủi ro, quản trị danh tiếng cũng như việc nâng cao nhận thức cho bên mua bảo hiểm. Đội ngũ tư vấn bảo hiểm hay quản lý kinh doanh mải mê bán sản phẩm, tập trung giới thiệu, marketing về quyền lợi, mà bỏ qua phần quan trọng là giúp người dân hiểu đúng, hiểu đủ về các giá trị và sự cần thiết của sản phẩm.

Mức độ thâm nhập của người dân về bảo hiểm tại Việt Nam còn khiêm tốn (hiện đạt khoảng 2,7% GDP), đồng nghĩa với tiềm năng phát triển còn lớn, khiến các doanh nghiệp bảo hiểm và ngân hàng đẩy mạnh hợp tác bán bảo hiểm, trong đó có các thương vụ hợp tác độc quyền trị giá hàng ngàn tỷ đồng, nhằm gia tăng doanh thu, chiếm lĩnh thị phần.

Trước khi kênh phân phối bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance) gặp khủng hoảng trong năm 2023 thì năm 2022 có tới gần 1 triệu hợp đồng bảo hiểm nhân thọ được phân phối qua kênh này, chiếm 46% doanh số khai thác mới. Việc ngân hàng mải chạy theo doanh số, lơ là dịch vụ bán hàng, khiến chất lượng dịch vụ sa sút. Phí trả trước của hợp đồng độc quyền được công ty bảo hiểm trả dần từng năm khi ngân hàng đạt chỉ tiêu doanh số bảo hiểm nên hiện tượng phổ biến là ngân hàng ép chỉ tiêu xuống từng nhân viên. Đôi chân yếu lại được sắp đặt kề bên một đối tác ngân hàng “có vấn đề” nên khủng hoảng xuất hiện từ đây và bắt đầu lan rộng.

Trong năm qua, mọi ánh mắt thiếu thiện cảm đổ dồn vào kênh bancassurance với cái tên SCB - đối tác của Manulife, nhưng thực tế cho thấy, đó là câu chuyện của toàn ngành bảo hiểm nói chung, kênh đại lý nói riêng. Kênh đại lý, bao gồm bancassurance, vốn gặp điều tiếng rải rác từ những năm trước, nhưng đến năm qua mới thực sự đánh mất niềm tin khi các “lùm xùm” được lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội.

Trước đó, năm 2022, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam đã phát hiện khoảng 3.100 trường hợp đại lý sai phạm, trong đó có lỗi tuyên truyền, quảng cáo sai về sản phẩm, dịch vụ của công ty bảo hiểm, nâng con số vi phạm trong giai đoạn 2020 - 2022 lên hơn 9.000.

… đến đi chậm trên đôi chân khỏe

Trong năm qua, mọi ánh mắt thiếu thiện cảm đổ dồn vào kênh bancassurance với cái tên SCB - đối tác của Manulife, nhưng thực tế cho thấy, đó là câu chuyện của toàn ngành bảo hiểm nói chung, kênh đại lý nói riêng.

Dù lỗi đến từ kênh nào thì khủng hoảng bảo hiểm năm 2023 cũng được coi là cơ hội để các bên liên quan nhìn nhận lại mình, qua đó có các thay đổi phù hợp, hướng tới việc khôi phục niềm tin, phát triển bền vững.

Tại một số công ty bảo hiểm, đơn cử như Manulife Việt Nam, chỉ số đánh giá kết quả thực hiện công việc (KPI) cho vị trí CEO không còn là doanh thu bảo hiểm được khai thác mới, mà là tỷ lệ duy trì hợp đồng bảo hiểm, giúp doanh nghiệp giữ chân khách hàng. Tỷ lệ duy trì hợp đồng bảo hiểm ở mức cao sẽ giúp đôi chân của nhà bảo hiểm thêm vững chắc, đảm bảo doanh thu, lợi nhuận, tránh tình trạng tỷ lệ duy trì thấp dẫn tới nguy cơ “càng bán, càng lỗ”.

Với kênh phân phối bancassurance, không ít doanh nghiệp bảo hiểm yêu cầu ngân hàng cam kết tỷ lệ duy trì hợp đồng tối thiểu (K2).

Trước đó, một số công ty bảo hiểm đã áp dụng tỷ lệ K2 đối với kênh đại lý truyền thống. Thậm chí, có thông tin cho rằng một số công ty bảo hiểm như Prudential áp dụng chính sách truy đòi các khoản thưởng ngoài hoa hồng, không thăng cấp quản lý, tạo áp lực để các đại lý nỗ lực hơn trong việc làm hài lòng khách hàng nếu đội ngũ kinh doanh, đại lý không đạt tỷ lệ duy trì hợp đồng bảo hiểm. Tuy nhiên, Prudential cho biết, Công ty không hề truy đòi, mà dùng tỷ lệ duy trì hợp đồng để xét các khoản thưởng. Mới đây, Prudential và VIB đạt được thỏa thuận xác lập hạn mức “tỷ lệ duy trì hợp đồng” tối thiểu và tăng dần đến tỷ lệ lý tưởng.

K2 nếu triển khai trên diện rộng được kỳ vọng sẽ giúp đôi chân của các công ty bảo hiểm trên toàn thị trường thêm khỏe.

Bên cạnh đó, nhiều công ty như Manulife, Generali… đã áp dụng định danh và xác thực khách hàng điện tử, giúp khách hàng bảo mật thông tin cá nhân và hợp đồng bảo hiểm, phòng tránh rủi ro trục lợi, giả mạo, lừa đảo.

Theo các chuyên gia, khi đi chậm lại, các doanh nghiệp bảo hiểm cũng phải “thắt đai an toàn”. Là nhà đào tạo, huấn luyện chuyên nghiệp trong mảng bảo hiểm nhân thọ, ông Hoàng Gia Phong cho rằng, chưa bao giờ ngành này lại trải qua một cuộc khủng hoảng lớn như vừa qua, một cuộc khủng hoảng về niềm tin khiến kết quả kinh doanh giảm sút nghiêm trọng. Do đó, giống như khi đi trên một chuyến bay qua vùng không khí nhiễu động, để bảo vệ tính mạng trước nguy cơ bị hất văng khỏi ghế ngồi, tất cả hành khách đều được yêu cầu thắt chặt dây an toàn, các doanh nghiệp bảo hiểm hiện nay cũng nên “giữ mình” như vậy.

“Thắt dây an toàn hiệu quả nhất chính là việc tự trang bị cho mình những kiến thức, kỹ năng chuyên sâu. Hãy nhớ rằng, chúng ta không thể lấy được thị phần khi tất cả đều khoẻ mạnh. Cơ hội chỉ đến khi kẻ khác suy yếu”, ông Phong nói.

Những “con sâu làm rầu nồi canh” trong năm qua khiến nhiều người nhìn thị trường bảo hiểm bằng ánh mắt thiếu thiện cảm. Vì thế, việc “làm sạch” dữ liệu thị trường cũng là điều tất yếu để bảo hiểm phát triển lành mạnh, thể hiện vai trò bảo vệ khách hàng, giúp họ có thêm niềm tin và yên tâm tham gia bảo hiểm. Việc này cần thời gian, động thái mạnh mẽ từ Chính phủ, cơ quan quản lý là Bộ Tài chính, bản thân các doanh nghiệp bảo hiểm, các cơ quan truyền thông và cả người tham gia bảo hiểm.

Kim Lan

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục