Lá chắn của nền kinh tế
Theo Bộ Tài chính, tổng doanh thu ngành bảo hiểm giai đoạn 2003-2010 tăng trưởng bình quân 22,2%/năm (từ 11.322 tỷ đồng năm 2003 lên 37.621 tỷ đồng luỹ kế đến 2010), cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng GDP. Doanh thu phí bảo hiểm tăng từ 10.390 tỷ đồng lên 30.568 tỷ đồng và doanh thu đầu tư tăng từ 986 tỷ đồng lên 7.053 tỷ đồng. Hoạt động kinh doanh bảo hiểm đã đóng vai trò tích cực đến việc ổn định kinh tế - xã hội. Tổng số tiền bảo hiểm mà các doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) đã giải quyết bồi thường, trả tiền bảo hiểm trong giai đoạn 2003-2010 là 50.116 tỷ đồng, trung bình mỗi năm chi trả 6.264 tỷ đồng. Các DNBH đã huy động để đầu tư trở lại cho nền kinh tế 14.602 tỷ đồng năm 2003 và tăng lên 92.809 tỷ đồng tính đến năm 2010.
Đạt được kết quả trên, các DNBH đã đa dạng hoá sản phẩm bảo hiểm để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của nền kinh tế. Nếu năm 2003, thị trường có khoảng 300 sản phẩm bảo hiểm thì đến nay đã có trên 800 sản phẩm, gồm cả bảo hiểm nhân thọ (BHNT) và bảo hiểm phi nhân thọ (BHPNT). Trong BHNT, cơ cấu sản phẩm đã chuyển dần từ ngắn hạn sang dài hạn, kết hợp giữa bảo hiểm với tiết kiệm và đầu tư. Các sản phẩm về quyền lợi y tế đã và đang được các DNBH nhân thọ chú trọng triển khai. Đối với BHPNT, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành các quy định về triển khai bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới; bảo hiểm nông nghiệp (giúp người nông dân giảm thiểu rủi ro trong nông nghiệp, đặc biệt là thiên tai) và bảo hiểm tín dụng xuất khẩu (giúp đảm bảo an toàn tài chính cho các thương nhân xuất khẩu, từ đó góp phần đẩy mạnh xuất khẩu, tăng trưởng kinh tế).
Thị trường bảo hiểm đã có độ “mở” lớn hơn khi cơ quan quản lý ban hành nhiều quy định xoá bỏ các hạn chế về nội dung, phạm vi và địa bàn hoạt động, hạn chế về tái bảo hiểm bắt buộc... tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa DNBH có vốn đầu tư nước ngoài với các doanh nghiệp trong nước.
Cạnh tranh không lành mạnh
Theo đánh giá của Bộ Tài chính, dù đã đạt được những kết quả nổi bật kể trên nhưng thị trường vẫn còn không ít tồn tại, hạn chế. Do tốc độ phát triển thị trường tương đối nhanh trong khi các cơ sở đào tạo về bảo hiểm không nhiều và chưa chuyên sâu nên thị trường thiếu hụt nghiêm trọng nguồn nhân lực có trình độ quản trị doanh nghiệp cấp cao. Hệ thống công nghệ thông tin phục vụ công tác quản lý điều hành của các DNBH trong nước (đặc biệt là các DNBH phi nhân thọ) còn lạc hậu, thủ công, gây tốn kém về thời gian và chi phí, khó kiểm soát các hành vi trục lợi bảo hiểm; công tác thống kê định phí bảo hiểm còn yếu kém và chưa sát thực tế. Sản phẩm bảo hiểm tuy đa dạng song vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân. Nhiều mảng thị trường còn bỏ ngỏ như bảo hiểm tín dụng, bảo hiểm nông nghiệp, bảo hiểm trách nhiệm... Công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ còn yếu, chưa được thực hiện thường xuyên, đặc biệt là các doanh nghiệp trong nước.
Cùng với việc ra đời nhiều DNBH mới, đã xuất hiện hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh, không chỉ diễn ra giữa các DNBH mà ngay trong nội bộ doanh nghiệp. Nhiều DNBH vẫn chú trọng mục tiêu nâng cao thị phần, áp lực về doanh thu lớn dẫn đến việc hạ mức khấu trừ, mở rộng điều kiện điều khoản bảo hiểm trong khi mức phí bảo hiểm thu được không tương xứng với rủi ro nhận bảo hiểm. Ngoài ra, hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh giữa các DNBH chuyên ngành với các DNBH khác dẫn đến tình trạng cát cứ thị trường.
Ông Phùng Ngọc Khánh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho rằng, để đạt được các mục tiêu kể trên, các DNBH cần nỗ lực khắc phục những hạn chế đã tồn tại nhiều năm qua. Bên cạnh việc tiếp tục nâng cao năng lực tài chính, nâng cao năng lực quản trị điều hành, các DNBH cần nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới, mở rộng địa bàn hoạt động, đa dạng hoá sản phẩm, quản lý tốt các kênh phân phối, nâng cao chất lượng khai thác dịch vụ, chú trọng công tác đánh giá rủi ro. Các doanh nghiệp cần tích cực ngồi lại với nhau nhằm tăng cường sự hợp tác trên cơ sở cạnh tranh lành mạnh bằng chất lượng dịch vụ. Khuyến khích các DNBH trong nước mở rộng phạm vi hoạt động kinh doanh, kể cả ra nước ngoài, tham gia góp vốn vào các DNBH đang hoạt động thành công ở nước ngoài. Về phía cơ quan quản lý, sẽ tiếp tục hoàn thiện và ban hành mới các văn bản pháp luật về kinh doanh bảo hiểm, tạo khung pháp lý minh bạch để thị trường bảo hiểm phát triển lành mạnh.