Thị trường bảo hiểm: Chữa dứt điểm căn bệnh cạnh tranh bằng phí

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Câu chuyện cạnh tranh bằng cách hạ phí bảo hiểm vốn thường xuất hiện trong những kỳ đại hội đồng cổ đông của doanh nghiệp, những cuộc họp bàn của Bộ Tài chính…, nay đã lên tới nghị trường Quốc hội.
Doanh nghiệp bảo hiểm nào cũng muốn đạt thị phần cao. Ảnh: Lê Toàn Doanh nghiệp bảo hiểm nào cũng muốn đạt thị phần cao. Ảnh: Lê Toàn

Căn bệnh kinh niên…

Tại Đại hội đồng cổ đông Công ty cổ phần PVI (PVI Holding) diễn ra đầu tuần qua, trả lời câu hỏi của cổ đông về vấn đề cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường hiện nay, ông Phạm Anh Đức, Phó tổng giám đốc PVI Holding kiêm Tổng giám đốc Bảo hiểm PVI (công ty con của PVI Holdings) cho biết, hiện có 30 hãng bảo hiểm phi nhân thọ đang hoạt động tại Việt Nam, trong đó nhiều hãng áp dụng các giải pháp cạnh tranh phi truyền thống, bao gồm cả giảm phí bảo hiểm. Do đó, ngoài việc đảm bảo chất lượng dịch vụ, Bảo hiểm PVI cũng phải tính đến cung cấp các sản phẩm bảo hiểm với giá thành cạnh tranh hơn.

“Điều này sẽ ảnh hưởng phần nào đến doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Bảo hiểm PVI cũng xác định, sự cạnh tranh trên thị trường sẽ còn gắt gao hơn trong thời gian tới nên Công ty sẽ đẩy mạnh khai thác các thị trường ngách để gia tăng thị phần”, ông Đức nói và cho biết thêm, tính đến hết quý I/2022, Bảo hiểm PVI vẫn duy trì được 20% thị phần bảo hiểm phi nhân thọ.

Được biết, năm 2022, PVI Holdings đặt mục tiêu kinh doanh thận trọng với tổng doanh thu hợp nhất tăng nhẹ 4,9% so với thực hiện năm 2021 lên mức 11.652 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận trước thuế giảm mạnh 17,26% về mức 911 tỷ đồng. Tỷ lệ cổ tức năm 2022 dự kiến là 25% - cũng giảm mạnh so với mức 33% bằng tiền mặt của năm 2021. Một trong những lý do khiến PVI Holdings thận trọng trong năm 2022 là chi phí bồi thường bảo hiểm có thể tăng lên làm ảnh hưởng tới lợi nhuận, bởi khi dịch bệnh đã được kiểm soát, mọi người và phương tiện ra đường nhiều hơn nên rủi ro tai nạn sẽ lớn hơn, từ đó làm tăng chi phí bồi thường.

Tương tự, tại Bảo hiểm Bưu điện (PJICO), trong tờ trình Đại hội đồng cổ đông, Tổng giám đốc Nguyễn Thị Hương Giang cũng nêu rõ, trong năm 2022, các công ty bảo hiểm vẫn sẽ cạnh tranh khốc liệt thông qua việc hạ phí bảo hiểm, tăng chi phí, mở rộng điều kiện điều khoản bảo hiểm để lấy lại tăng trưởng, thị phần bị sụt giảm trong giai đoạn 2020-2021.

Trên thực tế, cạnh tranh bằng cách hạ phí bảo hiểm giữa hãng bảo hiểm với nhau, giữa các đơn vị thành viên (chi nhánh…) hay tại cùng một công ty bảo hiểm vốn là “căn bệnh kinh niên” tồn tại trên thị trường nhiều năm qua, tới nay vẫn chưa có “thuốc” trị dứt điểm, cho dù đã được các doanh nghiệp cũng như cơ quan quản lý đưa ra bàn luận nhiều. Hệ lụy là chất lượng phục vụ khách hàng tại các công ty bảo hiểm đi xuống, giảm hiệu quả từ hoạt động lõi là kinh doanh bảo hiểm, tác động tiêu cực tới tình hình tài chính của nhà bảo hiểm…

Thảo luận về vấn đề này, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, theo báo cáo của Bộ Tài chính, một trong những tồn tại của thị trường bảo hiểm hiện nay là sự cạnh tranh phi kỹ thuật giữa các doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh của doanh nghiệp bảo..., trong đó việc hạ phí bảo hiểm là một trong những nguyên nhân gây ra thua lỗ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng thanh toán của nhà bảo hiểm.

Tuy nhiên, dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi lại chưa có quy định cụ thể để khắc phục tồn tại này. Do đó, Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát, nghiên cứu đề xuất bổ sung các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn thị trường, phòng ngừa rủi ro và bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp, người tham gia bảo hiểm.

Theo đó, dự thảo đã bổ sung một số quy định nhằm hạn chế tình trạng cạnh tranh phi kỹ thuật bằng cách giảm phí bảo hiểm. Thứ nhất, bổ sung quy định về việc xây dựng cơ sở dữ liệu chung của toàn thị trường do cơ quan quản lý chịu trách nhiệm để làm cơ sở cho các doanh nghiệp bảo hiểm xác định phí bảo hiểm chuẩn, biểu phí sàn, đảm bảo tỷ lệ phí phù hợp với tỷ lệ bồi thường, phí bảo hiểm đưa ra đảm bảo chi trả được các quyền lợi bảo hiểm.

Thứ hai, bổ sung các biện pháp quản lý, giám sát sản phẩm bảo hiểm. Trong đó, về quản lý sản phẩm, doanh nghiệp bảo hiểm phải thực hiện đăng ký cơ sở và phương pháp tính phí bảo hiểm với Bộ Tài chính trước khi thực hiện. Đồng thời, giao Bộ Tài chính hướng dẫn phương pháp tính phí bảo hiểm, quy định về sản phẩm bảo hiểm bắt buộc, về điều kiện bảo hiểm, mức phí bảo hiểm, số tiền bảo hiểm tối thiểu đối với các sản phẩm bảo hiểm bắt buộc.

Thứ ba, dự thảo đã chuyển đổi mô hình quản lý, giám sát khả năng thanh toán sang mô hình vốn trên cơ sở rủi ro với 3 mức can thiệp, bao gồm cả can thiệp sớm tương ứng với tỷ lệ an toàn vốn của doanh nghiệp nhằm đảm bảo an toàn tài chính của doanh nghiệp bảo hiểm nói riêng, đảm bảo an ninh và an toàn của thị trường bảo hiểm nói chung.

Đẩy mạnh khai thác thị trường ngách

Theo các công ty bảo hiểm, việc cạnh tranh bằng hạ phí vẫn sẽ diễn ra ở 2 mảng chủ lực là mảng bảo hiểm xe và bảo hiểm sức khỏe con người vốn được kỳ vọng sẽ tăng trưởng cao trở lại từ năm 2022 khi không còn chịu nhiều ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và nền kinh tế phục hồi tích cực hơn.

Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, kết thúc 2 tháng đầu năm 2022, doanh thu bảo hiểm sức khỏe ước đạt 3.421 tỷ đồng, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm 2021 và chiếm tỷ trọng 30,4% tổng doanh thu toàn thị trường; doanh thu bảo hiểm xe cơ giới ước đạt 3.170 tỷ đồng, tăng 10,1% và chiếm tỷ trọng 28,2%.

Để giảm bớt cạnh tranh nội bộ (giữa các thành viên trong cùng một công ty bảo hiểm với nhau), một số hãng bảo hiểm đã tăng cường tổ chức các hoạt động mang tính kết nối như tổ chức các chương trình team building, phối hợp đào tạo tăng tính đoàn kết..., nhưng bài toán cạnh tranh lành mạnh giữa các nhà bảo hiểm với nhau vẫn chưa có giải pháp khả dĩ bởi nhà bảo hiểm nào cũng muốn có thị phần cao.

Trong bối cảnh đó, nhiều công ty bảo hiểm đặt mục tiêu đẩy mạnh khai thác thêm các thị trường ngách để có thể cải thiện thị phần cũng như tăng cường khả năng cạnh tranh.

Đơn cử, đại diện PJICO cho biết, trong năm 2022, hãng bảo hiểm này sẽ tăng cường triển khai bán bảo hiểm cho các doanh nghiệp FDI tại các khu công nghiệp, các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp vừa và nhỏ, bán bảo hiểm số qua các đại lý lớn như TPBank, Vietcombank Digital, Công ty cổ phần Truyền thông Sông Sáng…

Lãnh đạo Bảo hiểm BIDV (BIC) cũng cho hay, một trong những mục tiêu quan trọng trong năm nay là đẩy mạnh tăng trưởng mảng xe cơ giới và bảo hiểm con người. Dài hạn hơn, đây cũng là 2 mảng hoạt động cần duy trì mức tăng trưởng cao để bù đắp chi phí hoạt động cũng như tỷ lệ bồi thường có xu hướng tăng nhanh như hiện nay.

Tương tự, Bảo hiểm Bảo Việt vừa cho ra mắt một chương trình bảo hiểm sức khỏe mới tích hợp nhiều quyền lợi hơn. Trong năm 2021, nhà bảo hiểm này đã đưa ra thị trường nhiều sản phẩm trên nền tảng trực tuyến như Travel Easy, Flight Easy, E-cargo, E-claim, Baoviet Direct, Baoviet My Doctor… nhằm tạo một hệ sinh thái sản phẩm bảo hiểm khép kín, mang lại trải nghiệm thuận tiện hơn cho khách hàng.

Kim Lan

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục