Mới đây, Chính phủ Myanmar đã tạm thời phê duyệt 5 công ty bảo hiểm đa quốc gia, bao gồm Prudential (Anh), Dai-ichi Life Holdings (Nhật Bản), Manulife (Canada), AIA (Hồng Kông) và Chubb (Hoa Kỳ) được phép thành lập các công ty con thuộc sở hữu 100% tại Myanmar - một trong những quốc gia có tỷ lệ thâm nhập bảo hiểm còn rất thấp.
5 công ty này dự kiến sẽ bắt đầu hoạt động vào cuối năm nay, sau khi hoàn thành thủ tục thành lập các công ty con. Trong khi đó, các tập đoàn bảo hiểm khác cũng đang xem xét kế hoạch xin phép thành lập liên doanh tại thị trường này.
Theo các chuyên gia kinh tế, việc các công ty bảo hiểm đa quốc gia với hoạt động được thiết lập bài bản tham gia thị trường sẽ gia tăng sức cạnh tranh cho thị trường bảo hiểm địa phương, hiện đang có quy mô khá nhỏ. Các công ty bảo hiểm dự báo, quy mô thị trường bảo hiểm Myanmar sẽ tăng vọt gấp 100 lần, đạt giá trị 1,3 tỷ USD trong 10 năm tới.
Tập đoàn Chubb là một trong năm doanh nghiệp bảo hiểm được cấp giấy phép sau quá trình xem xét, đánh giá gắt gao của Chính phủ Myanmar. Sự có mặt của Chubb tại Myanmar đã góp phần gia tăng đáng kể sự hiện diện của Công ty trên khắp khu vực châu Á - Thái Bình Dương, bao gồm hoạt động bảo hiểm nhân thọ ở 6 quốc gia và vùng lãnh thổ, cũng như hoạt động bảo hiểm chung tại 13 thị trường.
Trong khu vực, Chubb có hơn 240 văn phòng, gần 6.000 nhân viên và 37.000 đại lý độc quyền. Tại Trung Quốc, gần đây, Công ty đã tuyên bố gia tăng tỷ lệ sở hữu cổ phần để trở thành cổ đông lớn nhất tại Tập đoàn Huatai, chuyển đổi công ty mẹ của tập đoàn dịch vụ tài chính này thành một công ty liên doanh có vốn đầu tư nước ngoài theo pháp luật Trung Quốc.
Mảng kinh doanh bảo hiểm của Tập đoàn Huatai có hơn 600 chi nhánh và 11 triệu khách hàng, bao gồm Huatai Life - công ty bảo hiểm nhân thọ với 43.000 đại lý. Trong khi đó, tại Việt Nam, thời gian gần đây, Chubb Life Việt Nam bắt đầu mở rộng hoạt động kinh doanh đến nhiều tỉnh thành với các văn phòng mới được mở liên tục.
Châu Á cũng được coi là địa bàn chiến lược của Dai-ichi Life, một trong những tập đoàn bảo hiểm niêm yết lớn nhất của Nhật Bản. Hãng bảo hiểm này đang tìm kiếm lợi thế tại các thị trường mới nổi như một phần trong chiến lược mở rộng ra nước ngoài. Ngoài việc xâm nhập vào thị trường Myanmar, Dai-ichi Life đã thành lập một công ty con thuộc sở hữu hoàn toàn của Tập đoàn tại Campuchia.
Trong khi đó, ở Việt Nam, sau 12 năm hoạt động, hãng bảo hiểm này đã xây dựng mạng lưới kinh doanh ổn định, giữ vị trí thứ ba trên thị trường với 290 văn phòng “phủ sóng” khắp 63 tỉnh thành tại Việt Nam. Kết thúc năm 2018, doanh thu khai thác mới của Dai-ichi Việt Nam đạt trên 5.000 tỷ đồng, tăng 42% so với năm 2017, vươn lên vị trí dẫn đầu về thị phần doanh thu khai thác mới trong khối các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ nước ngoài tại Việt Nam.
Nhấn mạnh sự hiện diện của mình ở thị trường châu Á, tại cột mốc 10 năm, Hanwha Life Việt Nam - một hãng bảo hiểm đến từ Hàn Quốc cũng xác định không chỉ hướng đến mục tiêu trở thành một trong những công ty bảo hiểm nhân thọ có chất lượng dịch vụ hàng đầu, mở rộng mạng lưới phục vụ, phát triển sản phẩm đáp ứng được nhu cầu khách hàng, mà còn coi Việt Nam là “bàn đạp” để tiếp tục phát triển sang các thị trường khác trong khu vực Ðông Nam Á.
Theo ông Back Jong Kook, Chủ Tịch HÐTV kiêm Tổng giám đốc Hanwha Life Việt Nam, với sự hỗ trợ đắc lực từ Tập đoàn, Hanwha Life Việt Nam sẽ là “cứ điểm” để Tập đoàn Hanwha phát triển và đầu tư sang các thị trường khác trong khu vực.
Ðể chuẩn bị cho mục tiêu lớn hơn là sẽ có mặt ở nhiều quốc gia Ðông Nam Á khác như Lào, Campuchia, Myanmar..., hãng bảo hiểm này nhiều năm qua đã đầu tư mạnh vào chiến lược con người. Theo đó, những nhân sự cốt lõi tại thị trường Việt Nam cũng sẽ sớm trở thành “hạt giống” cho các thị trường khác của Hanwha Life trong khu vực.