“Trong vòng 10 năm qua, thị trường tiêu dùng Ấn Độ đã thu hút được sự quan tâm lớn của nhiều nhà đầu tư. Đáng chú ý trên phương diện quy mô dân số, triển vọng tăng trưởng nhanh trong thu nhập thực tế và các dịch vụ tài chính tốt hơn”, Shilan Shah, nhà kinh tế Ấn Độ tại Capital Economics cho biết.
Các nhân tố này đã kéo tiêu dùng cá nhân của Ấn Độ tăng mạnh trong giai đoạn 2004-2011, song tốc độ tăng trưởng tiêu dùng lại có xu hướng giảm và tăng trưởng nhập khẩu hàng tiêu dùng đang chậm lại.
Một trong những nguyên nhân chủ yếu được giới phân tích chỉ ra là sự đánh giá không đúng về quy mô của tầng lớp trung lưu Ấn Độ. Do vẫn còn hàng trăm triệu người dân tại quốc gia Nam Á này chưa được tiếp cận nước sạch và nhu cầu vệ sinh cơ bản, thị trường tiêu dùng Ấn Độ vẫn chỉ tập trung chủ yếu vào các sản phẩm “giá rẻ” cho khách hàng. Điều này một phần có thể xuất phát từ cuốn sách “The Fortune at the Bottom of the Pyramid” (tạm dịch: Kho báu ở dưới đáy Kim tự tháp), của C.K. Prahalad, xuất bản năm 2004, trong đó khuyến khích các công ty hướng tới khai thác đối tượng người tiêu dùng cấp thấp tại các thị trường mới nổi nhằm cung cấp các sản phẩm giá rẻ.
Hiện tại, đây lại là cách tiếp cận sai lầm đối với tầng lớp trung lưu Ấn Độ, Dheeraj Sinha, chiến lược gia tại Tập đoàn WPP của Ấn Độ nhận định. “Ấn Độ thực sự là một thị trường có khát vọng và nhu cầu, không chỉ với hàng hóa giá rẻ. Vì vậy, thậm chí ngay cả ở đáy của kim tự tháp, người tiêu dùng Ấn Độ vẫn muốn được sở hữu những sản phẩm tốt hơn. Họ muốn những chiếc xe bóng bẩy hơn, những chiếc điện thoại di động thời trang hơn. Chúng ta cần đem tới cho họ những sản phẩm và dịch vụ, để khiến người tiêu dùng Ấn Độ cảm thấy họ đang tiến tới một nấc thang mới, chứ không phải là hạ cấp xuống”.
Để minh chứng, chiến lược gia này so sánh Samsung, Tập đoàn đã làm rất tốt chiến lược kinh doanh của mình tại Ấn Độ bằng cách giới thiệu nhiều dòng sản phẩm điện thoại di động thông minh quốc tế của mình, trong khi Nokia đã “sẩy chân” khi cố gắng đem tới thị trường Ấn Độ một mẫu điện thoại mới, song đó không thực sự là một smartphone.
Thị trường tiêu dùng Ấn Độ bề ngoài có vẻ rất khó để khai thác, song cơ hội để tiếp cận lượng khách hàng tiềm năng tại quốc gia này là rất lớn. Nhà kinh tế Shilan Shah tại Capital Economics cho rằng: “Ngay cả trong những kịch bản khó khăn nhất, chúng tôi ước tính thị trường tiêu dùng Ấn Độ có thể trị giá gần 3.000 tỷ USD vào năm 2030, cao hơn gấp đôi so với các mức hiện tại”.
Tập đoàn bán lẻ Godrej Group của Ấn Độ, hãng cung cấp đa dạng các sản phẩm, từ cái khóa cho đến đồ gia dụng, đã từ lâu đã hướng tới thị trường tiêu dùng nước này, đồng thời nhìn nhận hàng loạt lĩnh vực vẫn chưa được khai thác. “Cơ hội tại những thị trường đang phát triển và đặc biệt tại Ấn Độ là rất lớn, bởi vẫn còn nhiều loại sản phẩm chưa tiếp cận được khách hàng. Vì vậy, chúng tôi sẽ đưa sản phẩm của hãng tới nhiều gia đình Ấn Độ hơn nữa trong vòng 10-20 năm tới”, Adi Godrej, Chủ tịch Godrej Group khẳng định.
Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa các công ty tiêu dùng không phải đối mặt với những “trận gió ngược” khi mở rộng doanh số bán của mình. Kishore Biyani, nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành hãng sản xuất hàng tiêu dùng Future Group cho rằng, nhu cầu mua hàng chất lượng cao của người dân Ấn Độ đã lớn hơn, vì thế hãng đang tập trung vào các sản phẩm như thực phẩm, thời trang và đồ gia dụng. Vấn đề là để cung cấp lượng hàng nhiều như vậy, hãng vẫn chưa có các cơ sở sản xuất đủ lớn tại Ấn Độ. Đó là còn chưa kể đến sự cạnh tranh từ các nhà bán lẻ nước ngoài đang xâm nhập thị trường Nam Á này.