Thi công dự án chưa có giấy phép, nhà thầu cầm dao đằng lưỡi

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Các nhà thầu xây dựng từng có bài học sâu sắc từ Dự án B5 Cầu Diễn. Đây là dự án chủ đầu tư rao bán khi chưa được phê duyệt quy hoạch, chưa được cấp phép xây dựng. 
Thi công dự án chưa có giấy phép, nhà thầu cầm dao đằng lưỡi

Có 36 nhà thầu đã thi công các hạng mục và nhận số tiền 72 tỷ đồng. Sau phán quyết của tòa án năm 2018, các nhà thầu buộc phải trả lại số tiền cho chủ đầu tư để đảm bảo nghĩa vụ thi hành án và được quyền khởi kiện với chủ đầu tư bằng vụ án dân sự khác. 

Dự án chưa được cấp giấy phép xây dựng song Công ty cổ phần Đô thị Kang Long đã ký hợp đồng thi công với nhà thầu, dẫn đến vụ kiện kéo dài gần 10 năm nay.

Công ty cổ phần Đô thị Kang Long là chủ đầu tư tòa nhà ở dịch vụ công cộng và căn hộ để bán HongKong Tower (địa chỉ 243A Đê La Thành, quận Đống Đa, Hà Nội).

Dự án được khởi công từ năm 2014 và hoàn thành vào quý IV/2017. Mặc dù tòa nhà đã đi vào hoạt động hơn 3 năm nay nhưng chủ đầu tư vẫn vướng vụ kiện suốt gần 10 năm qua với nhà thầu đầu tiên là Công ty TNHH Kỹ thuật xây dựng Đồng Phong.

Theo đơn khởi kiện, hai bên ký kết hợp đồng thi công hạng mục cọc đại trà và tường vây dự án HongKong Tower vào ngày 2/9/2009 với giá trị 91 tỷ đồng. Ngay sau khi ký hợp đồng, Công ty Đồng Phong đã đưa máy móc, vật liệu vào công trình. Ngày 12/10/2009, nhà thầu bắt đầu thi công.

Tuy nhiên, thời điểm đó, dự án chưa có giấy phép xây dựng. Chủ đầu tư đang làm việc với các cơ quan chức năng để hoàn thiện hồ sơ pháp lý. 

Đến ngày 18/11/2009, Công ty Đồng Phong đã tạm dừng thi công và ngày 23/3/2010 thì có văn bản đề nghị đưa máy móc ra khỏi công trường và yêu cầu chấm dứt hợp đồng thi công.

Hai bên đã thanh quyết toán xong tiền thi công đường dẫn, còn một số khoản chi phí không nằm trong đơn giá chủ đầu tư không chấp nhận thanh toán.

Công ty Đồng Phong đã khởi kiện ra tòa án, yêu cầu Công ty Kang Long phải thanh toán số tiền hơn 11,6 tỷ đồng từ hợp đồng thi công nền móng và lãi suất chậm thanh toán (trong thời gian 9 năm 5 tháng).

Năm 2019, yêu cầu trên không được tòa sơ thẩm chấp thuận. Nhà thầu tiếp tục kháng cáo lên tòa phúc thẩm. Số tiền yêu cầu lên đến hơn 16 tỷ đồng. Giữa tháng 8/2020, Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội đã xem xét đơn kháng cáo của nhà thầu.

Những chi phí hạng mục mà nhà thầu đưa ra gồm chi phí nhân công, thuê máy móc, mua nguyên vật liệu như ống nhựa, dầu diesel…

Nhà thầu cho rằng, hợp đồng ký kết giữa hai bên là trọn gói đơn giá nên công tác chuẩn bị thi công không nằm trong đơn giá hợp đồng. 

Để làm rõ các chi phí trên, tòa án đã yêu cầu Công ty Đồng Phong xuất trình các tài liệu như bảng chấm công, bảng lương của chuyên gia nước ngoài và người lao động; hóa đơn mua vật liệu…

Công ty không cung cấp được bảng trả lương cho các chuyên gia nước ngoài, người lao động; không có tài liệu trả tiền thuê máy móc. Công ty thừa nhận đa số máy móc đưa vào công trường là tài sản cố định của Công ty.

Ngoài ra, lý do chậm trễ giấy phép xây dựng còn xuất phát từ nguyên nhân thay đổi chính sách. Vào ngày 9/12/2009, Văn phòng Chính phủ có Công văn số 348/TB-VPCP, thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2025.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND TP. Hà Nội chỉ đạo dừng ngay việc phá các nhà biệt thự cũ và xây dựng các tòa nhà cao tầng trong khu vực trung tâm.

Cơ quan tố tụng cho rằng, khi ký hợp đồng các bên đều biết rõ dự án chưa được cấp phép xây dựng, trong đó có lý do khách quan là thay đổi chính sách.

Đến khi dự án được cấp phép, chủ đầu tư yêu cầu nhà thầu tiếp tục thi công. Hai bên không thống nhất thay đổi giá trị hợp đồng. Công ty Đồng Phong đã từ chối thi công. Điều này thể hiện doanh nghiệp đã chủ động từ bỏ công việc của mình. Mặt khác, những công việc mà Công ty Đồng Phong thực hiện sau đó đã bị phá dỡ.

Từ lý do trên, tòa án đã không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của Công ty Đồng Phong. Sau nhiều năm kiện tụng, nhà thầu không đạt kết quả như mong muốn.           

Theo Luật sư Nguyễn Văn Thái, mặc dù pháp luật không quy định cụ thể bên nhận thầu phải có nghĩa vụ biết rõ hồ sơ pháp lý của dự án nhưng với doanh nghiệp có tư cách pháp nhân, có năng lực, chuyên nghiệp phải biết rằng, để triển khai thì dự án phải có giấy phép. Việc các nhà thầu ký kết hợp đồng với đơn vị đứng ra với tư cách là chủ đầu tư còn có nguy cơ bị tuyên bố hợp đồng dân sự vô hiệu.

Đỗ Mến

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục