Nhà thầu ngoại “chết lâm sàng”, chủ đầu tư Việt lao đao

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Vụ tranh chấp liên quan tới chủ  tòa nhà HD Buiding là CTCP Hiền Ðức và nhà thầu là Công ty TNHH Thiết kế và xây dựng Pacific Links.
Nhà thầu ngoại  “chết lâm sàng”, chủ đầu tư Việt lao đao

Báo Ðầu tư Chứng khoán số 83 (ra ngày 10/7/2020) đã phản ánh vụ việc tranh chấp hợp đồng tư vấn thiết kế giữa chủ đầu tư tòa nhà HD Buiding là CTCP Hiền Ðức và nhà thầu là Công ty TNHH Thiết kế và xây dựng Pacific Links. Các bên kiện cáo nhau về việc thanh toán khoản tiền 5,6 tỷ đồng gần 10 năm nay.

Trong khi khoản công nợ chưa được giải quyết dứt điểm thì một tình huống pháp lý phát sinh. Công ty Hiền Ðức cho rằng, Pacific Links hiện không còn hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký và tạm dừng kinh doanh từ 5 năm nay, nhưng chưa bị thu hồi giấy phép.

Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an) cung cấp thông tin, Tổng giám đốc kiêm đại diện theo pháp luật của Pacific Links là ông Mahardjo Lila Santoso đã xuất cảnh từ năm 2014 và “không có thông tin liên quan đến việc nhập, xuất cảnh giai đoạn 2015-2019”.

Công ty Hiền Ðức đã nhiều lần đề nghị tòa sơ thẩm gửi công văn yêu cầu cơ quan có thẩm quyền thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của Pacific Links, nhưng không được chấp thuận. Tình tiết này đặt ra câu hỏi, liệu giấy ủy quyền của Pacific Links cho ông Lưu Tiến Dũng và Ngô Thái Ninh tham gia tố tụng có còn hợp pháp bởi không có hợp pháp hóa lãnh sự?

Tại phiên tòa phúc thẩm cuối tháng 6/2020 vừa qua, Công ty Hiền Ðức tiếp tục đề nghị Sở Kế hoạch và Ðầu tư TP. Hà Nội thu hồi giấy chứng nhận đầu tư của Pacific Links, yêu cầu tòa án tạm dừng phiên tòa để xác minh địa chỉ doanh nghiệp.

Tuy nhiên, tòa án không chấp nhận yêu cầu này vì theo công văn ngày 4/5/2018 của Sở Kế hoạch và Ðầu tư TP. Hà Nội, đến ngày 4/5/2018, Sở chưa nhận được văn bản xin chuyển trụ sở, giải thể doanh nghiệp hoặc điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư của Pacific Links. Sở đã lập danh mục dự án thực hiện giám sát đầu tư và phối hợp với Cục thuế Hà Nội để xử lý doanh nghiệp không có tại địa điểm đăng ký.

Ðể làm rõ cơ sở pháp lý, bản chất, quy trình, thủ tục thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, ngày 11/5/2018, tòa án có công văn tới Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương và được phúc đáp với nội dung “doanh nghiệp sau khi bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh sẽ được coi là đang trong quá trình giải thể; doanh nghiệp, người quản lý doanh nghiệp và người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp vẫn tiếp tục thực hiện các quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm có liên quan”. Do đó, tòa án không chấp nhận yêu cầu xác minh địa chỉ của Pacific Links.

Còn về vấn đề ủy quyền, tòa xác định, Pacific Links có người đại diện pháp luật là người nước ngoài, nhưng công ty là pháp nhân Việt Nam.

Việc lập giấy ủy quyền cho cá nhân, đã được đóng dấu của pháp nhân là hợp pháp và không thuộc trường hợp bị điều chỉnh theo quy định của Ðiều 478 - Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 (công nhận giấy tờ, tài liệu do cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài gửi cho tòa án Việt Nam), tức là tư cách tố tụng của 2 người đại diện vẫn được đảm bảo.

Với các lý do trên, tòa án tiếp tục giải quyết vụ việc theo trình tự phúc thẩm, với quyết định buộc Công ty Hiền Ðức (là bên đòi nợ) trở thành bên phải thanh toán cho Pacific Links số tiền 4 tỷ đồng (đợt 3 theo hợp đồng và khoản lãi phát sinh).

Hiện nay, chưa rõ nội dung và phạm vi ủy quyền của ông Lưu Tiến Dũng và Ngô Thái Ninh đến đâu, song đây là một tình huống pháp lý khá đặc biệt.

Theo quy định, doanh nghiệp ngừng hoạt động kinh doanh 1 năm mà không thông báo với cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế sẽ bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (Ðiều 211 - Luật Doanh nghiệp 2014 và Khoản 26, Ðiều 1 - Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế).

Trường hợp bị thu hồi, doanh nghiệp phải giải thể trong thời hạn 10 ngày. Nếu còn các nghĩa vụ tài chính chưa thanh toán, doanh nghiệp phải lên phương án giải quyết nợ. Sau 6 tháng mà cơ quan đăng ký kinh doanh không nhận được hồ sơ giải thể thì doanh nghiệp đó coi như đã được giải thể.

Luật sư Vũ Ngọc Chi cho rằng, việc một đối tác yêu cầu thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của một doanh nghiệp là “làm khó” cho cơ quan quản lý. Trên thực tế, số lượng doanh nghiệp lâm vào tình trạng tạm ngưng hoạt động không phải là nhỏ.

Cơ quan quản lý không thể “can thiệp” vào quá trình “khai tử” một doanh nghiệp vì còn liên quan đến các nghĩa vụ tài chính.

Còn một bản án có thể thi hành được hay không chủ yếu phụ thuộc vào tài sản của doanh nghiệp còn hay đã hết. Ðặt trường hợp chủ doanh nghiệp ở nước ngoài, nhưng nếu phải chịu trách nhiệm thì cơ quan tố tụng vẫn có ủy thác tư pháp để yêu cầu trả nợ.

Hà Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục