Ngòi nổ cuộc chiến thương mại?
Tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc áp thuế cao đối với thép, nhôm nhập khẩu đã khiến thị trường thép thế giới dậy sóng.
Trong đó, các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU), một số nước thuộc khu vực châu Á đã quyết liệt lên tiếng. Đáng chú ý, đối tác thương mại lớn nhất trong lĩnh vực này của Mỹ là Trung Quốc lại chưa “ho” tiếng nào.
Ông Phan Thế Ruệ, nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại, người có nhiều năm tham gia các cuộc đàm phán, xây dựng các thỏa thuận thương mại song phương, đa phương của Việt Nam với thế giới nhận định, cách đây mấy tháng, Trung Quốc đã thấy tín hiệu tăng thuế của Mỹ, ngay lập tức họ đã lách luật bằng cách thông qua nước thứ ba để xuất khẩu vào Mỹ.
Theo số liệu của Hiệp hội Thép thế giới, mỗi năm Mỹ tiêu thụ tới 100 triệu tấn thép, trong đó 1/3 phải dùng tới hàng nhập khẩu; Mỹ tiêu thụ 5,5 triệu tấn nhôm, nhưng phải nhập 90%.
Là nước nhập khẩu thép lớn nhất thế giới và giá thành sản xuất thép của Mỹ cao nhất thế giới, nên việc nhập khẩu thép của Trung Quốc - là nước sản xuất thép lớn nhất và giá thành rẻ nhất thế giới, cho thấy việc đối phó của các bên cần lâu dài.
Ông Donald Trump sẽ xem xét và ban hành quyết định cuối cùng về áp dụng hoặc không áp dụng, mức độ áp dụng biện pháp hạn chế nhập khẩu đối với thép (trước ngày 11/4/2018) và với nhôm (trước ngày 19/4/2018).
Song, Liên minh châu Âu (EU) đã lên kế hoạch chi tiết khiến hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ phải tổn thất tới 3,5 tỷ USD (tương đương với giá trị số nhôm và thép của EU ước tính bị thiệt hại do ông Trump tăng thuế).
Thậm chí, EU tuyên bố sẽ trả đũa các mặt hàng của Mỹ nhập vào EU nhiều như táo, rượu ngô, quần bò, nước cam, xe máy…
Điều này cho thấy, tốc độ phản ứng mạnh mẽ với các giải pháp quyết liệt nhanh chóng để bảo vệ lợi ích của EU. Vài ngày tới, EU sẽ họp bàn các giải pháp đối phó với Mỹ. EU sẽ không ngồi chờ để nhìn hàng ngàn việc làm trong ngành thép ở đây bị ảnh hưởng.
EU đang quan sát chặt chẽ, nếu thấy hiện tượng sản phẩm Mỹ nhập vào EU bất thường, họ sẽ có biện pháp tự vệ, xem Mỹ có vi phạm quy định WTO. Trong trường hợp này, EU có thể một mặt yêu cầu cơ quan giải quyết tranh chấp của WTO vào cuộc, một mặt có thể áp dụng biện pháp tự vệ theo đúng luật chơi WTO.
Thép Việt hứng đòn?
Cùng với làn sóng phản đối quyết liệt của thị trường thép thế giới, Việt Nam cũng đã có những động thái, nhưng ở độ mềm dẻo hơn rất nhiều.
Vụ việc này, ngay từ giai đoạn ban đầu, Bộ Công thương đã theo dõi và phối hợp chặt chẽ với Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), các doanh nghiệp và các đơn vị liên quan trong và ngoài nước để trao đổi, chia sẻ thông tin và tìm biện pháp ứng phó.
Việc nhập khẩu thép và nhôm từ Việt Nam chỉ chiếm một tỷ trọng không đáng kể trong tổng nhập khẩu thép và nhôm của Mỹ. Có nghĩa là, trước mắt, các doanh nghiệp sản xuất thép, nhôm Việt Nam chưa bị ảnh hưởng lớn.
Song, ông Ruệ cho rằng, về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến chiến lược đầu tư sản xuất của doanh nghiệp Việt Nam. Nếu Mỹ áp dụng kéo dài mức thuế (tối thiểu 24% theo phương án 3, là phương án áp thuế thấp nhất) thì rõ ràng các ông trùm thép Việt khó cạnh tranh vào thị trường này.
Theo ông Hồ Nghĩa Dũng, Chủ tịch VSA, ngay từ khi có thông tin, Hiệp hội và doanh nghiệp đã thảo luận và có thư gửi thẳng Bộ Thương mại Mỹ, thuê luật sư Mỹ tư vấn. VSA cũng có thư gửi Bộ Công thương đề nghị có phản ứng và có biện pháp hỗ trợ ngành thép.
Nếu Mỹ áp dụng kéo dài mức thuế (tối thiểu 24% theo phương án 3, là phương án áp thuế thấp nhất) thì rõ ràng các ông trùm thép Việt khó cạnh tranh vào thị trường này.
“VSA cũng sẽ tìm kiếm hợp tác với một số nước có hoàn cảnh tương tự để tham vấn và phối hợp trong tất cả giai đoạn. Nếu tham vấn và hòa giải không đạt, có thể xem xét phối hợp để kiện ra WTO. Khi đó, chúng tôi sẽ có kiến nghị cụ thể với Chính phủ và Bộ Công thương”, ông Dũng nói.
Đại diện Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương) cho biết, Bộ Công thương đề nghị Chính phủ nước này cân nhắc kỹ việc áp dụng các biện pháp hạn chế nhập khẩu nêu trên. Việc này cũng nhằm đảm bảo tuân thủ các quy định của WTO và thông lệ quốc tế, không làm ảnh hưởng đến quan hệ thương mại đang phát triển tốt đẹp giữa hai nước.n
Như vậy, trong cuộc chiến này, việc áp dụng công cụ phòng vệ thương mại như Mỹ có 2 rủi ro có thể xảy ra.
Thứ nhất, áp không đúng theo quy định của WTO và các hiệp định mà Mỹ đã tham gia sẽ bị các nước khiếu nại, thậm chí khởi kiện Chính phủ Mỹ.
Thứ hai, quá thiên về quyền lợi của bên sản xuất, coi nhẹ quyền lợi người tiêu dùng, dẫn đến bảo vệ quá mức, hay nói cách khác là bảo hộ trá hình. Đây cũng là điều Việt Nam cần cân nhắc kỹ trước khi áp dụng các công cụ phòng vệ thương mại.