Thép vẫn nặng áp lực

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nửa đầu tháng 8, giá thép đã có 2 đợt điều chỉnh giảm, nâng tổng số lần giảm kể từ ngày 11/5/2022 lên con số 13, do chịu nhiều áp lực.
Giá thép có khả năng tiếp tục giảm Giá thép có khả năng tiếp tục giảm

Nhu cầu giảm, tồn kho tăng

Trong 3 tháng qua, mức giảm của giá thép là 4 - 5 triệu đồng/tấn, hiện dao động trong khoảng 14 - 16 triệu đồng/tấn, tùy loại thép và thương hiệu.

Nguyên nhân khiến giá thép trong nước liên tục giảm là do giá phôi thép và nguyên vật liệu đầu vào trên thế giới đi xuống. Tính riêng quý II/2022, giá quặng sắt, thép phế, than cốc giảm 40 - 50%.

Bên cạnh đó, nhu cầu thép cả trong và ngoài nước đều suy yếu. Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, lượng sắt thép các loại xuất khẩu của cả nước trong tháng 7/2022 là 613.454 tấn, giảm 28,7% so với tháng 6. Lũy kế 7 tháng đầu năm 2022, lượng sắt thép xuất khẩu giảm hơn 22% so với cùng kỳ năm 2021.

Về thị trường trong nước, theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), trong tháng 7/2022, tiêu thụ thép các loại là 1,99 triệu tấn, giảm 11,48% so với tháng 6 và giảm 12,1% so với cùng kỳ năm 2021. Tính chung 7 tháng đầu năm 2022, tiêu thụ thép thành phẩm đạt 17,1 triệu tấn, giảm 1,2% so với cùng kỳ năm 2021.

Đáng lưu ý, Trung Quốc là thị trường xuất nhập khẩu thép lớn nhất của Việt Nam, nhưng ngành công nghiệp thép nước này đang bước vào giai đoạn bấp bênh do ảnh hưởng từ thị trường bất động sản ngày càng trầm lắng, kéo theo nhu cầu thép đi xuống.

Việc nhiều người mua nhà từ chối thanh toán đối với các căn hộ chưa hoàn thiện tại Trung Quốc và cuộc khủng hoảng nợ bất động sản từ năm trước có ảnh hưởng lớn đến lĩnh vực thép. Goldman Sachs nhận định, nhu cầu thép sẽ giảm 5% trong năm nay, vì lĩnh vực bất động sản chiếm ít nhất một phần ba nhu cầu thép của Trung Quốc.

Ông Li Ganpo, nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Hebei Jingye Steel Group cảnh báo, khoảng thời gian khó khăn đối với ngành thép có thể kéo dài 5 năm, khiến một phần ba số nhà máy thép tại Trung Quốc có nguy cơ bị phá sản.

Trong khi đó, nguồn cung thép tại Việt Nam vẫn dồi dào, lượng hàng tồn kho còn nhiều. Tính đến hết tháng 5/2022, lượng thép tồn kho đạt mức cao kỷ lục là 1,49 triệu tấn. Lượng tồn kho tiếp tục gia tăng khi sản lượng sản xuất tháng 6 là 2,4 triệu tấn, sản lượng bán hàng là 2,25 triệu tấn; các con số này trong tháng 7 lần lượt là 2,252 triệu tấn và 1,99 triệu tấn.

Ba rủi ro đáng lưu ý

Theo VSA, giá thép trong nước giảm theo xu hướng của thế giới do nhu cầu và giá nguyên liệu đầu vào đều giảm. Hầu hết các nhà máy thép đang ở trong tình trạng khó khăn do hàng tồn kho giá cao, mức độ cạnh tranh ngày càng gay gắt.

Trong khi đó, triển vọng xuất khẩu thép những tháng cuối năm khá ảm đạm, trong bối cảnh các thị trường khác trên thế giới cũng đang tìm kiếm thêm thị trường và đẩy mạnh xuất khẩu như Campuchia, Hồng Kông (Trung Quốc), Canada, Mỹ.

VSA nhận định, giá thép thời gian tới có khả năng tiếp tục giảm, bởi từ tháng 7 đến tháng 9 là giai đoạn mưa nhiều, ảnh hưởng đến tiến độ các công trình xây dựng. Nhu cầu thép xây dựng vốn đang ở mức thấp lại thêm tác động của thời tiết sẽ ảnh hưởng đến tình hình tiêu thụ.

Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam cho rằng, ngành bất động sản sẽ khó hồi phục như kỳ vọng trong nửa cuối năm 2022 do áp lực lạm phát và chính sách kiểm soát tín dụng bất động sản. Theo đó, ngành thép sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp cả về sản lượng sản xuất và tiêu thụ.

Một số rủi ro, thách thức mà ngành thép có thể phải đối mặt từ nay đến cuối năm 2022 là giá nguyên liệu biến động, trong khi chi phí nguyên liệu chiếm 65 - 75% giá thành sản xuất và đa phần phải nhập khẩu; lạm phát khiến giá vật liệu xây dựng tăng, dẫn tới nhu cầu xây dựng giảm; các nhà sản xuất thép của Trung Quốc đẩy mạnh xuất khẩu...

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, trong tháng 7/2022, nước này xuất khẩu 6,7 triệu tấn thép, giảm 12% so với tháng 6, nhưng tăng gần 18% so với cùng kỳ năm 2021. Ngược lại, sản lượng nhập khẩu tháng 7 chỉ đạt 789.000 tấn, giảm nhẹ so với tháng 6, nhưng giảm gần 25% so với cùng kỳ năm ngoái.

Bộ phận Phân tích và Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI Research) dự báo, xuất khẩu thép của Việt Nam có thể giảm tốc trong 2 quý cuối năm 2022, nhất là mảng tôn mạ. Những tháng gần đây, sản lượng xuất khẩu tôn mạ hàng tháng ở mức thấp do nhu cầu giảm ở các thị trường xuất khẩu chủ chốt như Mỹ, EU.

SSI Research dự phóng, lợi nhuận năm 2022 của một số doanh nghiệp thép niêm yết sẽ giảm mạnh so với năm 2021 như HPG là 26.500 tỷ đồng, giảm hơn 23%; HSG là 1.400 tỷ đồng, giảm 67%; NKG là 1.350 tỷ đồng, giảm 39%...

Tính đến cuối quý II/2022, một số doanh nghiệp thép niêm yết có giá trị hàng tồn kho cao là HPG với 58.316 tỷ đồng, HSG với 12.503 tỷ đồng, TVN với 8.141 tỷ đồng, NKG với 7.894 tỷ đồng, POM với 5.287 tỷ đồng, TLH với 2.952 tỷ đồng; tổng cộng tăng khoảng 20.000 tỷ đồng so với cuối quý I, phần lớn đến từ HPG (tăng 17.500 tỷ đồng).

Diệp Anh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục