NKG sẽ tổ chức Ðại hội đồng cổ đông năm 2020 vào ngày 18/6 tới. Theo tài liệu đại hội, doanh nghiệp sẽ báo cáo kết quả kinh doanh năm 2019 với doanh thu là 12.176,8 tỷ đồng, lợi nhuận là 47,3 tỷ đồng, lần lượt giảm 17,8% và 17,5% so với năm 2018. Do trong năm 2019 chỉ đạt được 16% kế hoạch lợi nhuận nên NKG quyết định không chia cổ tức cho cổ đông.
Tuy nhiên, năm 2020, doanh nghiệp lên kế hoạch đạt tổng doanh thu 12.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 200 tỷ đồng, tăng 323% so với thực hiện năm 2019. Dựa trên kế hoạch kinh doanh tăng trưởng mạnh, doanh nghiệp dự kiến chia cổ tức tối đa 10% bằng tiền hoặc cổ phiếu.
Trong tài liệu có nội dung thông qua việc xin từ nhiệm thành viên Hội đồng quản trị của ông Phạm Mạnh Hùng. Thực tế, ông Hùng đã thôi chức danh thành viên HÐQT từ 1/9/2019. Ðược biết, trong tháng 7/2019, NKG có quyết định miễn nhiệm chức vụ Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật với ông Phạm Mạnh Hùng và thay bằng ông Võ Hoàng Vũ.
Ông Vũ được biết đến là thành viên HÐQT Công ty cổ phần Ðầu tư thương mại SMC. Trước khi vào lãnh đạo NKG, cả ông Vũ và SMC đều tăng tỷ lệ sở hữu tại NKG. Hiện ông Vũ đang sở hữu 10,45% cổ phần NKG.
Theo đó, chiến lược phát triển của NKG đang được nhiều nhà đầu tư quan tâm, nhất là trong mối quan hệ với SMC và dự kiến sẽ là điểm nóng được chất vấn tại đại hội.
Thứ nhất, ông Võ Hoàng Vũ và người liên quan hiện nay đã nắm giữ bao nhiêu cổ phần tại NKG. Việc gia tăng tỷ lệ sở hữu của ông Vũ là đại diện cho SMC muốn tăng sở hữu tại NKG hay là việc đầu tư thực hiện bởi cá nhân. Việc kết hợp giữa NKG - doanh nghiệp sản xuất, SMC - doanh nghiệp thương mại có sự bổ trợ cho nhau như thế nào và tại sao SMC quyết tâm chi phối điều hành của NKG.
Thứ hai, việc tái cấu trúc NKG sau khi ông Võ Hoàng Vũ xuất hiện diễn ra như thế nào. Về kết quả kinh doanh, lợi nhuận quý I/2020 đạt 41,5 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 101,6 tỷ đồng, nhưng dòng tiền hoạt động kinh doanh vẫn âm. Cụ thể, dòng tiền hoạt động kinh doanh chính âm 873 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái dương 1.064 tỷ đồng. Tài sản của doanh nghiệp tiếp tục đổ vào tồn kho và khoản phải thu: khoản phải thu tăng 23,2%, lên 1.080,2 tỷ đồng; tồn kho tăng 6,4%, lên 2.756,1 tỷ đồng. Hai khoản mục này chiếm 48,2% tổng tài sản.
Trong khi đó, một doanh nghiệp cùng ngành là Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (HSG) có quá trình tái cơ cấu diễn ra mạnh mẽ bằng việc giảm mạnh số chi nhánh, giảm tồn kho và khoản phải thu trong thời gian ngắn. Dòng tiền hoạt động kinh doanh về trước và lợi nhuận về theo sau.
Câu hỏi đặt ra là, tại sao dòng tiền hoạt động kinh doanh của NKG lại âm lớn và doanh nghiệp dự tính khi nào dòng tiền sẽ dương?
Thứ ba, đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn ra trên thế giới, có diễn biến phức tạp ở nhiều khu vực. Ðược biết, thị trường xuất khẩu của NKG là khu vực Ðông Nam Á, châu Âu, châu Phi, châu Úc, Trung Ðông…, những thị trường đang bị tác động bởi dịch bệnh.
Ngoài ra, Mỹ kiểm soát chặt chẽ hơn với thép nhập khẩu từ Việt Nam để tránh việc các doanh nghiệp tạm nhập vào Việt Nam rồi tái xuất sang Mỹ từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Ðài Loan. Vậy doanh nghiệp đánh giá như thế nào về triển vọng thị trường xuất khẩu trong năm 2020?
Cơ cấu nợ vay của NKG.
Thứ tư, sau giai đoạn liên tục hạ tỷ trọng nợ vay cũng như giá trị vay kể từ năm 2017, thì trong quý I/2020, NKG có nợ vay tăng 16,4%, lên mức 3.598 tỷ đồng. Doanh nghiệp tiếp tục vay nợ để phục vụ hoạt động kinh doanh hay củng cố nguồn lực tài chính nhằm vượt qua khó khăn trong giai đoạn dịch bệnh?