Phải chăng HSG và NKG đang hồi sinh?

(ĐTCK) Sau giai đoạn kinh doanh khó khăn trong năm 2018 và 2019, 2 ông lớn của ngành tôn Việt Nam là CTCP Tập đoàn Hoa Sen (HSG) và CTCP Thép Nam Kim (NKG) vừa công bố báo cáo tài chính quý I/2020 với kết quả kinh doanh rất khả quan. 
Ảnh Internet Ảnh Internet

Ðối với HSG, doanh thu trong quý I đạt 5778,5 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 201 tỷ đồng, tăng trưởng tới 277,9% so với cùng kỳ. Về phía NKG, tuy doanh thu giảm 16,7%, nhưng lãi ròng của Công ty quý này đạt 41,5 tỷ đồng so với con số lỗ 101,6 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.

Kết quả kinh doanh lạc quan như vậy, giá cổ phiếu của 2 doanh nghiệp này tăng mạnh. Từ đầu tháng 4 đến nay, giá cổ phiếu HSG đã tăng 69,75%, đóng cửa ở mức 7.350 đồng/cổ phiếu ngày 29/4. Cổ phiếu NKG cũng ghi nhận mức tăng ấn tượng 50% so với thời điểm đầu tháng 4.

Sự đồng thuận của giá cổ phiếu và kết quả kinh doanh phản ánh kỳ vọng của nhà đầu tư về sự hồi sinh của 2 ông lớn ngành tôn trong tương lai. Liệu điều này có thực sự khả thi và kết quả kinh doanh tích cực trong quý I của 2 doanh nghiệp này có duy trì trong thời gian tới?

Trên thực tế, bối cảnh hiện tại của ngành tôn trong nước đang gặp nhiều thách thức hơn là những cơ hội khi nghĩ về tương lai.

Nguồn cung vượt cầu

Nhìn lại quá khứ, giai đoạn 2013 - 2018 từng chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành thép trong nước, đặc biệt là lĩnh vực sản xuất tôn mạ.

Phải chăng HSG và NKG đang hồi sinh?  ảnh 1

Tình hình sản xuất và tiêu thụ tôn.

Mức tiêu thụ tôn trong nước đạt tốc độ tăng trưởng kép hàng năm lên tới 20,5% và đứng đầu nhóm các sản phẩm thép. Ðặc biệt, trong năm 2016, tốc độ tăng trưởng tiêu thụ tôn của cả nước đạt tới 32,1%.

Ðiều này đã mở ra một năm kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp tôn trong nước. Cũng trong năm này, HSG đã đạt được con số kỷ lục trong lịch sử kinh doanh với mức lãi 1.753 tỷ đồng và NKG là 517 tỷ đồng.

Việc thị trường tiêu thụ thuận lợi khiến các doanh nghiệp ồ ạt mở rộng đầu tư, tăng công suất trong giai đoạn sau đó. Tới cuối năm 2018, 6 doanh nghiệp đứng đầu chiếm tổng cộng 83% thị phần của toàn ngành, với tổng công suất đạt gần 5 triệu tấn.

Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ lúc bấy giờ cũng chỉ đạt 3,8 triệu tấn. Sang năm 2019, tình hình trở nên khó khăn hơn, tiêu thụ toàn ngành giảm 2,1%. Ðây cũng là năm đầu tiên chứng kiến mức tiêu thụ toàn ngành tăng trưởng âm trong vòng 10 năm trở lại đây.

Tốc độ hấp thụ của thị trường không theo kịp với tốc độ gia tăng công suất khiến các nhà máy chỉ huy động công suất trung bình khoảng 65% so với tổng công suất thiết kế.

Thậm chí, nhiều nhà máy phải đóng cửa hoặc chuyển nhượng để duy trì dòng tiền cho doanh nghiệp. Nhìn chung, việc đẩy mạnh đầu tư mở rộng trong những năm vừa qua đã khiến tổng công suất vượt nhu cầu tiêu thụ khá nhiều, gây nên sự không hiệu quả trong vận hành sản xuất của các doanh nghiệp.

Chính sách bảo hộ ngành thép trên thế giới khiến xuất khẩu tôn trong nước gặp khó khăn

Bên cạnh sự yếu đi của nhu cầu trong nước, một nguyên nhân khác khiến tiêu thụ tôn cả nước trong năm 2019 tăng trưởng âm là do sự chậm lại từ thị trường xuất khẩu. Nguyên nhân chính đến từ các chính sách bảo hộ thương mại trên toàn thế giới.

Phải chăng HSG và NKG đang hồi sinh?  ảnh 2

Xuát khẩu tôn các doanh nghiệp.

Từ đầu năm 2019 đến nay, tôn mạ Việt Nam liên tiếp rơi vào các vụ kiện và điều tra tự vệ thương mại lớn. Một số nước tại thị trường chủ lực Ðông Nam Á đã điều tra và áp thuế đối với sản phẩm của Việt Nam.

Tháng 9, Malaysia sẽ áp biên độ phá giá từ 3,7-20,13% đối với thép cuộn cán nguội và thép không hợp kim xuất khẩu từ Việt Nam. Trong khi Indonesia quyết định khởi xướng điều tra chống bán phá giá với tôn mạ trong nước.

Gần đây là nhất là vào cuối 2019, một trong những thị trường xuất khẩu tôn chủ lực của Việt Nam là Mỹ chính thức áp thuế hơn 450% với các sản phẩm thép Việt Nam có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc và Hàn Quốc, trong đó chủ yếu là các mặt hàng tôn mạ.

Những vụ kiện chống phá giá khiến xuất khẩu tôn mạ cả nước năm 2019 chỉ đạt 1,41 triệu tấn, giảm 19,42% so với cùng kỳ. Con số này chiếm 37,64% tổng lượng tiêu thụ và giảm so mức 45,7% của năm 2018.

Biên lợi nhuận phụ thuộc vào giá nguyên liệu

Trước năm 2017, Việt Nam chưa có doanh nghiệp nào sản xuất được nguyên liệu đầu vào của ngành tôn và ống thép là thép cuộn cán nóng (HRC). Nguồn nguyên liệu phục vụ quá trình sản xuất tôn trong nước chủ yếu nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc và một số nước khác trên thế giới như Mỹ, Nhật, Nga…

Giai đoạn sau năm 2017, Nhà máy Formosa Hà Tĩnh chính thức đi vào hoạt động với nguồn cung HRC cho thị trường trong nước đạt khoảng 4 triệu tấn mỗi năm, đáp ứng được 50% nhu cầu tiêu thụ của cả nước.

Ðiều này góp phần giảm phụ thuộc vào nguồn HRC nhập khẩu, cũng như giúp các doanh nghiệp tránh được một số rào cản thương mại về nguồn gốc xuất xứ.

Mặc dù vậy, chi phí nguyên vật liệu chiếm tới hơn 80% chi phí sản xuất và do vẫn phải phụ thuộc vào 50% nguồn cung nhập khẩu nên biến động giá HRC thế giới sẽ tác động mạnh đến biên lợi nhuận của các doanh nghiệp sản xuất tôn.

Phải chăng HSG và NKG đang hồi sinh?  ảnh 3

Biên lợi nhuận của HSG - NKG có xu hướng ngược với giá HRC.

Trong năm 2015 và đầu năm 2016, khi giá HRC có xu hướng giảm về vùng đáy 2.000 CNY/tấn, biên lợi nhuận của HSG và NKG bắt đầu gia tăng. Không chỉ vậy, việc duy trì tỷ lệ hàng tồn kho cao giúp HSG và NKG được hưởng lợi khi giá HRC tăng trở lại với tỷ suất lợi nhuận gộp có thời điểm lên tới 25% trong năm 2016.

Tuy nhiên, giai đoạn sau đó, giá HRC liên tục duy trì ở mức cao khi Trung Quốc đóng cửa nhiều nhà máy thép, nên biên lãi gộp của HSG và NKG giảm mạnh về vùng đáy 8% và 0,6% vào thời điểm cuối năm 2018.

Từ đầu năm 2019, giá HRC bắt đầu hạ nhiệt giúp biên lợi nhuận của HSG và NKG dần phục hồi. Ðây cũng là nguyên nhân chính giúp HSG và NKG đạt được con số lợi nhuận ấn tượng trong quý I năm nay, bất kể doanh thu có sự suy giảm.

Tuy vậy, xét trên tổng thể, việc phụ thuộc quá nhiều vào diễn biến giá nguyên liệu lại là một rủi ro lớn, thay vì là một cơ hội. Biên lợi nhuận của doanh nghiệp có duy trì được trong những quý sau hay không phụ thuộc vào diễn biến của giá nguyên liệu trong tương lai.

Dự án Dung Quất của Hòa Phát sẽ làm thay đổi cục diện ngành tôn trong nước

Ðặc thù ngành sản xuất tôn mạ là khâu cuối cùng của toàn bộ chuỗi giá trị ngành thép. Theo đó, các doanh nghiệp sản xuất tôn sẽ nhập nguyên liệu đầu vào là thép cuộn cán nóng hoặc cán nguội, sau đó cán lại, gia công và cắt thành tôn.

Do đây là khâu sản xuất có mức độ đầu tư vốn và độ khó thấp nhất trong tổ hợp ngành thép, nên doanh nghiệp hầu như không thể tạo được lợi thế cạnh tranh trong quá trình sản xuất sản phẩm của mình.

Tuy nhiên, tình hình sẽ thay đổi trong năm 2020 khi dự án Dung Quất giai đoạn II với công suất 2 triệu tấn HRC/năm của CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HPG) đi vào hoạt động.

Với Dung Quất, HPG sẽ là doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam sản xuất tôn tự chủ được nguồn nguyên liệu đầu vào. Ðiều này sẽ đem lại lợi thế lớn về chi phí sản xuất cho HPG so với việc nhập khẩu hoặc thu mua HRC từ nguồn bên ngoài.

Bên cạnh sức ép mà HPG có thể đem lại trong tương lai, thì việc gia tăng nguồn cung HRC cũng sẽ đem lại một số lợi thế nhất định cho các doanh nghiệp sản xuất tôn trong nước.

Ðầu tiên là ngành tôn sẽ giảm sự phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu bên ngoài, giúp giá nguyên vật liệu ít bị biến động hơn.

Sau cùng là bài toán về bảo hộ thương mại được gỡ một phần khi các doanh nghiệp chứng minh nguồn gốc xuất xứ là đến từ trong nước.

Như vậy, không những chiếc bánh thị trường tôn đang dần bị thu hẹp lại, 2 ông lớn của ngành tôn HSG và NKG còn phải đối mặt với rủi ro là phải sẻ chia chiếc bánh này cho một đối thủ mới và nặng ký hơn mang tên Hòa Phát.

Không chỉ là tái cấu trúc lại bộ máy, HSG và NKG cần phải có nhiều biện pháp quyết liệt hơn để có thể cải thiện được hiệu quả kinh doanh trong tương lai. 

Ðan Hạ

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục