Theo dấu dòng tiền

(ĐTCK) Trong thời gian tới, nhà đầu tư ngắn hạn cần tập trung theo dõi sự dịch chuyển của dòng tiền và ưu tiên những cổ phiếu đang thu hút dòng tiền thông minh.

Trong tuần giao dịch từ 16 - 20/9/2024, VN-Index bật tăng mạnh sau phiên đầu tuần giảm sâu về vùng 1.220 điểm. Trong 4 phiên tiếp theo, chỉ số liên tục tăng với thanh khoản cải thiện rõ rệt, biên độ tăng khá lớn.

Đáng chú ý, độ rộng thị trường cũng mở rộng theo từng phiên, song thanh khoản và sự quan tâm của nhà đầu tư vẫn tập trung chủ yếu vào các cổ phiếu vốn hóa lớn, đặc biệt nhóm ngân hàng và chứng khoán đóng vai trò dẫn dắt.

Nhịp hồi phục này được thúc đẩy nhờ tâm lý nhà đầu tư cải thiện đáng kể khi những thông tin quan trọng được công bố: Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất 0,5%/năm, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản giữ nguyên lãi suất và Thông tư liên quan đến tháo gỡ nút thắt cho việc nâng hạng thị trường đã được ban hành. Những yếu tố này đã kích thích dòng tiền từ cả nhà đầu tư trong nước và khối ngoại, đẩy VN-Index tiến sát vùng 1.290 - 1.300 điểm.

Tuy vậy, cần lưu ý rằng, chỉ số VN-Index đang đối mặt với ngưỡng kháng cự mạnh tại vùng 1.290 - 1.300 điểm. Đây là vùng có khả năng tạo ra áp lực chốt lời trong những phiên sắp tới, nên nhà đầu tư cần thận trọng khi tiếp cận các cơ hội ngắn hạn.

Với xu hướng tăng bắt đầu trở lại, các nhịp điều chỉnh sẽ là cơ hội để nhà đầu tư gia tăng tỷ trọng cổ phiếu cho triển vọng tìm kiếm lợi nhuận quý IV/2024.

Đồ thị diễn biến chỉ số VN-Index.

Trong thời gian tới, nhà đầu tư ngắn hạn cần tập trung theo dõi sự dịch chuyển của dòng tiền và ưu tiên những cổ phiếu đang thu hút dòng tiền thông minh.

Các nhóm ngành tiềm năng bao gồm chứng khoán, với kỳ vọng hưởng lợi từ tiến trình nâng hạng thị trường (như SSI, HCM, VCI); ngân hàng (MBB, ACB), nhờ tăng trưởng tín dụng và chính sách pháp lý thuận lợi hơn, cùng nhóm bất động sản (KDH, NLG, VHM) khi có nhiều cơ hội phục hồi nhờ những cải cách về hành lang pháp lý.

Ngân hàng: Kỳ vọng tăng tốc vào cuối năm

Theo số liệu công bố từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến ngày 7/9/2024, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đã tăng 7,15% so với đầu năm. Những tháng đầu năm, tín dụng tăng trưởng âm, có thời điểm âm tới 2% trong 3 tháng đầu năm.

Từ tháng 4 trở đi, tăng trưởng tín dụng khá tích cực. Tăng trưởng trong tháng 7, tháng 8 tích cực hơn. Thời điểm này của năm 2023, tăng trưởng tín dụng mới đạt 5,33% và cuối năm vẫn đạt được con số mục tiêu đặt ra là 13,71%.

NHNN cũng đang nỗ lực đưa mặt bằng lãi suất cho vay đi xuống tiếp. Số liệu từ cơ quan quản lý cho thấy, hiện mặt bằng lãi suất cho vay những khoản mới trung bình là 6,23%/năm, giảm 0,86% so với cuối năm 2023; lãi suất huy động trung bình là 3,84%/năm, tăng 0,23%/năm. Khi tăng chi phí huy động vốn nhưng lãi suất cho vay ra lại giảm thì chênh lệch đầu vào - đầu ra của ngân hàng sẽ thu hẹp.

Tuy nhiên, chúng ta có thể thấy xu hướng mở rộng NIM từ các ngân hàng nhờ vào việc huy động tăng chậm hơn so với tín dụng và tỷ lệ CASA tăng ở hầu hết các ngân hàng, hỗ trợ cho chi phí vốn. Xu hướng mở rộng NIM của ngân hàng có thể chậm lại trong cuối năm 2024 khi dư địa giảm của chi phí vốn không còn nhiều, tuy nhiên mức cải thiện 0,1 - 0,2% vẫn khả thi.

Mặt bằng giá của nhóm cổ phiếu ngân hàng trong thời gian qua cũng có sự điều chỉnh nhẹ, khiến cho mức định giá của đa phần các ngân hàng đang về mức thấp hơn bình quân 3 năm. Trên quan điểm đầu tư, chúng tôi nhận thấy nhóm ngân hàng có chất lượng tài sản ổn định đang có nhiều tiềm năng tăng trưởng trong cuộc đua tín dụng cho giai đoạn sắp tới.

Bài viết được cung cấp bởi Công ty cổ phần Chứng Khoán KAFI

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục