Thêm nhiều nỗi lo xuất hiện với giới đầu tư

(ĐTCK) Nguy cơ cuộc chiến thương mại leo thang, thị trường tiền tệ tại các thị trường mới nổi đối mặt với nhiều rủi ro… là những mối lo khiến giới đầu tư ồ ạt bán ra trong phiên thứ Tư.
Thêm nhiều nỗi lo xuất hiện với giới đầu tư

Sau phiên lình xình hôm thứ Ba, giới đầu tư phố Wall bước vào phiên giao dịch thứ Tư với nhiều mối lo. Ngoài nỗi lo về cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc leo thang khi ông Trump dọa sẽ công bố đánh thuế với 200 tỷ USD hàng hóa nhập từ Trung Quốc, giới đầu tư đang hướng vào cuộc đàm phán thương mại giữ Mỹ và Canada đang diễn ra nhằm cứu vãn NAFTA.

Một nỗi lo lớn khác là sự bất ổn của thị trường tiền tệ khi các đồng tiền của các thị trường mới nổi đồng loạt lao dốc. Tuy nhiên, trong phiên thứ Tư, đồng USD đã hạ nhiệt khi đồng euro tăng trở lại và đồng bảng Anh cũng phục hồi sau 4 phiên giảm liên tiếp.

Ngoài vấn đề kinh tế, giới đầu tư phố Wall còn hướng sự chú ý vào cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ sẽ tổ chức vào tháng 11 tới. Với những tranh cãi và pháp lý của Tổng thống Trump và lục đục nội bộ tại Nhà trắng, hiện lợi thế đang có phần nghiêng về Dảng Dân chủ.

Kết thúc phiên 5/9, chỉ số Dow Jones tăng 22,51 điểm (+0,09%), lên 25.974,99 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 8,12 điểm (-0,28%), xuống 2.888,60 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 96,07 điểm (-1,19%), xuống 7.995,17 điểm.

Chứng khoán châu Âu cũng tiếp tục có phiên giảm mạnh hôm thứ Tư khi nỗi lo chiến tranh thương mại leo thang, cùng lo lắng về thị trường tiền tệ tại các thị trường mới nổi gia tăng. Bên cạnh đó, việc đồng euro tăng mạnh so với đồng USD và đồng bảng Anh lấy lại đà tăng cũng ảnh hưởng tiêu cực lên các thị trường chứng khoán châu Âu.

Kết thúc phiên 5/9, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 74,58 điểm (-1,00%), xuống 7.383,28 điểm. Chỉ số DAX 30 tại Đức giảm 169,75 điểm (-1,39%), xuống 12.040,46 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 82,47 điểm (-1,54%), xuống 5.260,22 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, lo ngại về cuộc chiến thương mại leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc, giới đầu tư trên thị trường này đồng loạt bán mạnh, khiến các chỉ số lao dốc, trong đó chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm xuống mức thấp nhất 11 tuần. Ngoài ra, chứng khoán Nhật Bản còn chịu ảnh hưởng bởi siêu bão Jebi gây tổn thất lớn về người và tài sản với đất nước này.

Kết thúc phiên 5/9, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 116,07 điểm (-0,51%), xuống 22.580,83 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 729,49 điểm (-2,61%), xuống 27.243,85 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 46,24 điểm (-1,68%), xuống 2.704,34 điểm.

Việc đồng USD hạ nhiệt đã hỗ trợ cho giá vàng hồi phục trở lại sau phiên giảm mạnh trước đó, nhưng giá kim loại quý này vẫn chưa lấy lại được mốc 1.200 USD/ounce.

Kết thúc phiên 5/9, giá vàng giao ngay tăng 5,2 USD (+0,44%), lên 1.196,3 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 12 tăng 2,2 USD/ounce (+0,18%), lên 1.201,3 USD/ounce.

Trong khi đó, giá dầu thô lại giảm mạnh khi cơn bão vào vùng vịnh của nước Mỹ suy yếu, không ảnh hưởng nhiều đến sự gián đoạn nguồn cùng, trong khi cuộc chiến thương mại leo thang đang cận kề có thể làm giảm nhu cầu với loại nhiên liệu này.

Kết thúc phiên 5/9, giá dầu thô Mỹ giảm 1,15 USD (-1,67%), xuống 68,72 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,90 USD (-1,16%), xuống 77,27 USD/thùng.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục