Chứng khoán Mỹ giằng co trong phiên cuối tuần trước khi nhà đầu tư hướng tới kết quả cuộc đàm phán thương mại để cứu Hiệp định Thương mại Bắc Mỹ (NAFTA) giữa Mỹ và Canada sau khi Mỹ và Mexico đã đạt được thỏa thuận trước đó. Tuy nhiên, giới đầu tư đã thất vọng khi Mỹ và Canada đã không đạt được thỏa thuận trước kỳ nghỉ lễ lao động.
Đóng cửa Dow Jones giảm nhẹ, trong khi S&P 500 may mắn thoát sắc đỏ, còn Nasdaq với sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu công nghệ, nhất là đà tăng được duy trì ở Apple và Amazon giúp chỉ số này tăng tốt hơn trong phiên cuối tuần mới.
Dù vậy, sự thận trọng của nhà đầu tư khiến thanh khoản thị trường thấp hơn mức trung bình 20 ngày.
Kết thúc phiên 31/8, chỉ số Dow Jones giảm 22,10 điểm (-0,09%), xuống 25.964,82 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 0,39 điểm (+0,01%), lên 2.901,52 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 21,17 điểm (+0,26%), lên 8.109,54 điểm.
Với thông tin tích cực từ thỏa thuận thương mại Mỹ - Mexico, chứng khoán Mỹ tiếp tục có tuần tăng điểm. Cụ thể, trong tuần, Dow Jones tăng 0,68%, chỉ số S&P 500 tăng 0,93%. Đây là tuần tăng thứ 3 liên tiếp của Dow Jones và S&P 500. Chỉ số Nasdaq tăng tới 2,06% sau khi tăng 1,36% tuần trước đó (tuần tăng thứ 2 liên tiếp). Trong tháng 8, chỉ số Dow Jones tăng 2,16%, chỉ số S&P 500 tăng 3,03% và Nasdaq tăng 5,71%. Đây là tháng tăng thứ 2 liên tiếp của Dow Jones, còn với S&P 500 và Nasdaq là tháng tăng thứ 5 liên tiếp.
Trong khi đó, chứng khoán châu Âu giảm phiên thứ 2 liên tiếp với mức giảm sâu hơn nhiều trong phiên cuối tuần khi ông Trump cho biết sẽ áp thuế với 200 tỷ USD hàng hóa từ Trung Quốc, làm gia tăng căng thẳng cuộc chiến thương mại giữ 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Kết thúc phiên 31/8, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 83,61 điểm (-1,11%), xuống 7.432,42 điểm. Chỉ số DAX 30 tại Đức giảm 130,18 điểm (-1,04%), xuống 12.364,06 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 71,21 điểm (-1,30%), xuống 5.406,85 điểm.
Với 2 phiên giảm mạnh cuối tuần, các chỉ số chứng khoán chính của châu Âu đồng loạt giảm điểm trong tuần cuối tháng 8. Trong đó, chỉ số FTSE 100 giảm 1,91%, chỉ số DAX 30 tiếp tục giảm 0,25%, trong khi chỉ số CAC 40 đảo chiều giảm 0,47%. Trong tháng 8, cả 3 chỉ số này đều quay đầu giảm sau tháng hồi phục trước đó. Cụ thể, chỉ số FTSE 100 giảm tới 4,08%, chỉ số DAX 30 giảm 3,39% và CAC 40 giảm 1,90%.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, sau khi ông Trump cho biết có thể thông báo áp thuế với 200 tỷ USD giá trị hàng hóa nhập từ Trung Quốc, các thị trường chứng khoán khu vực này đồng loạt giảm điểm, trong đó chứng khoán Nhật Bản chấm dứt chuỗi 8 phiên tăng liên tiếp.
Kết thúc phiên 31/8, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 4,35 điểm (-0,02%), xuống 22.865,15 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 275,50 điểm (-0,98%), xuống 27.888,55 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 12,49 điểm (-0,46%), xuống 2.725,25 điểm.
Với những phiên tăng tốt trong tuần, chứng khoán Nhật Bản và Hồng Kông có tuần tăng thứ 2 liên tiếp với mức tăng lần lượt là 1,17% và 0,78%, trong khi chỉ số Shanghai Composite có tuần giảm thứ 3 liên tiếp với mức giảm 0,47%. Trong tháng 8, chỉ số Nikkei 225 tăng 1,38%, tháng tăng thứ 3 liên tiếp, trong khi chỉ số Hang Seng giảm 2,43%, tháng giảm thứ 4 liên tiếp và chỉ số Shanghai Composite giảm tới 5,25%, sau khi hồi phục 1,02% tháng trước.
Trên thị trường vàng, giá vàng đã may mắn giữ được ngưỡng hỗ trợ quan trọng 1.200 USD/ounce trong phiên cuối tuần.
Kết thúc phiên 31/8, giá vàng giao ngay tăng 1,2 USD (+0,1%), lên 1.200,8 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 12 tăng 1,9 USD/ounce (+0,16%), lên 1.206,9 USD/ounce.
Diễn biến giá vàng trong tuần cuối tháng 8 tiếp tục không như kỳ vọng của giới phân tích, giống như trong 2 tuần trước đó. Cụ thể, giá vàng giao ngay giảm 0,37% và giá vàng giao tháng 12 giảm 0,53%. Trong tháng 8, giá vàng giao ngay giảm 1,86% và giá vàng tương lai giảm 2,11%. Đây là tháng giảm thứ 6 của giá vàng và là chuỗi giảm theo tháng dài nhất trong 5 năm qua.
Dù giá vàng tiếp tục không như kỳ vọng, nhưng cả giới đầu tư và phân tích tiếp tục đặt kỳ vọng vào đà hồi phục của giá kim loại quý này trong tuần đầu tháng 9, dù mức kỳ vọng thấp hơn tuần trước đó.
Cụ thể, trong 18 chuyên gia trả lời tuần này, có 9 người, chiếm 50% dự báo giá vàng sẽ hồi phục trở lại, thấp hơn so với mức 53% so với tuần trước đó; 4 người, chiếm 22% dự báo giá vàng sẽ tiếp tục giảm, cao hơn nhiều mức 12% của tuần trước và 5 người, chiếm 28% giữ quan điểm trung lập.
Trong khi đó, trong 608 lượt nhà đầu tư trả lời trực tuyến, có 289 người, chiếm 48% dự báo giá vàng sẽ hồi phục, cao hơn mức 45% của tuần trước, trong khi có 222 lượt người, chiếm 37% dự báo giá vàng sẽ giảm, thấp hơn mức 39% của tuần trước và 97 lượt, chiếm 16% giữ quan điểm trung lập.
Trong khi đó, giá dầu lại quay đầu giảm khá mạnh trong phiên cuối tuần do giới đầu tư lo ngại về chiến tranh thương mại làm giảm nhu cầu với dầu thô.
Kết thúc phiên 31/8, giá dầu thô Mỹ giảm 0,45 USD (-0,64%), xuống 69,80 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,35 USD (-0,45%), xuống 77,42 USD/thùng.
Dù điều chỉnh trong phiên cuối tuần, nhưng giá dầu thô vẫn có tuần tăng thứ 2 liên tiếp. Cụ thể, trong tuần, giá dầu thô Mỹ tăng 1,57%, còn giá dầu thô Brent tăng 2,11%. Hai tuần tăng liên tiếp đã giúp giá dầu thô hồi phục lại lần lượt 3,01% và 4,27% trong tháng 8 sau khi giảm mạnh 8,62% và 6,53% trong tháng 7.