Thêm một ngân hàng trung ương rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan như Fed

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ngân hàng Dự trữ Nam Phi (SARB) đang phải đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan về cách kiềm chế lạm phát mà không làm giảm thêm tốc độ tăng trưởng kinh tế vốn đã yếu ớt.
Thêm một ngân hàng trung ương rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan như Fed

SARB đã liên tục tăng lãi suất thêm tổng cộng 4,25% kể từ tháng 11/2021, lên 7,75%. Quyết định lãi suất tiếp theo sẽ được đưa ra vào thứ Năm (25/5) và phần lớn các nhà kinh tế được Reuters khảo sát vào tuần trước kỳ vọng mức tăng 0,25% lên 8,00%.

Tuy nhiên, Nicolaie Alexandru-Chidesciuc, nhà phân tích của JPMorgan cho rằng, SARB sẽ tăng thêm 0,5% và đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên sẽ không diễn ra cho đến tận năm 2024.

Không giống như các ngân hàng trung ương của các nền kinh tế đang phát triển khác, vốn đã giảm lãi suất trở lại để hỗ trợ nền kinh tế, SARB lại đang rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Phó Thống đốc SARB Rashad Cassim cho biết, việc tăng lãi suất không thích hợp trong một nền kinh tế tăng trưởng thấp, nhưng ưu tiên của SARB là kiểm soát lạm phát. Lạm phát của Nam Phi hiện là hơn 7%, cao hơn mức mục tiêu của ngân hàng trung ương là 3 - 6%.

"Nếu chúng tôi không làm gì cả, thu nhập của người tiêu dùng sẽ ngày càng bị xói mòn. Vì vậy, có thể có một chút khó khăn ban đầu, nhưng sẽ mang lại lợi ích cho người tiêu dùng trong trung và dài hạn", ông Cassim nói.

Người dân Nam Phi đã phải đối mặt với tình trạng giá cả tăng cao sau đại dịch Covid-19 và cuộc xung đột ở Ukraine đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng. Cuộc khủng hoảng điện càng gây thêm áp lực khi các doanh nghiệp, bao gồm các nhà sản xuất thực phẩm và nhà bán lẻ, chi tiêu nhiều hơn cho các giải pháp thay thế như máy phát điện diesel và chuyển chi phí sang người tiêu dùng.

SARB ước tính rằng, tình trạng mất điện luân phiên có thể kéo dài tới 10 giờ một ngày sẽ cộng thêm 0,5% vào lạm phát vào năm 2023.

Bên cạnh đó, đồng rand suy yếu hơn 10% trong năm nay khiến hàng nhập khẩu trở nên đắt đỏ hơn.

Annabel Bishop, nhà kinh tế trưởng tại tập đoàn quản lý tài sản và ngân hàng quốc tế Investec của Anh - Nam Phi, cho biết: “Với sự suy yếu đáng kể của đồng rand, cùng chi phí sản xuất và bán lẻ tăng cao do cắt điện, rủi ro đối với triển vọng lạm phát vẫn ở mức cao. Chúng tôi kỳ vọng mức tăng lãi suất tiếp theo là 0,5% có nhiều khả năng hơn là 0,25%".

Tuy nhiên, việc tăng mạnh lãi suất không chỉ khiến nền kinh tế của Nam Phi suy yếu, mà còn có thể dẫn tới tình trạng vỡ nợ của người dân. Các nhà kinh tế cho biết, nhu cầu tín dụng đang tăng lên khi thu nhập hộ gia đình không theo kịp giá cả thị trường và chi phí đi vay cao hơn có thể làm tăng nợ.

Tỷ lệ vỡ nợ mới đối với thẻ tín dụng trong quý IV/2022 đã tăng 20% ​​so với cùng kỳ năm trước đó và tỷ lệ vỡ nợ đối với các khoản vay mua nhà tăng 19%, theo một báo cáo tín dụng của công ty tư vấn phân tích khách hàng Eighty20 (Nam Phi).

Koketso Mano, nhà kinh tế cấp cao của FNB Nam Phi cho biết: “Ngay cả khi lãi suất giảm, ít nhất vào năm 2025, chúng ta vẫn có thể thấy người tiêu dùng phải vật lộn với áp lực giá cả mà họ phải đối phó hiện tại”.

Di Di
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục