Thêm một cổ phiếu nhóm “vua” sắp lên sàn

(ĐTCK) Từ lâu, nhóm cổ phiếu ngân hàng được ví là nhóm cổ phiếu “vua” bởi ngành tài chính luôn là thước đo của nền kinh tế. Khi có một cổ phiếu ngân hàng chuẩn bị “chào sân”, giới đầu tư lại rục rịch “đi săn”.
Trụ sở ngân hàng thương mại cổ phần Hàng hải Việt Nam (Maritime Bank). Trụ sở ngân hàng thương mại cổ phần Hàng hải Việt Nam (Maritime Bank).

Mồi “bén”

Trên các diễn đàn, các trang thông tin mua bán cổ phiếu chưa niêm yết (OTC), trong thời gian này rất nhộn nhịp. Các lô giao dịch đặt mua với số lượng lớn diễn ra liên tục. Trong các nhóm cổ phiếu lớn, nổi tiếng thì nhóm cổ phiếu ngân hàng đang được các nhà đầu tư ráo riết đi “săn”.

Tuy chưa chính thức lên sàn, vẫn trong giai đoạn chuẩn bị nhưng cổ phiếu OCB của Ngân hàng Phương Đông, Techcombank của Ngân hàng Kỹ thương hay mới đây nhất là MSB của Maritime Bank đang được các nhà đầu tư chú ý.

Dự kiến “chào sân” vào đầu tháng 6 nhưng Techcombank đang gây “sốt” bởi giá khởi điểm lên đến 120.000 đồng/cổ phiếu, cao nhất trong số các cổ phiếu ngân hàng đang niêm yết trên cả hai sàn chứng khoán hiện nay.

OCB cũng khiến các nhà đầu tư “đổ xô” mua khiến cho mã ngân hàng này chạy từ mức 7.000 đồng - 8.000 đồng lên 25.000 đồng-26.000 đồng/cổ phiếu, tăng gấp 3 lần. Cổ phiếu MSB của Maritime Bank cũng đang thu hút các nhà đầu tư dù kế hoạch lên sàn dự kiến diễn ra vào đầu năm 2019.

Còn nhớ trong năm 2017, câu chuyện đấu giá cổ phiếu MSB cũng khiến nhiều nhà đầu tư bán tín bán nghi khi chứng kiến diễn biến mua bán của các cổ đông lớn.

Trong khi thị trường đang giao dịch cổ phiếu MSB với giá chỉ 7.000-8.000 đồng, thì Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà  nước (SCIC) đã đưa ra mức giá khởi điểm lên đến 12.400 đồng trong phiên đấu giá nguyên lô trên 2,4 triệu cổ phiếu MSB. Với mức giá này, các nhà đầu tư muốn mua sẽ rất khó xuống tiền.

Chính vì vậy, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội đã phải huỷ đấu giá. Hay trước đó, VNPT cũng đã công bố đấu giá nguyên lô 71 triệu cổ phiếu đang nắm giữ tại MSB với mức giá khởi điểm 11.900 đồng cùng hàng loạt các điều kiện khắt khe dành cho người mua.

Và tương tự, cũng không có nhà đầu tư nào có thể đáp ứng được điều kiện đó. Nhiều nhà đầu tư cũng như các chuyên gia tài chính đã đặt câu hỏi ngược lại là liệu VNPT, SCIC có thật sự muốn bán cổ phiếu MSB hay không hay chỉ là hình thức để chờ ngày lên sàn.

Tiềm năng của “hàng” chuẩn bị chào sàn

Có thể nói, các mã cổ phiếu chưa lên sàn, không chỉ riêng mã ngân hàng mà đa số các mã khác cũng thường được các nhà đầu tư “săn” ráo riết bởi tỉ lệ người nắm giữ để chờ cơ hội cao hơn cổ phiếu đã lên sàn.

“Chúng tôi đã gắn bó với MSB từ nhiều năm nay, chúng tôi cứ thấy người quen nào bán thì gom mua dần, coi như của để dành. Nếu tính theo giá thị trường thì hiện nay chúng tôi lãi gần gấp đôi. Vì vậy mà không có lý do gì cổ phiếu này đang có kế hoạch lên sàn mà chúng tôi lại bán cả” - vợ chồng anh Huỳnh Như, ngụ tại quận Bình Thạnh, người đang nắm khá nhiều cổ phiếu MSB, chia sẻ.

Thực tế, tâm lý của các nhà đầu tư thường là nắm giữ, chờ cơ hội khi cổ phiếu lên sàn.

Bởi thông thường khi niếm yết, giá cổ phiếu tăng lên rất nhiều. Chuyện “lướt sóng” trên sàn rủi ro hơn việc gắn bó với cổ phiếu thân quen, có tiềm năng, đặc biệt với nhóm cổ phiếu “vua”.

Chuyên gia tài chính, chứng khoán Phan Dũng Khánh, cho rằng các  nhà đầu tư mua cổ phiếu chưa niếm yết thường rất gắn bó và quan tâm sâu sát đến hoạt động của công ty.

Đối với nhóm cổ phiếu ngân hàng, sau một thời gian bỏ quên vì những hệ quả không tốt của khủng hoảng, của nợ xấu thì hiện nay đã “nóng” trở lại khi tình hình kinh tế ổn định, hoạt động kinh doanh khởi sắc hơn.

Bản thân các ngân hàng cũng đã có thời gian dài đầu tư củng cố nguồn lực để đứng vững trong thị trường nhiều biến động và cạnh tranh gay gắt hiện nay.

Thêm một cổ phiếu nhóm “vua” sắp lên sàn ảnh 1

 Đại hội đồng cổ đông của Maritime Bank.

Tại Đại hội đồng cổ đông của Maritime Bank tổ chức vào ngày 30/5, ông Huỳnh Bửu Quang, Tổng giám đốc Ngân hàng cho biết, liên tục trong nhiều năm qua, Maritime Bank đã đầu tư rất nhiều nguồn lực vào hệ thống nền tảng để bảo đảm ngân hàng hoạt động ổn định và an toàn. Những chi phí đầu tư này là rất lớn, có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận trước mắt của ngân hàng, nhưng lại mang đến lợi ích lâu dài và ổn định hơn.

Đơn cử trong năm 2018, Maritime Bank đã đầu tư gần 800 tỷ đồng vào hệ thống công nghệ thông tin nhằm hỗ trợ trực tiếp cho hoạt động vận hành và kinh doanh được hiệu quả, phục vụ khách hàng được tốt hơn.

Riêng hệ thống mạng lưới, ngân hàng cũng sẽ mở mới gần 20 chi nhánh/PGD đồng thời tuyển dụng gần 2000 nhân viên trong năm nay. Hệ thống quản lý rủi ro luôn được duy trì ở mức cao với tỷ lệ an toàn vốn luôn đạt hơn 19% trong nhiều năm qua, cao hơn rất nhiều so với quy định của NHNN.

Với những bước chuẩn bị kỹ lưỡng, nền tảng vững chắc sẽ là khởi đầu quan trọng giúp cổ phiếu MSB tự tin chào sàn vào đầu năm 2019, chính thức bước vào cuộc đua “xanh” trên thị trường chứng khoán.

Ngọc Huyền

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục