Thêm lưu ý về hợp đồng bảo hiểm nhân thọ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sau khi đăng tải bài báo “Làm mới hợp đồng bảo hiểm”, Báo Đầu tư Chứng khoán tiếp tục nhận được thắc mắc liên quan tới việc sửa hợp đồng bảo hiểm nhân thọ. Luật sư Đỗ Hồng Sơn, Đoàn luật sư TP. Hà Nội có lời giải đáp cho vấn đề này.
Với nghiệp vụ bảo hiểm nhân thọ thì không thể đàm phán thay đổi nội dung trong hợp đồng Với nghiệp vụ bảo hiểm nhân thọ thì không thể đàm phán thay đổi nội dung trong hợp đồng

Trong quá trình giao kết hợp đồng bảo hiểm, bên mua có quyền được tham gia ý kiến, được quyền đề nghị sửa đổi/bổ sung các điều khoản nhằm đảm bảo quyền lợi cho cả hai bên hay không? Trong một số trường hợp, bên mua bảo hiểm có thể yêu cầu công ty bảo hiểm phải chấp nhận dự thảo mẫu hợp đồng bảo hiểm theo ý khách hàng không?

Luật sư Đỗ Hồng Sơn, Đoàn luật sư TP. Hà Nội
Luật sư Đỗ Hồng Sơn, Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Hợp đồng bảo hiểm cũng là một hợp đồng dân sự, do đó về nguyên tắc, các bên có thể tự do thoả thuận các điều khoản trong hợp đồng. Theo Điều 385 - Bộ luật Dân sự 2015, hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.

Ngoài ra, pháp luật có quy định một loại hợp đồng khi giao kết khách hàng không được sửa đổi/bổ sung các điều khoản, đó là hợp đồng theo mẫu - là hợp đồng gồm những điều khoản do một bên đưa ra theo mẫu để bên kia trả lời trong một thời gian hợp lý, nếu bên được đề nghị trả lời chấp nhận thì coi như chấp nhận toàn bộ nội dung hợp đồng theo mẫu mà bên đề nghị đã đưa ra. Hợp đồng theo mẫu phải được công khai để bên được đề nghị biết hoặc phải biết về những nội dung của hợp đồng.

Tuy nhiên, Chính phủ quy định loại hợp đồng này chỉ áp dụng đối với một số dịch vụ, hàng hoá như cung cấp điện sinh hoạt, cung cấp nước sạch, truyền hình trả tiền, tiền cước viễn thông, dịch vụ vận chuyển hành khách bằng đường hàng không…

Còn đối với hoạt động bảo hiểm, loại hợp đồng theo mẫu của Chính phủ được áp dụng cho 2 nghiệp vụ, đó là bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới (Chính phủ ban hành nghị định, thông tư hướng dẫn có quy định về mẫu giấy chứng nhận bảo hiểm) và hợp đồng bảo hiểm nhân thọ.

Nghĩa là, với riêng hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, các bên phải tuân thủ theo hợp đồng mẫu và không được chỉnh sửa?

Đúng vậy, nhưng đó là theo quy định từ trước năm 2019. Cụ thể, Quyết định số 35/2015/QĐ-TTg ngày 20/8/2015 đã bổ sung quy định nghiệp vụ bảo hiểm nhân thọ bảo hiểm là hợp đồng mẫu.

Còn từ đó tới nay, hợp đồng bảo hiểm nhân thọ không còn là hợp đồng mẫu theo Quyết định số 25/2019/QĐ-TTg ngày 13/8/2019 với quy định bỏ “bảo hiểm nhân thọ” ra khỏi danh sách “hợp đồng mẫu”. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 1/10/2019.

Trong một số trường hợp, bên mua bảo hiểm có thể đàm phán thay đổi các nội dung trong hợp đồng bảo hiểm, nhưng việc này chỉ xảy ra đối với nghiệp vụ bảo hiểm phi nhân thọ và bảo hiểm sức khoẻ, đối với nghiệp vụ bảo hiểm nhân thọ thì không thể đàm phán thay đổi nội dung trong hợp đồng.

Cụ thể là bên mua bảo hiểm có quyền và không được quyền yêu cầu sửa/bổ sung những gì?

Hợp đồng bảo hiểm có rất nhiều nội dung như: Bên mua bảo hiểm; doanh nghiệp bảo hiểm; đối tượng bảo hiểm; số tiền bảo hiểm, hoặc giá trị tài sản được bảo hiểm, hoặc giới hạn trách nhiệm bảo hiểm; phạm vi hoặc quyền lợi bảo hiểm; quy tắc, điều kiện, điều khoản bảo hiểm; quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp bảo hiểm; thời hạn bảo hiểm, thời điểm có hiệu lực của hợp đồng bảo hiểm; mức phí bảo hiểm, phương thức đóng phí bảo hiểm; phương thức bồi thường, trả tiền bảo hiểm; phương thức giải quyết tranh chấp…

Trong đó, bên mua bảo hiểm không thể yêu cầu sửa đổi “phạm vi hoặc quyền lợi bảo hiểm; quy tắc, điều kiện, điều khoản bảo hiểm”, còn các nội dung khác bên mua và bên bán bảo hiểm có thể đàm phán sửa đổi nếu không trái với quy định của pháp luật và được sự chấp thuận của cơ quan quản lý là Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính.

Để rút gọn và đơn giản hóa hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, công ty bảo hiểm có thể tự sửa mà không cần phải có sự chấp thuận của cơ quan quản lý không?

Trước đây, các Quy tắc điều khoản bảo hiểm đều phải được phê duyệt bởi Bộ Tài chính, nhưng hiện tại, kể từ sau khi Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 ban hành và có hiệu lực từ ngày 1/1/2023 đã đưa ra quy định hoàn toàn mới, đó là: “Doanh nghiệp bảo hiểm được chủ động, tự chịu trách nhiệm trong xây dựng, thiết kế và phát triển sản phẩm bảo hiểm”.

Tuy nhiên, khi xây dựng phải đáp ứng các điều kiện sau: Tuân thủ pháp luật, phù hợp với thông lệ, chuẩn mực đạo đức, văn hóa và phong tục, tập quán của Việt Nam; ngôn ngữ sử dụng trong quy tắc, điều khoản bảo hiểm phải chính xác, cách diễn đạt đơn giản, dễ hiểu, các thuật ngữ chuyên môn cần được định nghĩa rõ trong quy tắc, điều khoản bảo hiểm; thể hiện rõ ràng, minh bạch quyền lợi được bảo hiểm, đối tượng bảo hiểm, phạm vi và các rủi ro được bảo hiểm, quyền lợi và nghĩa vụ của bên mua bảo hiểm và người được bảo hiểm, trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm, phương thức trả tiền bảo hiểm, các quy định giải quyết tranh chấp.

Với việc các doanh nghiệp bảo hiểm có thể chủ động xây dựng sản phẩm bảo hiểm, dự báo trong thời gian tới sẽ có nhiều sản phẩm bảo hiểm đột phá được đưa ra thị trường, phù hợp với nhu cầu thực tiễn do giảm bớt được khâu phê duyệt sản phẩm. Điều này mang lại lợi ích cho cả bên mua lẫn bên bán bảo hiểm.

Nội dung cần được chấp thuận từ Bộ Tài chính là: “Doanh nghiệp bảo hiểm phải đăng ký và được Bộ Tài chính chấp thuận phương pháp, cơ sở tính phí bảo hiểm của các sản phẩm bảo hiểm thuộc nghiệp vụ bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm xe cơ giới, trừ bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới”.

Điều này đang được hiểu là có thể những quy tắc, điều khoản bảo hiểm do các doanh nghiệp chủ động làm, tự chịu trách nhiệm. Song, hiện vẫn chưa có nghị định, thông tư hướng dẫn chi tiết nên chưa thể có câu trả lời rõ ràng, đầy đủ. Dù vậy, ngay khi tham gia hợp đồng bảo hiểm, khách hàng nên tìm hiểu, đàm phán một số điều khoản để đảm bảo quyền lợi chính đáng của mình.

Ông có thể lấy ví dụ cụ thể về các quyền lợi mà người mua bảo hiểm có thể đàm phán ngay bây giờ?

Một số doanh nghiệp bảo hiểm để điều khoản giải quyết tranh chấp là khởi kiện tại “nơi bị đơn cư trú”, tức là phải khởi kiện tại nơi doanh nghiệp bảo hiểm có trụ sở chính. Điều này gây bất lợi cho khách hàng khi xảy ra tranh chấp. Do đó, khách hàng có thể lựa chọn các doanh nghiệp bảo hiểm quy định quyền khởi kiện tại “nơi bên mua bảo hiểm sinh sống”, nếu không có thì đàm phán và yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm sửa đổi, bổ sung điều khoản này để thuận lợi khi tranh chấp xảy ra.

Thực tế, nội dung trong hợp đồng bảo hiểm nhân thọ luôn quá dài và khó hiểu với nhiều từ ngữ chuyên ngành, nhưng đã đến lúc bên mua bảo hiểm không thể bị động mãi, không nên tiếp tục kéo dài tình trạng người tham gia đa phần không hiểu nhiều về hợp đồng bảo hiểm, mà chỉ phụ thuộc vào lời tư vấn của đại lý bảo hiểm. Bên mua bảo hiểm cần nâng cao vai trò quan trọng của mình lên, tạo ra những hợp đồng dễ hiểu, chặt chẽ và quan trọng nhất là phải được cả 2 bên là doanh nghiệp bảo hiểm và người mua cùng hiểu và thống nhất rồi ký.

Luật sư Trần Minh Hải, Đoàn luật sư TP. Hà Nội
Luật sư Trần Minh Hải, Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Đã là một giao dịch thỏa thuận trong dân sự thì người mua bảo hiểm nhân thọ và công ty bảo hiểm nhân thọ có quyền thỏa thuận xây dựng nội dung của hợp đồng bảo hiểm, nhưng thực tế là rất khó thực hiện.

Trước đây, theo quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và Quyết định số 35/2015 của Thủ tướng Chính phủ, hợp đồng bảo hiểm nhân thọ phải đăng ký mẫu, điều kiện giao dịch chung trước cơ quan có thẩm quyền để bảo vệ người tiêu dùng. Tuy nhiên, hiện nay theo Quyết định số 25/2019 của Thủ tướng Chính phủ, dạng hợp đồng này đang loại bỏ khỏi danh mục phải đăng ký mẫu. Theo tôi, với thực tế hiện nay, hợp đồng bảo hiểm nhân thọ cần đăng ký mẫu để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Diệu Huệ thực hiện.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục