Thêm kỳ vọng phục hồi kinh tế

(ĐTCK) “Sản xuất công nghiệp 11 tháng đầu năm 2013 tuy chỉ tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước, nhưng tốc độ lại tăng đều qua từng tháng cho thấy xu hướng phục hồi của nền kinh tế ngày càng rõ nét”. Đó là đánh giá của ông Đào Quang Thu, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), tại cuộc họp giao ban ngày 28/11 do Bộ KH&ĐT tổ chức.
Thêm kỳ vọng phục hồi kinh tế

Thêm kỳ vọng phục hồi kinh tế ảnh 1

Tháng 11/2013, nuôi trồng và khai thác thủy sản tăng so với tháng 10 và cùng kỳ năm 2012

Tăng trưởng chủ yếu dựa vào FDI

Báo cáo đánh giá tại cuộc họp cho thấy, sản xuất công nghiệp tháng 11 tiếp tục được cải thiện, khu vực dịch vụ tiếp tục phát triển nhờ những biện pháp hỗ trợ của Chính phủ, sản xuất lâm nghiệp và nuôi trồng, khai thác thủy sản tăng so với tháng 10/2013 và cùng kỳ năm 2012.

Cụ thể, tháng 11/2013, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 2,6% so với tháng 10/2013 và tăng 5,7% so với cùng kỳ năm 2012. Tính chung 11 tháng đầu năm 2013, sản xuất công nghiệp tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong 4 ngành công nghiệp cấp I, chỉ có công nghiệp khai khoáng giảm, 3 ngành còn lại là công nghiệp chế biến chế tạo, sản xuất và phân phối điện và cung cấp nước đều tăng trưởng, đặc biệt là công nghiệp chế biến, chế tạo, tăng tới 7,1%.

Ông Phạm Quang Vinh, Tổng cục phó Tổng cục Thống kê nhận định, chỉ số sản xuất công nghiệp (tính theo năm gốc 2010) có chiều hưởng cải thiện dần qua những tháng đầu năm 2013, nguyên nhân chủ yếu là do sự phục hồi của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.

Đồng tình với đánh giá trên, đại diện Bộ Công thương bổ sung thêm, trong 11 tháng đầu năm 2013, xuất khẩu của nhóm hàng công nghiệp chế biến vẫn giữ vai trò quan trọng, góp phần vào tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu chung. Khu vực FDI duy trì tốc độ tăng trưởng cao ở những lĩnh vực như sản xuất điện thoại các loại và linh kiện; máy vi tính linh kiện và điện tử; giầy dép; hàng dệt may; máy ảnh…

 

Căng thẳng nguồn thu

Theo số liệu được công bố tại cuộc họp, thu ngân sách lũy kế từ đầu năm đến ngày 15/11/2013 mới đạt hơn 675.000 tỷ đồng, bằng 80,6% dự toán năm, trong đó thu nội địa đạt 79,3% dự toán và thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 73,9% dự toán năm. Trong thu nội địa, thu từ khu vực DN nhà nước đạt 75%, thu từ DN có vốn đầu tư nước ngoài đạt 88% và thuế công, thương nghiệp và dịch vụ ngoài quốc doanh đạt 76,7% dự toán.

“Phần hụt thu của khu vực DN nhà nước so với dự toán đã được bù đắp bằng số tăng thu của khu vực DN đầu tư nước ngoài và DN ngoài quốc doanh, nên tốc độ tăng tổng thu nội địa vẫn được duy trì so với cùng kỳ năm trước”, ông Bùi Hà, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân (Bộ KH&ĐT) nói và dự báo sẽ hoàn thành dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2013 do Quốc hội giao.

Nhìn tổng thể là vậy, nhưng theo đại diện các bộ, ngành và địa phương thì bức tranh tăng trưởng kinh tế ở 2 đầu tàu kinh tế lớn của cả nước là TP. HCM và Hà Nội lại không phẳng lặng.

Đại diện Sở KH&ĐT TP. HCM cho biết, đến thời điểm hiện tại, 4/25 chỉ tiêu tăng trưởng của Thành phố có khả năng không đạt được, trong đó 2 chỉ tiêu quan trọng là thu hút vốn đầu tư toàn xã hội chỉ đạt 90% kế hoạch và thu ngân sách trên địa bàn đạt khoảng 97,3%. Thu ngân sách tính đến hết tháng 11 mới đạt 86,2%, vì vậy khả năng tăng trưởng GDP toàn Thành phố cũng chỉ đạt khoảng 9,3% so với mục tiêu 9,5%.

Trong khi đó, đại diện Sở KH&ĐT Hà Nội cho biết, do sức cầu yếu, nên thời gian qua nhiều DN chủ yếu tập trung giải quyết lượng hàng tồn hơn là đầu tư phát triển. Vì vậy, dù Thành phố đã dành đến 100 tỷ đồng để hỗ trợ DN vay vốn, nhưng đến nay mới chỉ hấp thụ được khoảng 20 tỷ đồng.

Cũng chịu áp lực tăng thu là ngành hải quan, theo đại diện Tổng cục Hải quan, năm 2013, ngành cũng khó hoàn thành kế hoạch thu ngân sách, bởi đến hết tháng 11 mới thu được khoảng 200.000 tỷ đồng, đạt 83,7%.

 

3 khuyến nghị chính sách

Dẫn đánh giá của một tổ chức quốc tế rằng nền kinh tế Việt Nam đang chuyển động bằng 4 “động cơ” chính là DN nhà nước, DN tư nhân, DN FDI và kinh tế hộ nông dân, Giáo sư Nguyễn Mại, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và đầu tư cho rằng, hiện nay chỉ có “động cơ” FDI là đang hoạt động có hiệu quả, 3 “động cơ” còn lại đang gặp trục trặc cần phải sửa chữa.

“Giải pháp cho năm 2013 là không còn nữa, nhưng cho năm 2014 và những năm tiếp theo vẫn còn dư địa cho kinh tế Việt Nam phát triển”, ông Mại nói và chỉ ra rằng, dư địa quan trọng nhất là tập trung phát triển DN tư nhân.

Theo ông Mại, hiện chưa có bất kỳ một đánh giá nào phân tích cụ thể nguyên nhân vì sao DN tư nhân vừa qua “chết” hàng loạt, đồng thời tìm ra giải pháp để “cứu” những DN có khả năng “hồi sinh” giống như gói cứu trợ hơn 9 tỷ USD Chính phủ đã làm năm 2008. “Nếu được cứu, khối DN này có thể mang về sự tăng trưởng từ 1 - 1,5% mỗi năm”, ông Mại nói.

Dư địa thứ hai là đầu tư phát triển công nghiệp phụ trợ cho khối DN FDI. Thứ ba là tháo gỡ khó khăn để giải ngân thành công gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng cho bất động sản.

“Giải ngân được gói hỗ trợ này sẽ kích thích cho sự tăng trưởng của hàng loạt ngành kinh tế quan trọng như xây dựng, vật liệu, nội thất…, tạo công ăn việc làm cho hàng vạn lao động và có khả năng đem lại tăng trưởng khoảng 1% GDP mỗi năm”, ông Mại nhẩm tính.

Ghi nhận những khuyến nghị trên, Thứ trưởng Đào Quang Thu cho biết, sẽ tiếp thu để bổ sung vào báo cáo trình Chính phủ tại phiên họp tháng 11 tới.

>>Phục hồi kinh tế, đường về gập ghềnh

>>Chưa nên đặt mục tiêu phục hồi tăng trưởng nhanh

>>“Năm 2013, kinh tế sẽ phục hồi tốt hơn”

Minh Nhật
Minh Nhật

Tin cùng chuyên mục