Ngay sau khi tuyên án vụ kiện thứ 2 giữa khách hàng và chủ đầu tư Keangnam, Tòa án Nhân dân quận Nam Từ Liêm đã đưa ra xét xử vụ án thứ 3. Nguyên đơn là ông Lê Mạnh H., khởi kiện đề nghị Tòa án tuyên hủy hợp đồng mua bán căn hộ giữa ông H. và Công ty TNHH MTV Keangnam Vina và giải quyết hậu quả của hợp đồng vô hiệu.
Theo hồ sơ vụ việc, vào năm 2009, ông H. ký hợp đồng mua căn hộ B3504 tại tầng 35, tòa B có tổng diện tích là 126 m2 với giá là 352.000 USD, đã thanh toán hết tiền, nhận bàn giao căn hộ vào tháng 5/2011. Sau đó, giữa ông H. và Keangnam đã phát sinh tranh chấp.
Như hai vụ kiện đưa ra xét xử trước đó, khách hàng, ông H. cho rằng Keangnam đã vi phạm các quy định về quản lý và sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam khi bán căn hộ bằng USD. Vì việc này, Keangnam đã bị Ngân hàng Nhà nước xử phạt.
Ông H. cho rằng căn hộ Keangnam giao thiếu diện tích khoảng 14,6m2 so với diện tích trong hợp đồng. Theo ông H. diện tích mua bán ghi trong hợp đồng, theo quy định pháp luật và thỏa thuận trong hợp đồng, phải là diện tích thuộc sở hữu riêng, không bao gồm diện tích chung (cột chịu lực, hộp kỹ thuật…). Tuy nhiên, thực tế căn hộ đã bị tính cả phần diện tích chung này, thậm chí, một hộp kỹ thuật nằm ngoài hành lang cũng bị Keangnam tính luôn vào diện tích căn hộ bán cho khách hàng.
Đáng chú ý, tại phiên tòa sơ thẩm, nguyên đơn phản pháo bị đơn, khẳng định khởi kiện không phải vì thiếu tiền, chầy bửa không thanh toán như bị đơn đã nói ở những vụ kiện trước đó.
Việc khởi kiện là để buộc Keangnam phải tuân thủ pháp luật Việt Nam khi vào đây đầu tư, buộc Keangnam tôn trọng khách hàng Việt Nam, những người đã góp phần tạo nên lợi nhuận cho Keangnam và cả khoản chuyển giá 1200 tỷ đồng đã được cơ quan chức năng của Việt Nam xác định trước đó.
Theo nguyên đơn, ở nhiều dự án khác, khi căn hộ hoàn thành, chủ đầu tư thường đo lại và thiếu đâu trả lại đấy. Còn ở dự án này thì Keangnam không hề đo lại, thậm chí khách hàng yêu cầu cung cấp bản vẽ để khách hàng tự đo không cho.
Đến khi giải quyết ở tòa án, việc trưng cầu thẩm định tòa án yêu cầu mỗi bên chịu 50% phí thẩm định Keangnam cũng chịu trả, cuối cùng khách hàng phải trả hết.
Về phía Keangnam, chủ đầu tư này nhiều lần khẳng định không vi phạm quy định về quản lý ngoại hối bởi không niêm yết, quảng cáo, thanh toán bằng ngoại hối. Việc ghi giá bằng USD là để quy đổi cho tiện việc quản lý với một tập đoàn đa quốc gia.
Khi thanh toán, khách hàng đổi từ USD sang VND để trả cho Keangnam và việc này theo quy định tại Nghị quyết 04 của Hội đồng thẩm phán nhân dân tối cao thì không thuộc diện hợp đồng vô hiệu.
Chủ đầu tư Keangnam cũng khẳng định đã đo đúng diện tích theo phương pháp từ tim tường đến tim tường như đã thỏa thuận trong hợp đồng, sai số nếu có là rất nhỏ, dưới 1m2 và khó tránh khỏi.