Giảm lãi suất, kích cầu tín dụng
Kể từ khi đại dịch xảy ra vào đầu năm 2020 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã 3 lần điều chỉnh giảm lãi suất điều hành, tạo điều kiện cho các ngân hàng có thêm dư địa giảm lãi suất cho vay. Đến nay, lãi suất cho vay đã giảm khoảng 2%/năm so với trước dịch. Đồng thời, hệ thống ngân hàng đẩy mạnh tái cơ cấu vốn, giãn nợ cho khách hàng chịu ảnh hưởng bởi Covid-19.
Ngân hàng Nhà nước cũng đã ban hành Thông tư 14/2021 sửa đổi Thông tư 01/2020 kéo dài thời gian tái cơ cấu nợ cho khách hàng ảnh hưởng dịch Covid-19 đến tháng 6/2022. Theo đó, tính đến cuối tháng 10/2021, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho trên 500.000 khách hàng với dư nợ trên 260.000 tỷ đồng; lũy kế giá trị nợ đã cơ cấu từ 23/1/2020 tới 31/10/2021 vào khoảng 550.000 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng đã miễn, giảm, hạ lãi suất cho trên 1,9 triệu khách hàng bị ảnh hưởng dịch bệnh với dư nợ gần 3,79 triệu tỷ đồng. Lũy kế từ 23/1/2020 đến 31/10/2021, tổng số tiền lãi tổ chức tín dụng đã miễn, giảm cho khách hàng vào khoảng 31.400 tỷ đồng. Đồng thời, cho vay mới lãi suất thấp hơn so với trước dịch với doanh số lũy kế từ 23/1/2020 đến nay đạt trên 7 triệu tỷ đồng cho hơn 1,2 triệu khách hàng.
TS. Huỳnh Trung Minh, Chuyên gia tài chính |
Sau thời gian giãn cách xã hội kéo dài, nhu cầu vốn của khách hàng đã tăng trở lại trong mùa kinh doanh cao điểm cuối năm, nhất là doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất - kinh doanh hàng tiêu dùng, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ..., nhưng chưa thể trở lại mức cao như trước dịch. Có thể sau khi “ốm dậy”, sức khỏe doanh nghiệp mới từng bước hồi phục nên chưa thể sớm đẩy mạnh mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh và một số lĩnh vực dịch vụ vẫn còn hạn chế. Còn với khách hàng cá nhân, tác động của Covid-19 khiến thu nhập bị ảnh hưởng, do đó nhu cầu vốn tiêu dùng, mua sắm cũng khó bằng những năm trước. Thậm chí, nhiều khách hàng còn mất khả năng trả nợ, khiến nợ xấu lĩnh vực tiêu dùng có xu hướng tăng lên 8-9%, theo thống kê của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA).
Để đáp ứng cầu vốn của khách hàng dịp cuối năm, các ngân hàng tăng cường “bơm” vốn rẻ ra thị trường, song cầu vốn vẫn khó đột biến. Tín dụng toàn nền kinh tế năm nay được cho là tăng khoảng 10-12%, nhưng đến cuối tháng 10/2021 đã tăng 8,72%. Như vậy, dư địa còn lại cho tăng trưởng hoạt động cho vay 2 tháng cuối năm không còn nhiều. Thực tế, nhiều ngân hàng có lúc đã cạn room tín dụng và mới được Ngân hàng Nhà nước cấp thêm. Mặt khác, trong bối cảnh hiện tại, ngân hàng không thể ồ ạt cho vay, thậm chí còn kiểm soát cho vay chặt chẽ hơn để hạn chế nợ xấu gia tăng.
Cần thêm gói cấp bù lãi suất
Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay đã giảm mạnh thời gian qua. Đáng chú ý, sau khi cam kết giảm lãi suất cho vay với VNBA, đến nay, tổng số tiền lãi giảm lũy kế từ 15/7/2021 đến 31/10/2021 của 16 ngân hàng thương mại cổ phần (chiếm 75% tổng dư nợ nền kinh tế gồm VietinBank, Vietcombank, Agribank, BIDV, MBBank, LienVietPostBank, TPBank, VIB, ACB, SeAbank, SHB, HDBank, MSB, VPBank, Techcombank, Sacombank) vào khoảng 15.559 tỷ đồng (tăng 3.323 tỷ đồng so với thời điểm 30/9/2021, tương ứng tăng 27,16%), đạt 75,48% so với cam kết (theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước). Điều này cũng cho thấy được nỗ lực của ngành ngân hàng trong việc giảm lãi vay cho khách hàng, cho dù áp lực nợ xấu tăng, trích dự phòng cao, nhất là với khoản nợ tái cơ cấu vì dịch bệnh.
Dư địa còn lại cho tăng trưởng hoạt động cho vay 2 tháng cuối năm không còn nhiều.
Để giảm được lãi suất cho vay, trước hết đòi hỏi ngân hàng phải cắt giảm chi phí đầu vào cũng như tiết giảm chi phí hoạt động, vận hành, nhưng mặt bằng lãi suất tiền gửi đã giảm mạnh trong thời gian qua khiến huy động tiết kiệm của ngân hàng giảm. Số liệu Ngân hàng Nhà nước mới công bố cho thấy, tính đến cuối tháng 9/2021, tổng phương tiện thanh toán toàn nền kinh tế đạt hơn 12,8 triệu tỷ đồng, tăng 6,35% so với cuối năm 2020. Tổng tiền gửi tại các tổ chức tín dụng đạt hơn 10,5 triệu tỷ đồng, tăng gần 5,3%. Trong đó, tiền gửi của các tổ chức kinh tế đạt hơn 5,2 triệu tỷ đồng, tăng 380.291 tỷ đồng, tương đương tăng 7,8% so với đầu năm. Tuy nhiên, tiền gửi dân cư chỉ tăng 2,92%, đạt gần 5,3 triệu tỷ đồng, tương đương tăng hơn 150.000 tỷ đồng so với đầu năm nay.
Tính riêng trong tháng 8 và tháng 9/2021, tiền gửi dân cư liên tục sụt giảm so với các tháng trước đó. Cụ thể, lượng tiền gửi của người dân trong tháng 9/2021 giảm 1.473 tỷ đồng, trong khi vào tháng 8/2021, con số này chỉ ghi nhận giảm 986 tỷ đồng. Điều này cho thấy, nguồn tiền nhàn rỗi đã chuyển hướng sang các kênh đầu tư khác có lợi tức cao hơn khi lãi suất tiết kiệm giảm mạnh và thực tế là chứng khoán đang là một trong những kênh đầu tư hút rất mạnh dòng tiền.
Trước áp lực lãi suất tiền gửi giảm, tăng trưởng tiền gửi của ngân hàng cũng sụt giảm theo. Trong khi đó, cầu vốn khách hàng dần phục hồi trong mùa kinh doanh cao điểm cuối năm và khi dịch bệnh được kiểm soát nhờ tăng độ phủ vắc-xin..., thì ngân hàng sẽ phải đẩy mạnh huy động vốn. Khi đó, việc mặt bằng lãi suất đầu vào tăng trở lại cũng là bình thường.
Trên thực tế, mặt bằng lãi suất tiết kiệm bắt đầu tăng ở một số ngân hàng quy mô vừa và nhỏ, ở cả kỳ hạn ngắn và dài, mức cao nhất cho kỳ hạn 1-6 tháng là 3-3,95%/năm và kỳ hạn trên 12 tháng là 5-6,8%/năm. Nếu lạm phát năm 2021 được kiểm soát ở mức 4% thì với mặt bằng lãi suất trên, người gửi tiền vẫn có thể được được hưởng lãi suất thực dương. Tuy nhiên, áp lực lạm phát năm tới đang gia tăng khi cung tiền đưa ra thị trường ngày một nhiều hơn, thêm vào đó thị trường cổ phiếu, bất động sản vẫn hấp dẫn... sẽ là lý do để các ngân hàng phải điều chỉnh tái tăng lãi suất tiền gửi tiết kiệm, dù chỉ ở mức nhẹ.
Thời gian qua, các ngân hàng đã nỗ lực giảm lãi suất, giảm phí, giãn hoãn nợ để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn do dịch, nên khó tiếp tục giảm thêm lãi suất cho vay trong tháng cuối năm. Vì thế, để các ngân hàng có thêm dư địa tiếp tục hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp, việc có thêm các gói cấp bù lãi suất cho cùng với phương pháp triển khai phù hợp là cần thiết.