Thêm doanh nghiệp tỷ đô ngành điện sắp niêm yết sàn HOSE

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) EVNGENCO3 – doanh nghiệp đứng thứ hai cả nước về tổng công suất sản xuất điện sau EVN và cũng là “ông lớn” trên sàn chứng khoán về quy mô vốn hoá vừa được chấp thuận niêm yết trên sàn HOSE.

PGV sắp “chuyển nhà” từ UPCoM sang HOSE

Ngày 31/12/2021, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) đã có văn bản chấp thuận niêm yết 1.123.468.046 cổ phiếu PGV của Tổng công ty Phát điện 3 (EVNGENCO3), tương ứng với mức vốn điều lệ hơn 11.234 tỷ đồng.

Hiện PGV đang giao dịch trên sàn UPCoM với giá đóng cửa phiên gần nhất (30/12/2021) là 38.700 đồng/cổ phiếu.

Với mức vốn hoá thị trường đạt 43.478 tỷ đồng (1,92 tỷ USD), EVNGENCO3 đang nằm trong top 50 cổ phiếu có vốn hóa thị trường trên thị trường chứng khoán Việt Nam, đồng thời cũng dẫn đầu trong nhóm các doanh nghiệp sản xuất điện điện trên sàn.

Cổ phiếu PGV đã tăng 36% trong ba tháng gần đây và nằm trong top cổ phiếu ngành điện giao dịch tích cực.

Không riêng PGV, dòng cổ phiếu điện đang được định giá cao hơn và thu hút thêm đáng kể dòng tiền của nhà đầu tư nhờ kỳ vọng phục hồi kinh tế. Sản lượng điện năm 2021 tăng trưởng chậm do ảnh hưởng của Covid và tình trạng giãn cách kéo dài tại nhiều vùng kinh tế trọng điểm.

Dựa trên kịch bản tăng trưởng GDP là 6,5% nhờ tỷ lệ bao phủ vaccine cao và nền kinh tế dần mở cửa trở lại, bộ phận phân tích của Chứng khoán SSI kỳ vọng sản lượng tiêu thụ điện năm 2022 tăng trưởng 9% so với cùng kỳ.

Vốn hoá thị trường và tăng trưởng quy mô vốn hoá 3 tháng gần đây của doanh nghiệp điện niêm yết.

Vốn hoá thị trường và tăng trưởng quy mô vốn hoá 3 tháng gần đây của doanh nghiệp điện niêm yết.

Theo báo cáo tài chính quý III, doanh thu thuần của EVNGENCO3 trong 9 tháng đầu năm đạt 28.397 tỷ đồng, giảm 8% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, nhờ tiết giảm chi phí lãi vay cùng diễn biến tích cực của tỷ giá, lợi nhuận hợp nhất đạt 2.975 tỷ đồng, gấp 2 lần mức lãi đạt được cùng kỳ năm trước và cũng là mức cao kỷ lục kể từ khi doanh nghiệp này cổ phần hoá và lên sàn năm 2018.

Trong cập nhật gửi nhà đầu tư mới đây, EVNGENCO3 cho biết doanh thu của Công ty mẹ 11 tháng ước đạt 33.073 tỷ đồng. Sản lượng điện cùng doanh thu dù giảm so với năm 2020 nhưng kết quả sản xuất kinh doanh năm 2021 dự kiến vẫn vượt kế hoạch đề ra đầu năm.

“Á quân” ngành điện về công suất, EVNGENCO 3 có gì?

EVNGENCO3 là nhà sản xuất điện quy mô lớn của Việt Nam với tổng công suất xấp xỉ 6.559 MW, đứng thứ hai cả nước sau Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Sản lượng điện bình quân hằng năm của công ty mẹ giai đoạn 2016 - 2020 giữ ổn định ở mức khoảng 31 tỷ kW/h.

Cập nhật đến cuối quý III/2021, tổng tài sản hợp nhất của EVNGENCO3 đạt 70.557 tỷ đồng, tương đương hơn 3,1 tỷ USD. Vốn điều lệ của EVNGENCO3 xấp xỉ 11.235 tỷ đồng. Sau đợt chi trả cổ tức hồi tháng 7/2021 với tỷ lệ 5% bằng tiền và 5% bằng cổ phiếu, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 30/9/2021 vẫn còn tới 4.418 tỷ đồng, tương đương 39,3% quy mô vốn điều lệ.

Các khoản nợ phải trả liên tục giảm mạnh, còn gần 53.776 tỷ đồng tại thời điểm cuối quý III. Tỷ lệ nợ vay nhờ đó giảm còn 76,2% từ mức 87% thời điểm mới đưa cổ phiếu lên sàn. Hệ số phản ánh khả năng sinh lời được cải thiện: Lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu bình quân (ROE) tăng từ 9,48% (năm 2019) lên 13,03% (năm 2020).

Tình hình tài chính và khả năng sinh lời của EVNGENCO3 – Nguồn: BCTC.
Tình hình tài chính và khả năng sinh lời của EVNGENCO3 – Nguồn: BCTC.

Về cơ cấu nguồn điện, EVNGENCO3 sở hữu đa dạng loại hình phát điện gồm nhiệt điện khí, nhiệt điện than, thủy điện và điện mặt trời.

Trong đó, Nhiệt điện Phú Mỹ là đơn vị có công suất lớn nhất (2.540 MW), bao gồm 4 nhà máy nhiệt điện khí là Nhiệt điện Phú Mỹ 1, Nhiệt điện Phú Mỹ 2.1, Nhiệt điện Phú Mỹ 2.1 mở rộng và Nhiệt điện Phú Mỹ 4. Các nhà máy nhiệt điện than gồm Nhiệt điện Vĩnh Tân (1.244 MW), Nhiệt điện Mông Dương 1 (1.080 MW).

Cùng đó, EVNGENCO3 còn có công ty Thủy điện Buôn Kuốp quản lý và vận hành 3 nhà máy thủy điện với tổng công suất 586 MW trên lưu vực sông Srêpốk; nhà máy Điện mặt trời Vĩnh Tân 2 (42,65 MWp) và các công ty con, công ty liên kết sở hữu nhà máy nhiệt điện, thuỷ điện công suất lớn.

Nhận định trong báo cáo phân tích gần đây, bên cạnh kỳ vọng về sự phục hồi nhu cầu tiêu thụ điện, Chứng khoán SSI cũng dự báo nhu cầu tiêu thụ nhiệt điện sẽ tăng lên do tình hình thủy văn nhiều khả năng kém thuận lợi trong năm 2022, trong đó, tăng trưởng lợi nhuận của nhóm điện than ước tính sẽ tốt hơn, còn nhóm điện khí có thể chỉ đi ngang do giá khí ở mức cao.

EVNGENCO3 có thể hưởng lợi với nhà máy nhiệt điện than phía bắc. Cùng đó, tình hình thuỷ văn thuận lợi khu vực Tây Nguyên thời gian qua đã giúp các nhà máy thuộc Thủy điện Buôn Kuốp tích nước và có thể được huy động cao vào năm 2022.

Bên cạnh các dự án hiện có, EVNGENCO3 đang tiếp tục xúc tiến Dự án Trung tâm Điện lực Long Sơn với quy mô giai đoạn 1 công suất 1.200 - 1.500MW, lên kế hoạch thúc đẩy hợp tác đầu tư các dự án điện gió trên bờ.

Thanh Thủy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục