Ông Lâm cho hay, để đảm bảo nguồn khí đầu vào cho phát điện trong điều kiện sản lượng khí Nam Côn Sơn hiện nay đã giảm, chỉ còn khoảng 16 - 17 triệu m3/ngày đêm so với trước đây là 21 triệu m3/ngày đêm, việc nhập khẩu và sử dụng khí LNG cho phát điện của các nhà máy tại Trung tâm nhiệt điện Phú Mỹ do EVNGenco3 quản lý đã được tính toán.
Được biết, EVNGenco3 đang làm việc với Công ty Hải Linh về nguồn cung cấp khí LNG từ năm 2020. Tuy nhiên đối tác yêu cầu có cam kết bao tiêu và ký hợp đồng tối thiểu là 5 năm cũng như chưa chốt được giá chính thức bởi mức giá được đưa ra đang tính toán theo giá khí ngoài bao tiêu nên khá cao và đang đàm phán lại để sớm chốt.
“Họ có cảng lớn và đang làm kho cùng hệ thống liên quan. EVNGenco3 cũng chỉ mua lượng khí thiếu, cỡ 2 triệu m3/ngày đêm, tương đương cỡ 0,6 tỷ m3 khí/năm”, ông Lâm cho phóng viên báo Đầu tư - baodautu.vn biết.
Vào đầu năm 2017, Vingroup đã ban hành Nghị quyết thông qua phương án sáp nhập Công ty Cổ phần Năng lượng Hải Linh vào tập đoàn theo 2 bước.
Bước 1, Vingroup nhận chuyển nhượng 6% cổ phần của các cổ đông còn lại để sở hữu 100% và chuyển đổi Công ty thành Công ty TNHH MTV. Bước 2, tiến hành sáp nhập Công ty Hải Linh vào Tập đoàn.
Trước đó vào tháng 9/2016, Vingroup đã nhận chuyển nhượng 940.000 cổ phần của Năng lượng Hải Linh với mức giá 94 tỷ đồng, tương đương 94% vốn điều lệ của Công ty.
Trước đó, vào tháng 4/2018, Bộ Công Thương đã có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ việc bổ sung Quy hoạch đối với dự án Kho tiếp nhập khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) và tái hóa khí thiên nhiên Hải Linh - Vũng Tàu (quy mô 220.000 m3) tại Khu công nghiệp Cái Mép, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vào Quy hoạch.
Theo Bộ Công Thương, mục tiêu đầu tư xây dựng kho chứa LNG là kinh doanh thương mại khí thiên nhiên hoá lỏng (LNG) phục vụ nhu cầu khí đốt cho các hộ công nghiệp bằng CNG và LNG (tái hoá khí tại các hộ tiêu thụ) và cung cấp LNG cho các nhà máy điện, các hộ công nghiệp tiêu thụ lớn LNG trong khu vực thông qua hệ thống tuyến ống thấp áp bảo đảm hiệu quả và phù hợp với quy định của pháp luật TP. HCM.
Tổng công suất của dự án Kho LNG có sức chứa 220.000 m3, trong đó sức chứa giai đoạn 1 là 120.000 m3.
Giai đoạn 1, xây dựng và hoàn thành 2 bể (1 bể thể tích chứa 80.000 m3, 1 bể thể tích chứa 40.000 m3); dự kiến đưa vào vận hành năm 2020. Giai đoạn 2, xây dựng và hoàn thành 1 bể, thể tích 100.000 m3; dự kiến đưa vào vận hành sau năm 2020.
Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 ước tính 5.383 tỷ đồng và giai đoạn 2 ước tính 3.152 tỷ đồng. Phương án huy động vốn 30% vốn chủ sở hữu, 70% vốn vay ngân hàng và các tổ chức tín dụng.
Dự án có kế hoạch khởi công xây dựng quý 2/2018 và bắt đầu vận hành giai đoạn 1 vào năm 2020.
Theo Bộ Công Thương, đề xuất của Công ty Hải Linh (chủ đầu tư dự án), khu vực đề xuất dự án có vị trí địa chiến lược về cảng nước sâu, luồng Vũng Tàu - Thị Vải có độ sâu 12-14m, có thể tiếp nhận tàu có tải trọng gần 200.000 DWT, khu vực Đông Nam Bộ tập trung nhiều nhà máy nhiệt điện, có nhiều khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu chế xuất lớn của cả nước.