Thêm chế tài phát triển thanh toán không dùng tiền mặt

Muốn đẩy mạnh phát triển thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM), điều cần thiết là phát triển thêm mạng lưới chấp nhận thẻ và đưa ra nhiều dòng sản phẩm thẻ đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng. 
Thêm chế tài phát triển thanh toán không dùng tiền mặt

Do đó, quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) với chế tài xử phạt 30 – 50 triệu đồng khi vi phạm phân biệt giá trong thanh toán thẻ, thu phụ phí từ chủ thẻ, được xem là giải pháp thực hiện chủ trương nói trên.

Trên thực tế, 2 năm qua, cơ sở hạ tầng và công nghệ phục vụ TTKDTM tiếp tục được hệ thống ngân hàng chú trọng đầu tư, nâng cao chất lượng và phát huy hiệu quả, tạo sự phát triển đồng bộ và bảo đảm an ninh, an toàn hoạt động TTKDTM, phục vụ tốt việc cung ứng các dịch vụ, phương tiện TTKDTM mới, hiện đại.

Hoạt động TTKDTM tiếp tục có chuyển biến tích cực, tạo sự chuyển biến mới trong nhận thức và thói quen của doanh nghiệp, cá nhân. Tỷ lệ tiền mặt/tổng phương tiện thanh toán tiếp tục xu hướng giảm (cuối năm 2013 chỉ còn ở mức 12,6% giảm từ 13% trong năm 2012 và 14,2% của năm 2010, giảm mạnh từ 19,27% vào năm 2006).

Tuy nhiên, để đẩy mạnh phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, theo ông Arn Vogels, Giám đốc Khu vực Đông Dương (MasterCard), cần thiết phát triển thêm mạng lưới chấp nhận thẻ, cũng như phát triển được nhiều dòng sản phẩm thẻ để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Trong khi đó, hiện không ít cửa hàng chấp nhận thanh toán thẻ vẫn thu phụ phí từ chủ thẻ, với mức 2 - 3%, nên nhiều khách hàng đã lên tiếng khiếu nại, vì không có quy định nào về thu phụ phí trong thanh toán bằng thẻ khi mua hàng, mà phải do ngân hàng trả cho ngân hàng thanh toán, sau đó ngân hàng thanh toán trả cho ngân hàng phát hành.

Nhưng đó cũng chỉ là thỏa thuận giữa các bên với nhau, còn thực tế vẫn không có quy định về thu phụ phí. Do đó, với quy định của NHNN đưa ra mức xử phạt 30 – 50 triệu đồng khi vi phạm phân biệt giá trong thanh toán thẻ, thu phụ phí từ chủ thẻ, theo đánh giá từ các chuyên gia tiền tệ, đây được xem là một trong những giải pháp thực hiện chủ trương TTKDTM đang cần đẩy mạnh.

Theo Quy chế phát hành, thanh toán, sử dụng và cung cấp dịch vụ hỗ trợ hoạt động thẻ ngân hàng (ban hành kèm theo Quyết định 20/2007/QĐ-NHNN, nay là Văn bản hợp nhất số 04/VBHN-NHNN ngày 24/4/2014), ngân hàng thanh toán có nghĩa vụ yêu cầu đơn vị chấp nhận thẻ đơn vị chấp nhận thẻ không được phân biệt giá trong thanh toán thẻ (Điều 24). Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp, cửa hàng vẫn tính phí 1-3% với khách hàng thanh toán bằng thẻ. Ở một số siêu thị, chuỗi cửa hàng bán lẻ, chủ các doanh nghiệp tuy không tính phụ phí với khách hàng cà thẻ, nhưng lại tự động cắt giảm các chương trình khuyến mại nếu người dân chọn hình thức này.

Để chấn chỉnh tình trạng trên, NHNN yêu cầu, các nhà băng phải dừng ký kết hợp đồng thanh toán thẻ với đơn vị cố tính thu phí của khách hàng trong 1 năm. Nếu tái phạm, thời hạn không được phép ký kết hợp đồng 3 - 5 năm. Biện pháp tương tự cũng được áp dụng với hành vi phân biệt giá trong thanh toán qua thẻ. NHNN cũng đề xuất bổ sung quy định xử phạt 30 - 50 triệu với các cửa hàng thực hiện thu phụ phí từ chủ thẻ. Số tiền này sẽ buộc đơn vị vi phạm nộp vào ngân sách nhà nước.

Cũng theo ông Arn Vogels, việc NHNN vừa đưa ra chế tài đối với việc thu phụ phí thẻ là cần thiết cho quá trình phát triển sản phẩm, dịch vụ thẻ hướng đến mục tiêu TTKDTM, vì hiện ở Việt Nam, việc sử dụng tiền mặt trong thanh toán còn khá lớn, chiếm đến 90% trong giao dịch, thanh toán. Do đó, để thực hiện được mục tiêu thanh TTKDTM mà NHNN đang đẩy mạnh, đòi hỏi trước hết là phát triển được điểm chấp nhận thẻ để giúp khách hàng có thể dễ dàng dùng thẻ thanh toán khi mua hàng hóa.

Vân Linh
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục