Thế trói tay của Tổng thống Trump trong vấn đề an ninh quốc gia

Quốc hội Mỹ đang cho thấy họ muốn kiềm chế quyền lực của ông Trump trong các vấn đề an ninh quốc gia, dù lớn hay nhỏ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh:ABC News. Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh:ABC News.

Từ vấn đề Nga tới ngân sách Lầu Năm Góc, người Cộng hòa ở quốc hội Mỹ đang đề xuất các biện pháp mới nhằm kiềm chế quyền lực của Nhà Trắng và đôi khi, họ đơn giản chỉ phớt lờ những mong muốn từ chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump liên quan đến an ninh quốc gia và chính sách đối ngoại, theo CNN.

Bỏ ngoài tai những lời bình luận tốt đẹp mà ông Trump dành cho Nga, thượng viện Mỹ mới đây thông qua loạt biện pháp trừng phạt bổ sung nhằm vào Moscow. Bất kỳ quyết định dỡ bỏ cấm vận nào của chính quyền Trump đối với Nga đều phải được quốc hội chấp thuận.

Các ủy ban quốc hội cũng đã phê chuẩn 3 gói ngân sách quốc phòng với giá trị lớn hơn đề xuất từ chính quyền Trump 30 tỷ USD sau khi người Cộng hòa than phiền rằng đề xuất ngân sách mà Tổng thống Mỹ đưa ra không đủ để tái xây dựng quân đội như lời ông hứa.

Bất ngờ hơn, tuần trước, Ủy ban Phân bổ Ngân sách Hạ viện Mỹ bỏ phiếu thông qua việc thu hồi Quyền Sử dụng Quân đội, vốn là cơ sở pháp lý để Mỹ can thiệp quân sự vào cuộc chiến ở Iraq, Syria và Afghanistan.

Theo nhà phân tích về an ninh quốc gia Mieke Eoyang, rõ ràng khả năng lãnh đạo của chính quyền Trump bị hoài nghi. "Chính vì thế quốc hội đang ngày càng thể hiện vai trò tích cực hơn trong vấn đề an ninh quốc gia, lần đầu tiên sau quãng thời gian dài", ông nhấn mạnh.

Lập pháp đối đầu Hành pháp

Quốc hội chắc chắn không thể tước hết quyền lực của tổng thống. Một số chuyên gia nhận định hầu hết những bước đi gần đây chỉ mang tính biểu tượng.

"Tôi lạc quan thận trọng về việc quốc hội đang tìm cách xác nhận vài vấn đề giữa lúc những tiến trình liên quan đến an ninh quốc gia còn lộn xộn. Nhưng hiện tại, chúng chưa khiến tôi ấn tượng rằng đây là một cuộc kiểm tra quan trọng", ông Loren DeJonge Schulman, nhà phân tích quốc phòng tại Trung tâm An ninh Mỹ Mới, bình luận.

"Tôi nghĩ họ muốn kiểm tra chính quyền này bằng việc từ chối cấp ngân sách cho các đề xuất của chính phủ hay hoãn chi tiền cho các cuộc chiến tới khi có một chiến lược rõ ràng".

Thực tế, những nỗ lực gây cản trở như trên từng diễn ra dưới thời tổng thống Mỹ Barack Obama khi ông muốn đóng cửa nhà tù trên vịnh Guantanamo, Cuba, và rút lại thẩm quyền giám sát của các cơ quan Mỹ.

Thời kỳ đầu chính quyền Trump, các thành viên Cộng hòa lãnh đạo quốc hội đặt kỳ vọng nhóm an ninh quốc gia, gồm Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis, cố vấn an ninh quốc gia H.R. McMaster và giám đốc Cơ quan Tình báo Dan Coats, có thể giúp ông Trump đi đúng hướng.

Tổng thống Mỹ từng được ca ngợi vì quyết định dội tên lửa hành trình Tomahawk vào một căn cứ quân sự Syria hồi tháng 4 khi cáo buộc chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad tấn công hóa học thị trấn Khan Sheikhoun làm hơn 80 người chết.

Song trong nhiều trường hợp, ông Trump bỏ qua nhóm an ninh quốc gia và các tuyên bố, quyết định hành động hoặc không hành động của ông đã khơi dậy những tiếng nói phản đối mạnh mẽ ở Đồi Capitol.

"Chúng ta đang nhìn thấy sự hoài nghi ngày càng tăng ở quốc hội, đặc biệt từ những nghị sĩ thuộc đảng của Tổng thống, về năng lực và sự sẵn sàng ở ông Trump khi xử lý các vấn đề an ninh quốc gia quan trọng, phức tạp cũng như trách nhiệm với tư cách tổng tư lệnh nước Mỹ", John Kirby, cựu phát ngôn viên Lầu Năm Góc và Bộ Ngoại giao Mỹ, nhận xét.

Dự luật về những biện pháp trừng phạt Nga của thượng viện đến nay là cuộc chiến đáng chú ý nhất liên quan tới quyền lực an ninh quốc gia. Dự luật, được thông qua với tỷ lệ 98 thuận - 2 chống, cho phép quốc hội ngăn cản ông Trump rút lại những biện pháp trừng phạt áp đặt lên Moscow. Các thượng nghị sĩ Mỹ đang thúc ép Hạ viện thông qua dự luật mà không làm yếu nó.

Ở các vụ việc khác, quốc hội Mỹ có những động thái mang tính biểu tượng nhằm thể hiện thái độ phản đối ông Trump.

Chẳng hạn, thượng viện Mỹ đã thông qua một điều khoản sửa đổi hiến pháp tái khẳng định sự ủng hộ đối với Điều khoản số 5 của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), quy định rằng tấn công vào một thành viên đồng nghĩa với tấn công toàn bộ khối. Hành động trên nhằm phản ứng trước bài phát biểu hồi tháng 5 của Tổng thống Mỹ tại trụ sở NATO. Lúc bấy giờ, ông đã không nhấn mạnh mục tiêu này.

the-troi-tay-cua-trump-trong-van-de-an-ninh-quoc-gia-1

Thượng nghị sĩ John McCain. Ảnh:Reuters.

Các thượng nghị sĩ Cộng hòa chủ chốt đồng thời còn tham gia trực tiếp vào những quyết sách về ngoại giao. Sau khi ông Trump chọn đứng về phía Arab Saudi trong quyết định cô lập Qatar tháng trước, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ Bob Corker đã lên tiếng.

Nghị sĩ Cộng hòa bang Tennessee cho biết ông sẽ dùng quyền hạn của mình để ngăn Mỹ bán vũ khí cho bất kỳ quốc gia nào liên quan tới cuộc khủng hoảng ở Trung Đông cho đến khi xuất hiện một giải pháp hợp lý cho vấn đề.

Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện John McCain chỉ trích chính quyền vì không thể đề ra một chiến lược cụ thể ở Afghanistan, nơi có 8.400 binh sĩ Mỹ đang đóng quân. Ông McCain tháng trước cảnh báo sẽ tự đưa ra giải pháp.

"Tổng thống có hai lựa chọn: Công bố một chiến lược hoặc chúng tôi sẽ biến một chiến lược mà chúng tôi phát triển thành dự luật quốc phòng", ông McCain quả quyết.


Theo Vnexpress

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục