Ứng dụng IATA Travel Pass quản lý hồ sơ xét nghiệm và tiêm vắc-xin Covid-19 của hành khách sẽ đáp ứng một phần nhu cầu đó.
Một trong những cường quốc du lịch trong khu vực Đông Nam Á là Thái Lan chỉ đón tiếp được hơn 6 triệu lượt khách du lịch quốc tế trong năm 2020, so với gần 40 triệu lượt khách trong năm 2019.
Theo Tổng cục Thống kê, số lượng khách quốc tế đến Việt Nam năm 2020 chỉ là 3,8 triệu lượt, giảm gần 80% so với năm 2019, trong đó hơn 96% là khách quốc tế đến trong quý I/2020 - trước giai đoạn dịch bệnh bùng phát mạnh trên toàn cầu.
Một vài con số đó thôi cũng cho thấy sự tổn thất nặng nề như thế nào với ngành du lịch của Đông Nam Á và những ngành có liên quan như hàng không. Mấu chốt quan trọng để giữ lại sinh khí cho ngành công nghiệp không khói này ở nhiều nước là phải tăng thu hút khách quốc tế, đồng thời kích cầu du lịch nội địa.
Vì thế, việc mở cửa lại di chuyển giữa các quốc gia, đặc biệt là các đường bay quốc tế, trở thành mục tiêu sống còn của một số nền kinh tế trong năm 2021. Nhưng trở ngại lớn nhất là làm thế nào để khách quốc tế không bị áp dụng các thủ tục cách ly nhiều ngày. Đây là điểm nghẽn lớn của việc tái mở cửa biên giới và thu hút khách du lịch. Bước đầu tiên là phải đảm bảo rằng, tất cả các hãng hàng không và cơ quan xuất nhập cảnh ở sân bay phải có được các thông tin chính xác về tình trạng sức khỏe của mỗi hành khách, đặc biệt là xác nhận hành khách đó đã có kết quả xét nghiệm với Covid-19 như thế nào, hay đã được tiêm vắc-xin chưa.
Sáng kiến IATA Travel Pass
Một trong những sáng kiến để giải quyết vấn đề trên của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) là sáng kiến IATA Travel Pass. Đây là một ứng dụng miễn phí nhằm quản lý hồ sơ xét nghiệm và tiêm vắc-xin Covid-19 của hành khách có thể được tải về điện thoại. Từ đó, người ta có thể dễ dàng kiểm tra xem hành khách đó có đủ điều kiện về xét nghiệm và vắc-xin để nhập cảnh mà không cần bị cách ly hay không.
Dự kiến, vào cuối tháng 3/2021, ứng dụng miễn phí IATA Travel Pass sẽ được phát hành. Đây là ứng dụng dựa trên công nghệ blockchain. Ứng dụng này được cho là sẽ giải quyết được 3 điểm yếu của các giấy chứng nhận sức khỏe liên quan đến dịch Covid-19 hiện nay.
Thứ nhất, tránh được tình trạng làm giả thông tin xét nghiệm âm tính đã xuất hiện ở nhiều nước, nhất là những nước sử dụng các loại giấy tờ chứng nhận, chứ không dùng công cụ số hóa. Thực tế, những tờ giấy chứng nhận đó không khó làm giả ở một số nước.
Thứ hai, IATA kỳ vọng, hệ thống này sẽ đủ đơn giản và kết nối được với yêu cầu của các nước để hành khách du lịch quốc tế không bị lạc trong ma trận những đòi hỏi khác nhau và không thống nhất về tiêu chí cho phép nhập cảnh của từng quốc gia liên quan đến chứng nhận vắc-xin hay xét nghiệm âm tính.
Thứ ba, hệ thống này cũng được kỳ vọng sẽ làm người sử dụng bớt lo lắng về chuyện lộ hồ sơ y tế cá nhân. Phía IATA cho rằng, dữ liệu liên quan đến “hồ sơ sức khỏe Covid-19” sẽ chỉ được lưu trên thiết bị cá nhân của hành khách và chỉ có thông tin về xét nghiệm hay vắc-xin liên quan đến Covid-19 mới được chia sẻ với hệ thống máy tính của các sân bay khi cần xác nhận thông tin. Nói cách khác, hành khách được kỳ vọng “kiểm soát hoàn toàn dữ liệu của mình” và chỉ chia sẻ thông tin liên quan đến các chứng nhận xét nghiệm và vắc-xin với hãng hàng không và sân bay. Các hồ sơ y tế khác của cơ sở y tế và phòng xét nghiệm sẽ hoàn toàn không được chia sẻ, đảm bảo hồ sơ y tế cá nhân vẫn được bảo mật.
Con đường mở cửa còn nhiều nhọc nhằn
Giả sử ứng dụng thẻ thông hành hoạt động tốt, thì vẫn còn nhiều vấn đề cần phải giải quyết và không dễ gì có một câu trả lời có thể nhận được sự đồng thuận dễ dàng.
Trước tiên, tiêu chí nào để cho nhập cảnh mà không cần cách ly. Mặc dù số ca bệnh trên toàn cầu đang đi theo chiều hướng giảm nhanh trong những ngày gần đây, song nguy cơ mầm bệnh tồn tại trong cộng đồng của nhiều nước vẫn còn đó, trong khi triển vọng đạt được miễn dịch cộng đồng thông qua vắc-xin có thể cần nhiều tháng nữa, nhất là trong tình trạng thiếu hụt nguồn cung vắc-xin trên toàn cầu.
Giả sử ứng dụng thẻ thông hành hoạt động tốt, thì vẫn còn nhiều vấn đề cần phải giải quyết và không dễ gì có một câu trả lời có thể nhận được sự đồng thuận dễ dàng.
Mặt khác, ngay cả ở những nước đã tiêm vắc-xin cho được gần 20 triệu người, mỗi ngày có hàng trăm ngàn người mới được tiêm vắc-xin như ở Anh, thì số được tiêm cũng mới chỉ là người già, người có bệnh nền... - những đối tượng ít có khả năng là khách tiềm năng đến Việt Nam.
Do đó, nếu đặt tiêu chí là người đã được tiêm vắc-xin mới cho nhập cảnh không cần cách ly, thì sẽ có rất ít người thỏa mãn yêu cầu. Thay vào đó, cần có một sự kết hợp giữa kết quả xét nghiệm và vắc-xin để đưa ra giải pháp về việc cho phép nhập cảnh mà không cần cách ly hoặc cách ly rất ngắn ngày.
Ở đây, tất nhiên cũng tồn tại câu hỏi về độ tin cậy của những kết quả xét nghiệm ở các nước khác nhau, cũng như niềm tin về mức độ an toàn cho cộng đồng khi cho những du khách mà mình không biết được 100% có nhiễm bệnh hay không. Ngay cả với người đã tiêm vắc-xin, cũng không có gì đảm bảo họ không mang mầm bệnh và có thể lây bệnh cho người khác, vì hiệu quả của vắc-xin chưa bao giờ đạt 100%.
Vì vậy, sẽ luôn có một sự đánh đổi giữa sức khỏe và kinh tế trong mọi quyết định mở cửa hàng không quốc tế lúc này. Trước đây, khi Thái Lan quyết định mở cửa biên giới lại để thu hút khách du lịch, cũng đã có những tranh luận nảy lửa về việc đó. Nhiều người làm việc ở các tỉnh là tâm điểm du lịch tỏ ra lo ngại. Họ cho rằng, du khách đến rồi đi, chỉ có cộng đồng nội địa là luôn ở đó. Vì vậy, nếu có một ca lây nhiễm cộng đồng xuất phát từ du khách, thì chính những người Thái Lan ở đó sẽ gánh chịu nặng nhất, chứ không phải công ty lữ hành, hãng hàng không hay du khách. Khi phải chọn lựa giữa miếng cơm manh áo và sức khỏe, nhiều người chọn sức khỏe.
Thế nhưng, ở một góc nhìn khác, chưa bao giờ có gì đảm bảo là “bế quan tỏa cảng” với hàng không quốc tế thì sẽ không có ca bệnh cộng đồng, bởi đường biên giới vẫn có thể bị vượt qua trái phép bằng đường bộ, đường biển. Cũng không ai đảm bảo 100% là không có mầm bệnh trong cộng đồng. Và hơn nữa, chọn giữa miếng cơm manh áo và bị nhiễm Covid-19, nhưng không chắc là diễn tiến nặng, nhiều người sẽ chọn sinh kế. Có người cho biết, họ sợ chết đói hơn chết dịch.
Chính vì vậy, ứng dụng của IATA sẽ không giải quyết được những vấn đề này. Đây là lựa chọn mà các nhà lãnh đạo phải đưa ra dựa trên những thông tin mà các bác sĩ, nhà khoa học và các chuyên gia kinh tế cung cấp. Sẽ không có sự đồng thuận dễ dàng. Và cũng không nên đặt nặng vấn đề trách nhiệm, đúng sai, mà nên đặt vấn đề trên cơ sở là giữa muôn trùng bất định, bất kỳ quyết định nào cũng là một quyết định mạo hiểm. Vấn đề là, cần có những phương án để ứng phó nếu như rủi ro trở thành sự thật.
Trong bóng đá, nếu chỉ phòng thủ, thì không thể chiến thắng. Còn chọn giải pháp tấn công như thế nào là tùy vào ý đồ chiến thuật và sự biết mình, biết người của từng nhà cầm quân. Câu chuyện ở đây cũng sẽ tương tự. Công nghệ có thể hỗ trợ việc ra quyết định, nhưng nó không chắc làm cho việc ra quyết định dễ dàng hơn.