Thế lưỡng nan của Tổng công ty Licogi

(ĐTCK) 5 năm sau cổ phần hóa, bức tranh tài chính- kinh doanh của Tổng công ty Licogi (LIC) ngày càng kém khả quan. Trong bối cảnh kinh doanh thua lỗ, cấu trúc tài chính mất cân đối nghiêm trọng, quyết tâm thoái vốn nhà nước được đánh giá sẽ là chìa khóa để LIC tái cấu trúc doanh nghiệp.
Thế lưỡng nan của Tổng công ty Licogi

Kinh doanh thua lỗ, cơ cấu tài chính mất cân đối

Quý đầu năm 2020, báo cáo tài chính của LIC tiếp tục cho thấy bức tranh kinh doanh kém khả quan. Cụ thể, trong kỳ, doanh thu hợp nhất chỉ đạt 417,3 tỷ đồng, giảm 9,9% so với cùng kỳ 2018. Nguyên nhân chủ yếu là do doanh thu mảng xây dựng giảm 46,8% so với cùng kỳ năm trước, trong khi doanh thu mảng bất động sản - chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu doanh thu, cũng giảm 9,2%.

Dù bù lại, giá vốn hàng bán của mảng bất động sản, hàng hóa (chủ yếu là vật liệu xây dựng) giảm sâu hơn giúp lợi nhuận gộp đạt 61,4 tỷ đồng, tăng 61,6% so với quý I/2019 nhưng doanh thu tài chính, chủ yếu là phần cổ tức được chia giảm mạnh, trong khi chi phí bán hàng và nhất là chi phí khác gia tăng đã khiến kết quả lợi nhuận sau thuế âm 35,2 tỷ đồng.

Thế lưỡng nan của Tổng công ty Licogi ảnh 1

Tiền thân là công ty Thi công cơ giới, được Bộ Xây dựng thành lập năm 1960, LIC từng có tên tuổi trong lĩnh vực xây dựng các công trình dân dụng, nhà máy công nghiệp, thuỷ điện và vật liệu xây dựng (ami ăng, tấm lợp kim loại, kết cấu thép…) trước khi mở rộng sang mảng bất động sản với việc đầu tư phát triển các dự án nhà ở, khu đô thị.

Sau khi được Chính phủ phê duyệt phương án cổ phần hóa vào tháng 12/2014, đến tháng 4/2015, hoạt động IPO của Licogi hoàn tất và Tổng công ty chính thức chuyển sang hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần từ tháng 12/2015.

Tuy vậy, trái với kỳ vọng về sự phát triển mạnh mẽ hơn sau khi cổ phần hóa, LIC lại rơi vào chuỗi thua lỗ chưa có hồi kết.

Năm 2016 - năm đầu tiên hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần, LIC báo lỗ sau thuế kỷ lục 436,6 tỷ đồng, chủ yếu do trích lập dự phòng phải thu khó đòi và chi phí lãi vay tăng mạnh.

Năm 2017, LIC báo cáo doanh thu giảm 10,1% so với 2016 và lợi nhuận sau thuế âm 71,8 tỷ đồng.

Mức lỗ giảm đáng kể một phần do giảm trích lập dự phòng so với năm trước, một phần là do ghi nhận doanh thu tài chính tăng vọt nhờ nhận cổ tức khoản đầu tư vào Công ty TNHH Khu công nghiệp Thăng Long.

Năm 2018, cũng chính khoản cổ tức từ đơn vị liên doanh này đã giúp LIC thoát lỗ và đạt 46,5 tỷ đồng lợi nhuận. Hy vọng phục hồi mở ra không bao lâu thì Công ty báo lỗ trở lại trong 2019 và mới nhất là quý đầu năm 2020.

Không chỉ kinh doanh yếu kém, chất lượng tài chính của Tổng công ty nói chung và các công ty con nói riêng như Licogi 2, Licogi 9, Licogi 10, Licogi 15, Licogi 17, Licogi 20, công ty lắp máy điện nước… cũng đặt dấu hỏi lớn khi đơn vị kiếm toán liên tục đưa ý kiến ngoại trừ và nhấn mạnh với hàng loạt khoản mục trên báo cáo tài chính.

Chẳng hạn, tại báo cáo kiểm toán 2019, Công ty TNHH Hãng Kiểm toán AASC đã ngoại trừ việc ghi nhận doanh thu, lợi nhuận tại dự án Khu đô thị Nam Ga Hạ Long, Khu dân cư Licogi 17, vốn hóa lãi vay tại dự án Khu đô thị mới Thịnh Liệt. Kiểm toán cũng không thu thập được bằng chứng về tính chính xác, đầy đủ của hàng trăm tỷ đồng nợ phải thu, nợ phải trả và tồn kho tại các công ty con.

Báo cáo kiểm toán của AASC cũng nhấn mạnh việc tồn tại yếu tố không chắc chắn về khả năng hoạt động liên tục khi tính đến 31/12/2019, nợ ngắn hạn của Tổng công ty đã vượt tài sản ngắn hạn 1.371 tỷ đồng, lỗ lỹ kế chiếm 65,87% vốn điều lệ.

Sau quý đầu năm 2020, bức tranh này chưa có sự thay đổi đáng kể. Tổng nợ phải trả trên báo cáo tài chính hợp nhất đến cuối quý I là 3.885,6 tỷ đồng, gấp 8,8 lần vốn chủ sở hữu và chiếm 89,3% tổng nguồn vốn. Trong đó, có 1.965 tỷ đồng nợ vay.

Chi phí lãi vay trong riêng quý I là 38 tỷ đồng, tương đương 62% lợi nhuận gộp. Nếu như nợ ngắn hạn lên đến 3.354 tỷ đồng thì LIC chỉ có 1.954 tỷ đồng tài sản ngắn hạn. Trong số này, có 982,8 tỷ đồng khoản phải thu và 690,4 tỷ đồng tồn kho.

Gian nan tìm kiếm lời giải bài toán vốn

Việc cổ phần hóa của LIC đã được đánh giá khá thành công khi trong đợt IPO tháng 4/2015, 100% cổ phần chào bán được bán hết với giá bình quân 10.006 đồng/cổ phần, cao hơn giá khởi điểm. Sau cổ phần hóa, LIC có vốn điều lệ 900 tỷ đồng và sở hữu nhà nước (Bộ Xây dựng) là 40,71%.

Khi đăng ký giao dịch trên UPCoM vào tháng 6/2017, mức giá khởi điểm của LIC chỉ là 4.900 đồng/cổ phiếu, tương ứng các nhà đầu tư đã lỗ hơn 50% sau hơn 2 năm từ khi mua cổ phần IPO.

Sau gần 3 năm trên sàn chứng khoán, thị giá cổ phiếu LIC kết thúc phiên giao dịch ngày 5/6/2020 ở mức 8.400 đồng/cổ phiếu, tăng so với thời điểm lên sàn. Tuy vậy, thị giá này được xem là không phản ánh đúng đánh giá của thị trường về tình hình doanh nghiệp, nguyên nhân là cổ phiếu gần như hoàn toàn mất thanh khoản.

Không quá khó để nhận thấy những khó khăn lớn mà LIC đang phải đối mặt.

Về tài chính, như chính LIC thừa nhận, “việc duy trì sử dụng nợ vay quá lớn, gấp khoảng 10 lần vốn chủ sở hữu (so với trung bình ngành 4 lần) đã đè nặng lên khả năng chi trả lãi vay của Tổng công ty và ảnh hưởng lớn đến hiệu quả kinh doanh”.

Kinh doanh thua lỗ, tài chính mất cân đối khiến hồ sơ năng lực giảm điểm, gây khó khăn cho LIC khi đấu thầu để tìm kiếm việc làm, thiếu vốn để đầu tư cho dự án mới khiến tình hình càng khó khăn thêm.

Trong bối cảnh đó, tái cấu trúc nguồn vốn được đánh giá sẽ là “chìa khóa” giúp LIC thoát lầy.

Tuy vậy, nếu tăng cường vay nợ, chẳng những sẽ làm tăng thêm hệ số vay nợ (vốn đã rất lớn) tương ứng càng làm tăng rủi ro thanh khoản, mà tìm kiếm được đối tác cho vay cũng chẳng dễ dàng.

Nếu có, LIC cũng sẽ phải chịu lãi suất cao hơn để bù đắp cho rủi ro mà bên cho vay phải nhận, tương ứng làm tăng thêm gánh nặng chi phí lãi vay.

Phương án có lợi hơn là tăng vốn cổ phần để vừa giải bài toán dòng tiền trả nợ và tái đầu tư, vừa tăng được hệ số vốn chủ sở hữu.

Phương án này có phần thuận lợi khi cơ cấu cổ đông của Công ty hiện nay khá cô đặc, với Tổng công ty Đầu tư kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đang sở hữu 40,71% sau khi nhận chuyển giao quyền sở hữu vốn Nhà nước từ Bộ Xây dựng từ năm 2018. Hai cổ đông tổ chức khác sở hữu lần lượt 35% và 19,24%.

Cũng cần lưu ý thêm là LIC đã nằm trong danh mục doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn giai đoạn 2017 - 2020. Năm 2019, SCIC đã cho biết đang xem xét kế hoạch thoái vốn nhà nước tại LIC nhưng đến nay vẫn chưa có thêm động thái mới nào.

Trong điều kiện LIC đang thua lỗ, không đáp ứng được điều kiện chào bán ra công chúng, phương án thoái vốn nhà nước sẽ giúp LIC có triển vọng hơn khi đối tác có thể tiến tới sở hữu chi phối để tái cấu trúc doanh nghiệp.

Phương án này một mặt giúp LIC mở ra cánh cửa phục hồi, mặt khác là giúp việc thoái vốn nhà nước có khả năng hoàn tất theo dự kiến.

Dẫu vậy, để tái cấu trúc LIC, quyết tâm thoái vốn của SCIC được đánh giá sẽ đóng vai trò quan trọng nhất

Khắc Lâm

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục