Thế khó của thị trường tài chính quy mô nghìn tỷ USD tại Việt Nam

(ĐTCK) Theo dự báo của McKinsey & Company, thị trường quản lý gia sản Việt Nam có thể đạt quy mô 600 tỷ USD đến năm 2027. Tuy nhiên, thị trường đang thiếu một số yếu tố nền tảng để có thể tăng trưởng mạnh mẽ, bao gồm câu chuyện pháp lý chưa hoàn thiện, các sản phẩm - dịch vụ tài chính thiếu và yếu, thiếu vắng niềm tin.

Tại Chương trình Đối thoại đầu tuần do Báo Đầu tư phối hợp cùng Cộng đồng Cố vấn tài chính Việt Nam (VWA) tổ chức với chủ đề "Xu thế quản lý gia sản tại Việt Nam - Wealth management in Vietnam", TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia tài chính – ngân hàng chia sẻ, người Việt Nam thường chủ động đầu tư và “ưa thích” mạo hiểm. Đây là đặc điểm tích cực để có thể phát triển thị trường tài chính, quản lý gia sản mạnh mẽ trong tương lai.

“Tuy nhiên, chúng ta đang thiếu một số yếu tố. Thứ nhất là nền tảng pháp lý, quản lý nhà nước về vấn đề đầu tư, kể cả bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, cổ phiếu. Các quy định chưa hoàn thiện khiến thị trường gặp những trục trặc không đáng có.

Từ năm 1990 tới nay, giá vàng trên thế giới và tại Việt Nam tăng khoảng 30 lần. Từ năm 2000 tới nay, giá chứng khoán Việt Nam tăng 12,5 lần, thấp hơn so với giá vàng. Từ năm 1990 tại Mỹ và một số thị trường khác mà chúng tôi khảo sát, giá bất động sản tăng khoảng 100 lần. Nhưng trong giai đoạn này, giá bất động sản tại Hà Nội, TP.HCM tăng 400 lần, cao hơn rất nhiều so với tốc độ tăng của vàng và chứng khoán. Giá bất động sản sẽ còn tăng, bởi nguồn cung thiếu, hàng ngàn dự án còn đắp chiếu vì lý do chính là không có tiền.

3 so sánh về tốc độ tăng giá của vàng, chứng khoán, bất động sản – 3 thị trường đầu tư tài chính chủ yếu cho thấy có rất nhiều cơ hội tại thị trường Việt Nam. Nếu chúng ta có nền tảng pháp lý vững chắc và các định chế xây dựng thị trường tốt thì thị trường Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ hơn nhiều”, TS. Lê Xuân Nghĩa cho biết.

TS. Lê Xuân Nghĩa tại chương trình Đối thoại đầu tuần do Báo Đầu tư tổ chức

Ông Nguyễn Minh Tuấn, CEO AFA Capital, nhà sáng lập Nền tảng đầu tư và quản lý tài chính cá nhân TOPI cho biết, tốc độ tăng trưởng PFA (PFA – personal finance asset – đo lường tiền gửi, trái phiếu, lượng cổ phiếu được khách hàng cá nhân) của thị trường Việt Nam trung bình 15%/năm. Dự phóng tới năm 2027, giá trị tài sản đầu tư của người Việt Nam vào khoảng 600 tỷ USD, nhưng con số này lại chưa tính tới vàng và bất động sản. Nếu cộng thêm 2 tài sản này, thị trường quản lý gia sản Việt Nam có thể đạt tới quy mô nghìn tỷ USD.

Đồng quan điểm với TS. Lê Xuân Nghĩa, ông Tuấn cho biết, quy mô thị trường lớn nhưng còn thiếu vắng nhiều sản phẩm là cơ hội rất lớn cho các đơn vị cung cấp sản phẩm - dịch vụ. Tuy nhiên cần phải giải quyết một số yếu tố.

Thứ nhất, khung pháp lý.

“Một hình thức đầu tư văn minh là quỹ mở cần được khuyến khích nhưng lại đang bị quản lý rất chặt, chúng ta có xu hướng cho nhà đầu tư cá nhân tham gia thị trường nhiều hơn. Chúng ta cũng chưa có các sản phẩm chứng chỉ quỹ đầu tư vào thị trường bất động sản như REIT. Đây là vấn đề lớn và cần chiến lược tài chính ở cấp độ quốc gia để tăng cường sản phẩm - dịch vụ cho người dân đầu tư. Nếu không nguồn lực sẽ tiếp tục đẩy vào vàng và bất động sản, nguồn lực không đẩy được vào thị trường tài chính”, ông Tuấn cho biết.

Thứ hai là các doanh nghiệp. Sau Covid, các sản phẩm dịch vụ tài chính đã phát triển mạnh mẽ hơn nhờ các quy định về eKYC. Doanh nghiệp cũng phải đầu tư vào công nghệ, tăng trải nghiệm cho người dùng, có nhiều sản phẩm… nhưng đảm bảo bảo mật, an toàn.

Thứ ba là khả năng tiếp cận của người dân với sản phẩm tài chính.

“Chúng ta cần giải pháp tổng thể để khai thác được tiềm năng lớn của thị trường. Nếu chúng ta có sản phẩm tài chính hợp lý, mọi người sẽ chuyển nguồn lực để đầu tư vào sản phẩm tài chính có thể tin tưởng”, ông Tuấn cho biết.

Ông Nguyễn Minh Tuấn, CEO AFA Capital, người sáng lập TOPI

Các chuyên gia đều khẳng định, thị trường tài chính và lĩnh vực quản lý gia sản tại Việt Nam có tiềm năng lớn để phát triển, nhưng việc người dân thiếu niềm tin vào các định chế tài chính trung gian cũng là thách thức với thị trường.

“Người dân thiếu niềm tin vào các định chế tài chính trung gian bởi một số nguyên do. Đầu tiên là các đơn vị này không độc lập, ví dụ câu chuyện gửi tiết kiệm lại được tư vấn thành mua trái phiếu, hay muốn đầu tư chứng chỉ quỹ lại được cổ vũ mua cổ phiếu. Yếu tố độc lập của các định chế tài chính trung gian rất quan trọng. Sự độc lập của các định chế tài chính trong việc xây dựng được danh mục đầu tư cho khách hàng. Điều này dẫn tới việc cần lực lượng cố vấn tài chính độc lập, quyền lợi của họ phải gắn với quyền lợi của khách hàng, thay vì gắn với các đơn vị cung cấp sản phẩm”, ông Tuấn chia sẻ.

Bình luận thêm về câu chuyện này, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, thị trường phát triển chậm, không giành được niềm tin của nhà đầu tư bởi thiếu kỷ luật và minh bạch.

“Thị trường tài chính cần minh bạch nhất và tính kỷ luật cao nhất, nhưng đây lại là điều chúng ta thiếu. Một nhân viên ngân hàng có thể biến khoản tiền gửi thành khoản bảo hiểm, điều này không được phép làm nhưng lại diễn ra và nếu đã làm thì phải chịu trả giả rất đắt. Kỷ luật yếu kém là trở ngại lớn trong gây dựng lòng tin và phát triển thị trường”, ông Nghĩa cho biết.

Lam Phong

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục