Thế khó của BSR

(ĐTCK) Những phiên giao dịch gần đây, nhiều nhà đầu tư sốt ruột trước thông tin Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) báo cáo kết quả lợi nhuận năm 2017 giảm hơn 900 tỷ đồng so với công bố trước IPO.
Ảnh Internet Ảnh Internet

Biến động lợi nhuận do thay đổi cách hạch toán

Theo số liệu kết quả sản xuất - kinh doanh năm 2017 của BSR mới đây, Công ty ghi nhận doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ 81.214,7 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2016. Sau khi trừ các chi phí, lợi nhuận sau thuế đạt 7.712 tỷ đồng, tăng 72% so với năm 2016.

Nhưng điều khiến nhiều nhà đầu tư sốt ruột là kết quả này giảm mạnh so với thông báo trước đó của BSR. Theo chia sẻ của lãnh đạo doanh nghiệp tại các buổi giới thiệu cơ hội đầu tư trước khi thực hiện bán đấu giá cổ  phần lần đầu ra công chúng (IPO) ngày 17/1/2018, tiếp đến là tại buổi làm việc với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) vào cuối tháng 1/2018, BSR thông báo, ước năm 2017, doanh thu sản phẩm đạt 82.027 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 8.663 tỷ đồng. Như vậy, so với số liệu trong báo cáo kết quả kinh doanh vừa qua, doanh thu sản phẩm và lợi nhuận của BSR  giảm lần lượt 187 tỷ đồng và 950 tỷ đồng.

Biến động này được ông Trần Ngọc Nguyên, Tổng giám đốc BSR giải thích là do thực hiện quy định về phân bổ chi phí. Chẳng hạn, chi phí bảo hiểm, BSR thanh toán 1 lần và hạch toán vào năm 2015, nhưng theo quy định phải hạch toán trong 3 năm. Việc phân bổ chi phí này khiến lợi nhuận năm 2017 giảm mạnh, nhưng đồng thời đẩy lợi nhuận năm 2015, 2016 của doanh nghiệp tăng tương ứng.

Năm 2018, BSR đặt mục tiêu doanh thu 78.365 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế ở mức 3.706 tỷ đồng, thấp hơn so với chỉ tiêu Công ty đặt ra trong bản cáo bạch khi IPO là tổng doanh thu 82.136 tỷ đồng và lãi ròng 4.334 tỷ đồng.

Về vấn đề này, ông Nguyên cho biết, việc xây dựng kế hoạch kinh doanh, BSR làm rất thận trọng, dựa trên những biến số mới trên thị trường như xăng E5 “phủ sóng” bước đầu có thể tạo ra sự e dè nơi người tiêu dùng; Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn đi vào hoạt động tạo ra áp lực cạnh tranh. Đặc biệt, dự báo về giá cả, trong đó mức chênh lệch giá đầu ra - đầu vào năm 2018 ở mức thấp hơn nhiều so với năm 2017, dự kiến ngang mức năm 2016.

Trong bối cảnh như vậy, giải pháp của BSR là phấn đấu chạy tối đa công suất, nhờ vậy tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận quý I/2018 đã đạt 2 con số, riêng lợi nhuận tăng 64% so với cùng kỳ năm 2017.

Áp lực bán cổ phần cho đối tác chiến lược

Hoạt động kinh doanh là một trong những yếu tố ảnh hưởng mạnh nhất đến giá cổ phiếu trên sàn, bởi vậy dễ hiểu vì sao biến động lợi nhuận của BSR được nhiều nhà đầu tư quan tâm.

Phiên IPO hồi giữa tháng 1 của BSR đã diễn ra thành công với giá bình quân 23.043 đồng/cổ phần, thu về cho Nhà nước hơn 5.500 tỷ đồng. Khi cổ phiếu BSR lên giao dịch trên UPCoM, có thời điểm thị giá đạt 33.000 đồng/cổ phần, nhiều nhà đầu tư đã chốt lời và giá hiện tại rớt xuống 25.000 đồng/cổ phần (ngày 4/4).

Ở mức lợi nhuận kế hoạch 2018 mà BSR đặt ra, lợi nhuận trên mỗi cổ  phần (EPS) dự phóng là 1.200 đồng.

Mức giá đang giao dịch trên sàn xấp xỉ với giá đấu bình quân trong phiên IPO, cũng là mức giá khởi điểm mà các nhà đầu tư chiến lược phải chấp nhận nếu muốn bước chân vào BSR.

Hiện BSR đang xúc tiến bán cổ phần cho đối tác chiến lược, tỷ lệ tối đa có thể bán là 49% vốn. Đây mới là nhiệm vụ khó khăn mà BSR phải thực hiện (lưu ý là tỷ lệ cổ phần IPO vừa qua chỉ ở mức trên 4% vốn).

Theo phương án cổ phần hóa đã được phê duyệt, BSR có 3 tháng để tiến hành song song việc IPO và bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược, tức ngày 8/3 vừa qua là hạn cuối cùng. Tuy nhiên, để gọi được dòng vốn có quy mô hơn 2 tỷ USD không hề đơn giản, nên BSR chưa hoàn thành được nhiệm vụ này.

Ông Nguyên cho hay, doanh nghiệp vẫn đang triển khai trao đổi, làm việc với các nhà đầu tư và xin Chính phủ cho gia hạn thời gian chào bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược thêm 6 tháng.

Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu nhận xét, giá cổ phiếu BSR sau khi lên sàn tăng cao, nhiều nhà đầu tư mừng nhưng chưa chắc BSR đã mừng, vì việc bán cổ phần cho đối tác chiến lược có thể gặp khó khăn. Bán cổ phần theo thị giá cổ phiếu trên sàn, nhà đầu tư khó có thể kham nổi, nhưng nếu bán thấp hơn nhiều thị giá, ai dũng cảm phê duyệt phương án bán?

Hiện có 2 tập đoàn nước ngoài đang tham gia cuộc đua trở thành đối tác chiến lược của BSR, hơn 5 nhà đầu tư khác vẫn giữ liên lạc thường xuyên để làm việc tích cực, nhưng các bên vẫn ở giai đoạn đánh giá, trao đổi thông tin. Rõ ràng, để những thương vụ tỷ USD được ký kết, cho dù là những “cô gái đẹp” cũng không dễ “kén chồng”.

Thủy Nguyễn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục