Tháng 1/2018, 3 ông lớn dầu khí sẽ “đại náo” sàn đấu giá

(ĐTCK) Chưa đầy 1 tuần kể từ khi phương án cổ phần hóa Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), PVOil và PvPower được thông qua, 3 doanh nghiệp đã ấn định thời điểm IPO vào nửa cuối tháng 1/2018, trong đó nổ phát súng đầu tiên là BSR. Theo kế hoạch của các doanh nghiệp, BSR sẽ IPO vào ngày 17/1, PvOil vào 19/1 và PVPower vào 31/1.

BSR: Kết quả kinh doanh vượt trội trước IPO

Trao đổi với báo chí chiều 14/12, ông Trần Ngọc Nguyên, Tổng giám đốc BSR đã cung cấp bức tranh kinh doanh 2017 thành công vượt dự kiến. Cụ thể, BSR ước lợi nhuận sau thuế cả năm đạt 8.000 tỷ đồng. Như vậy, tính trên vốn điều lệ 21.000 tỷ đồng, tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu (ROE) của Công ty rất ấn tượng, đạt 26%.

So với kế hoạch năm đặt ra là 1.600 tỷ đồng, lợi nhuận của BSR khiến không ít người ngạc nhiên. Đâu là lý do doanh nghiệp đạt kết quả ngoạn mục như vậy? Ông Nguyên chia sẻ nhiều yếu tố dẫn tới thành công trên, chẳng hạn tỷ giá ổn định, biến động đồng USD chưa tới 2%, giá dầu thô trung bình đạt 54,2 USD/thùng trong khi giá dầu lập kế hoạch của BSR là 50 USD/thùng, doanh nghiệp cắt giảm được 20% chi phí...

Đặc biệt là việc Chính phủ bỏ cơ chế thuế điều tiết đối với BSR từ đầu năm 2017. Được cạnh tranh sòng phẳng theo cơ chế thị trường đã đem lại hiệu quả vượt trội cho Công ty và đóng góp thêm cho ngân sách hơn 3.000 tỷ đồng (năm 2017, BSR nộp ngân sách hơn 7.000 tỷ đồng).

Với lợi nhuận sau thuế như trên, thu nhập trên mỗi cổ phần BSR năm 2017 đạt khoảng 3.800 đồng, nếu tính theo PE bình quân của thị trường chứng khoán Việt Nam là 15x (đã loại những mã PE quá cao như VIC, SAB, ROS…), giá BSR có thể đạt 57.000 đồng/CP. Như vậy, giá khởi điểm 14.600 đồng/CP là khá thấp.

Tuy nhiên, nhà đầu tư sẽ phải xét thêm nhiều yếu tố như khả năng duy trì lợi nhuận ở mức cao trong tương lai của BSR, những yếu tố có thể ảnh hưởng lớn tới biên lợi nhuận của doanh nghiệp. Bởi nếu dựa theo kế hoạch lợi nhuận năm 2019 là 3.500 tỷ đồng, thì định giá theo P/E trung bình thị trường của BSR chỉ còn khoảng 25.000 đồng/CP.

Một yếu tố sẽ ảnh hưởng tới hoạt động của BSR là kể từ năm 2018, khi Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn đi vào hoạt động. Tuy công suất của cả 2 nhà máy Lọc dầu Dung Quất và Lọc dầu Nghi Sơn mới đáp ứng được 80% nhu cầu thị trường Việt Nam, nhưng thêm đối thủ nặng ký tham gia thị trường, không thể không có tác động đến hoạt động kinh doanh của BSR.

Nhìn nhận về sức cạnh tranh giữa hàng trong nước và hàng nhập khẩu, ông Trần Ngọc Nguyên tự tin cho rằng, sản phẩm của BSR đã đạt độ ổn định ở mức rất cao, chất lượng thì thuộc nhóm dẫn đầu, bằng chứng là ngay khi được áp dụng cơ chế thị trường, hàng hóa của Công ty làm không đủ bán, hiệu quả sản xuất kinh doanh cải thiện rõ rệt.

Ông Nguyên cũng nói rằng, dư địa để doanh nghiệp tiếp tục cải tiến hiệu quả kinh doanh còn vô cùng lớn. Hiện Lọc dầu Dung Quất được xếp nhóm 2 về biên lợi nhuận trong số hơn 100 nhà máy lọc dầu trên thế giới, lên nhóm 1 là mục tiêu hàng đầu của Công ty và thời gian để thực hiện được mục tiêu này mất khoảng 3-10 năm.

Với chỉ số ROE duy trì trong khoảng 10,5% trong vòng 3-5 năm tới, BSR hứa hẹn là cổ phiếu duy trì được phong độ ổn định dựa trên nền tảng hoạt động sản xuất hàng hóa cơ bản, một trong những ngành được nhiều nhà đầu tư đang kiếm tìm cơ hội bỏ vốn. Đây có thể là lý do khiến phiên IPO của BSR được dự đoán khá hút khách.

“Trong số 17 đối tác mong muốn trở thành cổ đông chiến lược của BSR, nhiều đơn vị cho biết sẽ tham gia mua cổ phần qua IPO”, ông Nguyên nói.

PVPower: Cận Tết vẫn tự tin đấu giá

Ngày 31/1 là thời gian cận Tết Nguyên đán (trước Tết 2 tuần), liệu thời điểm đó có bất tiện với nhà đầu tư? Trả lời câu hỏi của Báo Đầu tư Chứng khoán bên lề cuộc gặp với giới phân tích, đầu tư chứng khoán sáng 14/12, ông Nguyễn Duy Giang, Phó tổng giám đốc  PVPower  tự tin cho rằng, hàng tốt thì không lo ế. PVPower hiện là tổ hợp sản xuất điện lớn thứ hai tại Việt Nam, với 11% công suất hệ thống.

90% tỷ trọng doanh thu của Công ty nằm ở sản xuất điện, với các nhà máy Cà Mau 1, 2; Nhơn Trạch 1, 2; Vũng Áng 1… Năm 2017, lợi nhuận của Tổng công ty ước vượt kế hoạch năm, trong đó riêng Nhà máy Vũng Áng 1 đóng góp hơn 800 tỷ đồng. Ông Giang cho biết, nhà máy này có thể đạt tới 1.500 tỷ đồng lợi nhuận nếu cải thiện được một số điểm hạn chế hiện nay.

Tháng 1/2018, 3 ông lớn dầu khí sẽ “đại náo” sàn đấu giá ảnh 2

Tuy nhiên, với PVPower, có 3 vấn đề cần được “mổ xẻ” kỹ. Thứ nhất, biến động tỷ giá ngoại tệ cho khoản vay Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 (gần 800 triệu USD), theo ước tính của Tổng công ty là USD tăng giá 1% sẽ mất khoảng 100 tỷ đồng lợi nhuận.

Thứ hai là giá khí, nguyên liệu đầu vào của Nhà máy Cà Mau 1 và 2 nhiều khả năng sẽ điều chỉnh tăng, cũng như việc thiếu hụt khí cho sản xuất điện do thỏa thuận phân chia khí tại Vùng chồng lấn với Malaysia sắp đến giai đoạn mỗi bên hưởng 50-50.

Thêm một điểm nữa tính toán, đó là PVPower đang triển khai Dự án đầu tư Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và 4. Theo chủ trương, Chính phủ sẽ không bảo lãnh cho các khoản vay của doanh nghiệp. Do đó, nhiều khả năng PVPower sẽ thu xếp vay thương mại hoặc vay đảm bảo từ các hợp đồng mua bán điện… Dù theo cách nào chăng nữa, chi phí lãi suất và biến động tỷ giá cũng là những ẩn số có tác động tới kết quả kinh doanh của Tổng công ty trong những năm tới.

Năm 2017, PVPower dự kiến doanh thu Công ty mẹ đạt 21.407 tỷ đồng, lợi nhuận 1.309 tỷ đồng, như vậy ROE đạt 6,4%. Với kết quả này, mức giá khởi điểm 14.400 đồng/CP không đắt, nhưng cũng không quá rẻ, lợi thế của PVPower có lẽ cần được xem xét trên việc định giá theo phương pháp tài sản vì có thể đem lại mức chênh lệch tốt trong tương lai.

Đồng thời, theo kế hoạch mà PVPower xây dựng, lợi nhuận và ROE các năm sau sẽ tăng đều, đạt đến mức 12,6% vào năm 2021. Tất nhiên, nhà đầu tư sẽ xem xét kỹ, bởi không phải kế hoạch ở thì tương lai nào cũng dễ trở thành hiện thực.

Tương tự BSR, PVPower sẽ bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược trong vòng 3 tháng sau IPO và giá trúng thầu bình quân sẽ là giá khởi điểm để đàm phán với các nhà đầu tư chiến lược.

Trước khi phương án cổ phần hóa được phê duyệt, đã có 32 nhà đầu tư bày tỏ mong muốn trở thành cổ đông chiến lược của Công ty. Nhưng để biết liệu ai trong số đó có ý định bỏ vốn thực sự, có lẽ sẽ phải chờ thêm một vài động tác khác, thậm chí cả đến lúc các bên khảo sát và tiếp cận thông tin ở giai đoạn cuối cùng.

PVOil lên tiếng khá sớm về phương án cổ phần hóa trước khi quyết định cuối cùng được phê duyệt với tỷ lệ IPO thay đổi “xoành xoạch”, nhưng lại có vẻ chậm chân hơn trong việc công bố thông tin chính thức. Bởi vậy, đến lúc này, giới phân tích chưa thể đánh giá rõ ràng hơn cơ hội bỏ vốn vào phiên IPO tới đây.

Nhưng dù được triển khai sớm hay muộn, các doanh nghiệp đều phải tuân thủ các quy định về thời hạn công bố thông tin và đều có kế hoạch roadshow tại TP.HCM và Hà Nội trước khi IPO diễn ra. Tại đó, giới đầu tư tha hồ chất vấn và tìm lời giải đáp cho những băn khoăn còn để ngỏ.

Có một điểm nằm ngoài tầm tay của các doanh nghiệp, đó là giá IPO cao nhất là khi tâm lý đám đông bị đẩy lên cao trào, nhưng điểm này chưa hẳn đã là “thượng sách” vì doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn trong việc chào bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược. Bởi vậy, mức giá win-win cho các bên cần thỏa mãn các yếu tố doanh nghiệp bán hết cổ phần giá hợp lý sẽ không chịu sức ép về cổ tức, lợi nhuận sau IPO, bán tiếp được cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược, người mua ban đầu có dư địa để giá trị cổ phiếu tiếp tục được gia tăng, hoạt động của doanh nghiệp phát triển bền vững sau IPO giúp duy trì dòng tiền nộp cho ngân sách nhà nước…

Thủy Nguyễn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục