The KAfe là gì?
Thành lập năm 2013 ở Hà Nội, The KAfe được định vị là chuỗi cửa hàng cà phê đô thị phục vụ ẩm thực theo phong cách lai Âu Á tiên phong ở Việt Nam. Bà chủ Đào Chi Anh cũng không phải là một tên tuổi lạ. Bà là một đầu bếp nghiệp dư và đồng tác giả của các quyển sách nấu ăn khá nổi tiếng là “Chuyện hai căn bếp” và “Hai căn bếp ngọt ngào”.
Nhưng tới đầu năm 2015, với việc hợp tác với New Asia Partners (NAP), nhất là việc ông Dennis Nguyễn, Chủ tịch Quỹ NAP đã rót vốn và thành lập The KAfe Group, đơn vị chủ quản The KAfe, để chuẩn bị cho việc niêm yết trên thị trường chứng khoán quốc tế, The KAfe bắt đầu được chú ý.
Gần đây nhất, The KAfe lại nổi lên khi Cassia Investments, quỹ tư nhân chuyên đầu tư vào các công ty tiêu dùng khắp châu Á, đã quyết định đầu tư 5,5 triệu USD. Ngay sau đó, bà Chi Anh công bố kế hoạch mở rộng ở thị trường Việt Nam.
Theo đó, trong 3 tháng tới, The KAfe sẽ mở 26 cửa hàng ở TP.HCM và Hà Nội, riêng TP.HCM sẽ khoảng 8-10 cửa hàng, mỗi cửa hàng có sức chứa 100 khách. Cùng với đó, một số cửa hàng theo mô hình ẩm thực mới như Burger Box, với ít chỗ ngồi hơn để linh động cho việc mở tại các địa điểm khác nhau, sẽ được thiết lập.
Theo bà Chi Anh, KAfe Group sẽ tập trung vào giới trẻ, dân công sở tại đô thị lớn nên mọi hoạt động của The KAfe sẽ xoay quanh xu hướng tiêu dùng của nhóm khách này.
Bà Chi Anh cũng không giấu kế hoạch xây nông trại ở gần Hà Nội và TP.HCM để đảm bảo độ tươi và chất lượng của nguyên liệu trong thực đơn, điều mà khách hàng của The KAfe rất quan tâm.
Việc chế biến thức ăn được thực hiện tại bếp trung tâm, được vận hành bởi ông Joel Manton, người có nhiều năm kinh nghiệm xây dựng và điều hành bếp trung tâm lớn của các tập đoàn khách sạn ở Australia. Ở Hà Nội, mô hình bếp trung tâm đã đi vào hoạt động. Công ty đang tính toán để xây dựng mô hình tương tự ở TP.HCM.
“Khi có bếp trung tâm và đủ đầu bếp chế biến liên tục từ sáng đến tối, việc sản xuất và vận chuyển đồ ăn đến các cửa hàng trong thành phố sẽ không khó khăn. Khi số cửa hàng tăng lên, chúng tôi sẽ tính toán nâng cấp hoặc thay đổi vị trí bếp trung tâm cho phù hợp”, bà Chi Anh nói.
Trên thế giới đã có doanh nghiệp đi theo mô hình tương tự, điển hình thành công là Chipotle. Định hướng kinh doanh của Chipotle là thức ăn nhanh và sạch, được làm từ các nguyên liệu hảo hạng với giá phải chăng, phục vụ nhóm khách hàng trong độ tuổi 18 - 49. Chipotle bắt đầu với 16 cửa hàng vào năm 1993 ở Colorado (Mỹ). Đến nay, Chipotle có 1.800 cửa hàng với hơn 45.000 nhân viên trên toàn cầu.
Con đường trước mặt
Quyết định “Nam tiến” có thể nói đóng vai trò rất lớn đối với sự thành công tới đây của The KAfe và Cassia Invesments. Tuy nhiên, thị trường này không phải dễ tính đối với các tay chơi mới.
Đánh giá về TP.HCM, bà Chi Anh cho rằng, đây là thị trường rất tiềm năng vì có lượng khách hàng trẻ, khách nước ngoài đông. Họ chính là nhóm khách hàng chủ lực của The KAfe.
Song, bà Chi Anh cũng thừa nhận, chính đối tượng này là thách thức lớn nhất của Công ty khi có sự khác biệt về khẩu vị, sở thích của khách hàng tại TP.HCM.
Vốn là người từng sống và di chuyển nhiều quốc gia, nền văn hóa khác nhau, nên bà Chi Anh hiểu rằng, không dễ giải quyết vấn đề này.
“The KAfe sẽ là học sinh mới trong lớp, tự thích nghi và hòa hợp dần để trở thành một phần của TP.HCM, chứ không áp đặt bất cứ điều gì”, bà Chi Anh ví von.
Thực tế, xét về mô hình kinh doanh ẩm thực lai Âu Á, The KAfe có thể là tiên phong, nhưng ở mô hình ăn uống phục vụ giới trẻ và dân văn phòng thì TP.HCM dường như lại là nơi đặt chân đầu tiên của rất nhiều thương hiệu đình đám trong nước và nước ngoài. Có thể kể nhanh một vài cái tên như Highlands, Starbuck, The Coffee Bean & Tea Leaf, Nydc, Gloria Jean’s Coffee, Angel-in-us-coffee, TheUrban Station, The Coffee House, Passio…
Theo thống kê sơ bộ từ tháng 4/2014 đến nay, trên thị trường TP.HCM, Highlands đứng đầu với 59 cửa hàng, thứ nhì là Urban Station với 30 cửa hàng, thứ ba là Passio với 23 cửa hàng. Các cửa hàng có chi nhánh ít nhất Là Nydc, Gloria Jean’s Coffee, Angle-in-us-coffee với 12 cửa hàng.
Cũng không thể bỏ qua tình trạng rất đông lúc khai trương và sau đó thì vắng lạnh trong ngành F&B, bởi tính chuộng cái mới của khách hàng ở TP.HCM. Theo ông Nguyễn Hải Ninh, người sáng lập chuỗi The Coffee House, để giữ chân khách, chất lượng sản phẩm và dịch vụ phải đồng nhất ở tất cả cửa hàng. Trong khi đó, điểm mạnh của The KAfe được xác định là đa dạng về món ăn, thay đổi theo mùa và xu hướng trên thế giới. Rõ ràng, việc đảm bảo chất lượng sản phẩm, dịch vụ đồng nhất là thách thức không hề nhỏ.
Chìa khóa của bài toán này, theo bà Chi Anh, The KAfe không thể “công thức hóa” thực đơn như chuỗi nhà hàng ăn nhanh. Song để đảm bảo tính đồng nhất, The KAfe phải đảm bảo được mục tiêu truyền đạt giá trị cốt lõi tới từng nhân viên, có hệ thống đào tạo nhân viên chuyên nghiệp và có sự tham gia đánh giá của chuyên gia tư vấn bên ngoài. Đây là vấn đề không hề nhỏ khi The KAfe đang bước vào giai đoạn phát triển nóng.
“Cassia Investments bên cạnh đầu tư tài chính còn hỗ trợ quản trị tài chính, cơ cấu công ty, quản trị kinh doanh. Dưới sự trợ giúp của Cassia Investments, The KAfe sẽ hoạt động tối ưu, kinh doanh hiệu quả và có hệ thống tài chính tiêu chuẩn quốc tế”, bà Chi Anh tự tin.
Ẩn số The KAfe và sân chơi F&B
Đến thời điểm này, The KAfe vẫn đang là ẩn số trong thị trường F&B. Có 2 lý do. Một là tại sao Cassia Investments lại đổ tới 5,5 triệu USD vào một tên tuổi mới toanh là The KAfe. Hai là, việc công bố trị giá khoản đầu tư này cũng “rất khác thường” khi hàng loạt thương vụ trước đó trong ngành F&B đều được các bên liên quan dấu kín. Ngay bà chủ Đào Chi Anh cũng từ chối công bố lý do cũng như thời điểm nhận rót vốn từ Cassia Investments.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Trung Thẳng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản trị và Marketing, Chủ tịch HĐQT Masso Group lại cho rằng, đây là điều bình thường và có tính toán.
“Công bố giá trị thương vụ sẽ mang lại ích lợi có tính toán như thu hút giới truyền thông, từ đó giúp thương hiệu của công ty được đầu tư được chú ý hơn”, ông Thẳng nói.
Nhận định này có lý khi một nguồn tin chưa được kiểm chứng đang đưa thông tin The KAfe Group có ý định mở The KAfe ở nước ngoài, có thể là châu Âu và có kế hoạch niêm yết trên sàn chứng khoán ở Hồng Kông và Singapore.
Với thời gian ngắn như vậy, nhiều khả năng The KAfe sẽ tiến hành nhượng quyền thương hiệu để đạt được mục đích. Vì thế, việc công bố giá trị thương vụ sẽ có lợi cho Công ty khi thương thảo với các đối tác muốn nhượng quyền trong tương lai.
Tất nhiên, mọi việc vẫn chỉ là đồn đoán, song đúng như ông Phạm Hợp Phố, Phó tổng giám đốc Quỹ Đầu tư IDG Ventures Việt Nam phân tích, The KAfe chỉ là một câu chuyện trong sân chơi ngày càng kịch tính của ngành F&B. Theo ông Phố, với dân số trẻ, thích cái mới và hiện đại, Việt Nam là thị trường tiềm năng đối với các công ty trong ngành F&B.
Đặc biệt, với giới đầu tư cá nhân, doanh nghiệp trong ngành F&B có lợi thế hơn vì số liệu dễ thấy và đã có mô hình định giá, trong khi doanh nghiệp công nghệ ở Việt Nam vẫn khó đoán định. Tất nhiên, điều này không có nghĩa doanh nghiệp công nghệ kém hấp dẫn hơn.
Vấn đề là sẽ có sự giao thoa giữa các quỹ đầu tư trong ngành F&B và công nghệ. Vì thực tế cho thấy, các chuỗi cửa hàng này cần sự hỗ trợ rất lớn của công nghệ mới đảm bảo hiệu quả khi mở rộng hoạt động. Có nghĩa là, sân chơi F&B sẽ không chỉ dành riêng cho giới đầu tư trong lĩnh vực này, mà The KAfe có thể sẽ là một Flappy Bird… của ngành F&B.