Sự ra đi đột ngột của ông Lorenzo Zambrano vào đầu tuần trước đã đẩy Cemex vào trạng thái bị cô lập, khi Tập đoàn liên tục phải đối mặt với hàng trăm câu hỏi của các nhà đầu tư về vấn đề người kế nhiệm. Vì thế, để trấn an dư luận và không thể kéo dài tình trạng “rắn mất đầu” lâu hơn nữa, Ban lãnh đạo Tập đoàn thống nhất tiến cử Fernando González, người đã có thâm niên 25 năm gắn bó với Cemex, trở thành người điều hành mới của Tập đoàn. Đồng thời, bổ nhiệm một thành viên trong HĐQT, người đồng thời là em họ của vị Chủ tịch quá cố Lorenzo Zambrano, Rogelio Zambrano trở thành Chủ tịch mới của Tập đoàn Cemex trong nhiệm kỳ tới.
“Chúng tôi vẫn sẽ chú trọng vào việc tạo ra giá trị cho các cổ đông. Tôi, CEO mới, cùng toàn thể Ban lãnh đạo Cemex có đầy đủ tầm nhìn, kỹ năng và kinh nghiệm để thực hiện điều đó. Tôi rất lạc quan tin tưởng vào tương lai sáng sủa của Tập đoàn”, Chủ tịch Rogelio Zambrano phát biểu trong buổi tuyên bố hai nhà lãnh đạo mới của Cemex vào hôm thứ 6 vừa qua.
Cái tên Fernando González không còn lạ lẫm với những người làm việc trong môi trường Cemex, bởi ngoài vai trò Giám đốc tài chính, ông còn trực tiếp điều hành hoạt động kinh doanh của Tập đoàn ở nhiều khu vực trên thế giới như Mỹ La tinh, châu Âu, châu Phi, Trung Đông và châu Á. Quyết định bổ nhiệm Fernando González không thực sự gây ngạc nhiên cho các cổ đông cũng như giới phân tích, bởi dưới thời Chủ tịch quá cố Zambrano, ông đã luôn xây dựng đội ngũ quản lý chuyên nghiệp, xuất sắc, cùng sát cánh bên ông mỗi khi khó khăn. Vì thế, việc tiến cử nhân vật nội bộ Tập đoàn lên giữ vai trò lãnh đạo là một điều hiển nhiên.
Ở trên cương vị mới, giải đáp mọi thắc mắc liên quan đến vấn đề cải cách Tập đoàn, Fernando González cho biết, bất kỳ sự thay đổi nào lúc này đều không thể và không thực sự cần thiết. Theo đó, mọi hoạch định chiến lược thao túng thị trường ngành công nghiệp vật liệu xây dựng toàn cầu của ngài Lorenzo Zambrano vẫn sẽ được duy trì và thực thi.
“Gia tài của Lorenzo Zambrano vẫn sẽ được bảo tồn. Tầm nhìn và niềm đam mê của ông ấy sẽ tiếp tục là nguồn cảm hứng bất tận cho chúng tôi trong quãng thời gian điều hành sắp tới”, Fernando González nói.
Quả thật, để gây dựng cơ ngơi Cemex đồ sộ như ngày hôm nay, ông Lorenzo Zambrano một mình trải qua 30 năm vất vả để biến Cemex từ một công ty tư nhân nhỏ, vốn là tài sản thừa kế của ông nội, trở thành Tập đoàn quốc tế hàng đầu trong lĩnh vực xi măng và vật liệu xây dựng, có mặt ở khắp 5 châu lục. Thành công của Lorenzo Zambrano chủ yếu dựa trên quy mô của hàng loạt thương vụ mua lại, bắt đầu từ hai công ty sản xuất xi măng lớn nhất Tây Ban Nha Valenciana de Cementos và Cementos SANSON vào năm 1992, thương vụ thâu tóm công ty xi măng lớn của Venezuela VENCEMOS năm 1994, cho đến RMC Group năm 2005.
Tuy nhiên, những hợp đồng M&A cũng chính là nguyên nhân đẩy Cemex vào ngõ cụt, khi vào năm 2007, thương vụ mua lại công ty đối thủ của Úc Rinker Group với giá 16 tỷ USD đã khiến Tập đoàn gánh trên vai món nợ khổng lồ, bởi thời điểm Lorenzo Zambrano thâu tóm Rinker không may trùng hợp với thời kỳ thị trường nhà ở Hoa Kỳ lao dốc, khiến Cemex phải chịu tổn thất vô cùng nặng nề.
Theo đó, nợ ròng năm 2013 của Cemex tăng 5%, gần chạm ngưỡng 17 tỷ USD và không kỳ vọng khoản nợ sẽ giảm trong vòng 18 tháng. Mặc dù doanh thu bán hàng trong quý I/2014 của Tập đoàn tăng 8% nhờ vào tốc độ tăng trưởng ổn định của thị trường Hoa Kỳ và châu Âu, nhưng dòng tiền mặt để duy trì hoạt động Công ty và khối lượng hàng tồn kho bao gồm tiền lãi, thuế, khấu hao và giá trị hao mòn tăng 3%, lên đến 535 triệu USD.
Chưa kể, thị trường tiêu thụ chính của Cemex là Mexico vẫn tiếp tục kinh doanh yếu kém với con số doanh thu giảm 6% trong quý IV/2013, đều là những yếu tố làm “trì trệ” kết quả lợi nhuận của Tập đoàn.
Vì thế, có thể nói, trọng trách kéo Cemex ra khỏi vũng lầy nợ nần và thâu tóm ngành xi măng toàn cầu của tân Chủ tịch và CEO mới vô cùng nặng nề và đầy thách thức. Cả hai liệu có vực dậy được Cemex như những gì ngài Chủ tịch quá cố làm được hay không vẫn đang là một câu hỏi lớn.