Cụ thể, Toyota sẽ đưa toàn bộ đội ngũ nhân viên và quản lý ở chi nhánh phía Nam về trụ sở mới tại khu vực miền Bắc nước Mỹ, nơi sẽ cho phép Hãng đến gần hơn với một trong những thị trường tiêu thụ xe hơi rộn ràng nhất Hoa Kỳ, đồng thời quy tụ công việc sản xuất và bán hàng về cùng một chốn. Mặc dù phía Toyota từ chối đưa ra thông tin chi tiết về kế hoạch di dời, song theo nguồn tin thân cận, khoảng 5.300 nhân viên đang làm việc tại Tòa nhà Toyota ở Torrance sẽ được chuyển đến nơi mới. Công việc này đòi hỏi mất một khoảng thời gian ít nhất vài năm.
Từ lâu, nhà sản xuất ô tô hàng đầu thế giới Toyota đã dần chuyển hướng trở thành một công ty chuyên sâu ở thị trường Hoa Kỳ, theo đó 14 nhà máy chế tạo của Toyota ở khu vực Bắc Mỹ như Texas, Mississippi và Kentucky đóng góp tới 71% doanh số bán hàng, vượt xa hẳn con số 55% vào năm 2008. Trước đây, Toyota cũng như nhiều hãng xe hơi khác của châu Á đều lấy California làm nơi đầu tiên đặt nền tảng kinh doanh, bởi nơi đây - vốn được mệnh danh là “vùng đất hứa của người dân châu Á”, sẽ mang đến cho các ông chủ xe hơi châu Á cơ hội xâm nhập vào thị trường tiềm năng này nhanh chóng và thuận lợi nhất.
Thế nhưng, bối cảnh nền kinh tế của 50 năm sau đã có sự đổi khác khi giờ đây không chỉ Toyota mà hầu hết các công ty đối thủ đều lấy Bắc Mỹ làm mục tiêu hoạt động, nhằm biến nơi đây trở thành thị trường tiêu thụ xe hơi nhộn nhịp. Trong đó, Nissan là hãng tiên phong trong phong trào di dời trụ sở chính khi quyết định đến định cư ở Franklin, Tenn, bên ngoài TP. Nashville ở bang Tennessee thuộc Bắc Mỹ vào cuối năm 2005. Năm 2006, Honda cũng tiến hành chuyển một số nhân viên cấp cao từ Torrance đến ngoại ô Columbus, Ohio làm việc.
Một nguyên nhân khác tác động đến sự ra đi của các tập đoàn lớn là vì môi trường kinh doanh ở California đã có phần ảm đạm hơn khi sở hữu mức thuế suất cao và những chương trình đánh thuế phức tạp. Bên cạnh đó, những quy định khắt khe từ các nhà quản lý tại đây cũng khiến hàng nghìn công ty cảm thấy “nghẹt thở” và không thể tiếp tục duy trì hoạt động. Thậm chí, những xưởng sản xuất phim của Hollywood cũng đang xem xét những lời mời hấp dẫn của những bang khác trong khu vực.
“Bất cứ công ty nào cũng có thể dễ dàng nhìn thấy trước con số lợi nhuận từ việc định cư ở một nơi ở mới”, Frank Scotto, Thị trưởng TP. Torrance nói và giải thích, sở dĩ chi phí ở California trở nên đắt đỏ hơn vì nó bao gồm chi phí bù đắp nhân công và bảo hiểm trách nhiệm cùng nhiều khoản chi phí khác như giá bất động sản, thuế kinh doanh…
Tuy nhiên, có một số quan điểm khác cho rằng, Toyota chuyển đi vì những xung đột và chỉ trích từ những tai nạn xảy ra đột ngột với người điều khiển xe do nguyên nhân chân ga bị kẹt, khiến người lái không thể kiểm soát được tốc độ. Hãng đã bị khách hàng lên án vì thái độ lơ là và tìm kiếm nguyên nhân xảy ra vụ việc một cách chậm chạp, dẫn đến hàng triệu chiếc xe Toyota phải bị thu hồi và xử lý hệ thống chân ga. Sau sự việc này, Toyota phải bồi thường 1 - 2 tỷ USD cho những nạn nhân xảy ra sự cố theo điều luật an toàn xe cộ.
Mặc dù gặp phải những sự cố đáng tiếc, song không vì thế tiếng tăm toàn cầu của Toyota bị sụt giảm khi 2 năm liên tiếp, Tập đoàn vẫn giữ vững ngôi vị thống lĩnh thị trường xe hơi thế giới, vượt xa đối thủ tầm cỡ General Motors. Năm 2014, Toyota đặt mục tiêu phá vỡ kỷ lục doanh số bán hàng với 10,32 triệu chiếc xe khi nhìn thấy trước nhu cầu ngày một gia tăng ở những thị trường mới nổi và sự phục hồi nhanh chóng của ngành công nghiệp sản xuất ô tô thế giới.
Theo đó, doanh số bán hàng của Toyota ở thị trường Hoa Kỳ được dự báo tiếp tục tăng 3% trong năm nay, lên đến 2,3 triệu chiếc cho 2 dòng xe Toyota và Lexus. Riêng tại thị trường Trung Quốc, dự đoán sẽ chứng kiến mức tăng trưởng 20% lên đến 1,1 triệu chiếc xe.
Duy nhất chỉ có châu Âu, nơi Hãng nhận định sẽ không có mức tăng nào đáng kể ngoài việc vượt mức bán hàng 848.000 chiếc xe của năm ngoái.